Triển lãm Sắc Xuân: lối sống, sinh hoạt người xưa thể hiện qua tranh dân gian Tứ bình

06/01/2023 - 20:35

PNO - Qua những bộ tranh trưng bày, hậu thế có thể hiểu được phần nào quan niệm vũ trụ quan của người xưa.

Ngày 6/1, trước thềm Xuân Quý Mão 2023 và chào mừng Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2023), Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã khai mạc triển lãm Sắc Xuân qua sưu tập tranh dân gian Tứ bình của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Công chúng trẻ trải nghiệm in tranh dân gian tại triển lãm. Ảnh: Quốc Ngọc
Công chúng trẻ trải nghiệm in tranh dân gian tại triển lãm. Ảnh: Quốc Ngọc

Công chúng yêu nghệ thuật tại TPHCM lại có dịp thưởng lãm tranh dân gian Việt Nam nói chung và tranh Tứ bình nói riêng, vốn là sản phẩm tinh thần quý giá của cha ông ta. Từ xưa, dân ta đã có tục chơi tranh, nhất là mỗi dịp Tết đến xuân về.

Theo ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, mỗi bức tranh Tứ bình xưa được xem như một tổng thể nghệ thuật hoàn chỉnh, hài hòa, tươi mát và đầy tính trữ tình. Bộ tranh Tứ bình gồm bốn bức, thường có hàm ý ẩn dụ cho bốn mùa trong một năm, bốn giai đoạn trong cuộc đời, bốn giai thoại trong một câu chuyện, hoặc bốn vẻ đẹp khác nhau của người, cảnh vật, nghề nghiệp…

Trên tranh thường có những câu thơ chữ Hán hoặc chữ Nôm, là những lời chúc phúc và mong muốn sự bình an phú quý. Vì vậy, tranh Tứ bình từ lâu đã được cha ông ta treo trang trí trong nhà để đón xuân hoặc thờ phụng, tùy theo nội dung của mỗi bộ tranh.

“Ngoài ra, kho tàng tranh dân gian Việt Nam còn gồm nhiều thể loại tranh chúc tụng, tranh sinh hoạt, tranh lịch sử, tranh thờ cúng… Hầu như ở thể loại nào, tranh Tứ bình cũng có chỗ đứng riêng của mình. Qua những bộ tranh này, hậu thế có thể hiểu được phần nào quan niệm về thời gian và lối sống sinh hoạt của người dân từ xa xưa”, ông Nguyễn Anh Minh nói.

 

Nhiều bạn trẻ thưởng thức những bộ tranh Tứ bình để có thể hiểu được phần nào quan niệm về thời gian và lối sống sinh hoạt của người dân từ xa xưa. Ảnh: Quốc Ngọc
Nhiều bạn trẻ thưởng thức những bộ tranh Tứ bình để có thể hiểu được phần nào quan niệm về thời gian và lối sống sinh hoạt của người dân từ xa xưa. Ảnh: Quốc Ngọc

Thời gian ở đây không phân định theo tuyến tính mà có tính luân hồi, sự vật hữu sinh hữu diệt và tiếp nối nhau, tạo nên sự đa dạng của sự sống. Điều đó thể hiện giá trị của các dòng tranh dân gian Việt Nam, đồng thời cho thấy tài nghệ của các nghệ nhân xưa - theo ông Minh.

Triển lãm Sắc xuân trưng bày 20 bộ tranh với các chủ đề Tứ quý, Tố nữ, Tứ dân, Bát tiên, tranh truyện và tranh lịch sử được lựa chọn từ bộ sưu tập tranh Tứ bình đang lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ông Trần Thanh Bình - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM - cho rằng, bảo vệ và giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống là điều cần thiết đối với các thiết chế văn hóa nói riêng và tất cả người Việt nói chung.

“Thông qua triển lãm, những bộ tranh Tứ bình rực rỡ sắc xuân gửi gắm những lời chúc năm mới tốt đẹp nhất đến công chúng yêu nghệ thuật. Một năm phát tài, phát lộc, bằng những hình ảnh biểu tượng giản đơn, gần gũi nhưng lại chứa đựng những hàm ý đầy tính triết lý nhân văn”, ông Bình phát biểu.

Triển lãm sẽ kéo dài đến hết ngày 28/2 tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM (97 Phó Đức Chính, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TPHCM).

Một số tác phẩm tiêu biểu trưng bày tại triển lãm:

Phải qua: Tranh Tứ quý Tùng - Cúc - Trúc - Mai (Dòng tranh Hàng Trống 108 x 34cm x 4)
Từ phải qua: Tranh Tứ quý Tùng - Cúc - Trúc - Mai (Dòng tranh Hàng Trống)

 

Tranh Tứ bình Tố nữ (Dòng tranh Hàng Trống 101 x 30,5cm x 4)
Tranh Tứ bình Tố nữ (Dòng tranh Hàng Trống)

 

Trái qua: Tranh Tứ dân Ngư - Tiều - Canh - Độc (Dòng tranh Hàng Trống 61 x 34cm x 4)
Từ trái qua: Tranh Tứ dân Ngư - Tiều - Canh - Độc (Dòng tranh Hàng Trống)

 

Tranh Bát tiên (Dòng tranh Đông Hồ 90 x 31,5cm x 4)
Tranh Bát tiên (Dòng tranh Đông Hồ)

 

Tranh Truyện Kiều (Dòng tranh Hàng Trống 111 x 34cm x 4)
Tranh Truyện Kiều (Dòng tranh Hàng Trống)

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI