Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020 tại TPHCM: “Rút kinh nghiệm trong vận chuyển, không để hư hại tác phẩm”

22/12/2020 - 15:11

PNO - Sau khi bị phản ứng vì để tranh hư hại, tác phẩm điêu khắc bị mất, ban tổ chức “Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020” rút kinh nghiệm khi đưa tranh vào TPHCM triển lãm đợt 2.

Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020 (tên gọi cũ Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc) diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM từ ngày 22 – 29/12. Trước đó, triển lãm được khai mạc tại Hà Nội từ ngày 1 – 10/12.

Triển lãm năm nay do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch)  đứng ra tổ chức bị nhiều hoạ sĩ, nhà điêu khắc phản ứng khi phát hiện tranh, tác phẩm bị hư hại, biến mất trước khi triển lãm khai mạc. Trong đó, họa sĩ Nguyễn Quốc Huy, hoạ sĩ Hùng Anh, nhà điêu khắc Triệu Ngọc Thạch... là những nghệ sĩ đã lên tiếng về sự việc này.

Tác phẩm Quy tụ của tác giải Vũ Đức Hanh.
Tác phẩm Quy tụ của tác giải Vũ Đức Hanh.

Trong đợt triển lãm tại TPHCM, ông Mã Thế Anh - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết, có khoảng 130 tác phẩm được trưng bày, đa phần do các nghệ sĩ phía Nam thực hiện, chọn lọc trong số những tác phẩm đạt giải.

Đợt di chuyển tranh vào TPHCM, ban tổ chức (BTC) đã cẩn trọng hơn, rút kinh nghiệm từ sự việc lần trước, không để hư hại tác phẩm. Tại triển lãm, một số tác phẩm điêu khắc gặp trục trặc nhỏ trong quá trình vận chuyển nhưng theo BTC, nghệ sĩ đã đến để chỉnh sửa, đưa tác phẩm ra trưng bày.

Tác giả Phạm Ngọc Lâm và tác phẩm sắp đặt mang tên Lệ rừng.
Tác giả Phạm Ngọc Lâm và tác phẩm sắp đặt mang tên Lệ rừng.

Có mặt tại triển lãm, PGS.TS Nguyễn Văn Minh dành lời khen khi các tác phẩm có sự đồng đều về mặt chất lượng. Trong đó, một số tác phẩm khai thác chủ đề thời sự, môi trường, nỗi bức xúc trong lòng đời sống đô thị, những nỗi tâm tư sâu kín... có giá trị.

“Tôi đặc biệt xúc động với những tác phẩm mang tính thời sự, giúp con người có những suy nghĩ, ý thức để ứng xử phù hợp với thời cuộc. Thông qua những tác phẩm này, tôi thấy được tầm quan trọng, vị trí của mỹ thuật trong đời sống hiện đại”, PGS.TS Nguyễn Văn Minh cho biết.

Tác phẩm Hữu hình - Vô hình của Nguyễn Trí Minh Tuyết.
Tác phẩm Hữu hình - Vô hình của Nguyễn Trí Minh Tuyết.

Nói về sự cố mất, hư hại tác phẩm, PGS.TS Nguyễn Văn Minh cho biết không chỉ Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020 mà đã xảy ra tại một số sự kiện triển lãm khác. Tuy nhiên, với lần triển lãm này, cùng với số lượng tranh lớn thì số tác phẩm gặp sự cố cũng nhiều hơn.

“Ở góc độ tổ chức, sẽ khó tránh khỏi rủi ro trong quá trình vận chuyển. Do vậy, sau sự kiện, tôi nghĩ chúng ta cần thực hiện 2 bước. Đầu tiên, phải mua bảo hiểm cho tác phẩm - trách nhiệm này thuộc về ban tổ chức. Thứ hai, cần có sự chuyên nghiệp hơn trong khâu đóng gói, vận chuyển. BTC đừng giao hẳn cho công ty vận chuyển hàng hoá thông thường mà với tác phẩm nghệ thuật, nghệ sĩ hoặc bộ phận đóng gói chuyên nghiệp của bảo tàng thực hiện sẽ đảm bảo hơn”, PGS.TS Nguyễn Văn Minh khẳng định.  

Tác phẩm Ngũ sắc của hoạ sĩ Đặng Thị Thu An.
Tác phẩm Ngũ sắc của hoạ sĩ Đặng Thị Thu An.

 

Một vài hình ảnh khác tại triển lãm:

Nghệ sĩ Nguyễn Tuệ Thành mang đến tác phẩm Tự kỷ 4.0 - Ở đâu đó.
Nghệ sĩ Nguyễn Tuệ Thành mang đến tác phẩm Tự kỷ 4.0 - Ở đâu đó.

 

Tác phẩm Chiến binh của Phạm Thuấn.
Tác phẩm Chiến binh của Phạm Thuấn.

 

Đối thoại mới của Nguyễn Hồng Đức.
Đối thoại mới của Nguyễn Hồng Đức.

 

Rubik phận người của tác giả Phạm Công Hoàng.
Rubik phận người của tác giả Phạm Công Hoàng.

 

Chuỗi mộng của Lê Trọng Nghĩa được thực hiện bằng chất liệu sát, gỗ.
Chuỗi mộng của Lê Trọng Nghĩa được thực hiện bằng chất liệu sắt, gỗ.

 

Sau hơn 6 tháng phát động, ban tổ chức nhận được tổng cộng 3.571 tác phẩm của 1.382 tác giả từ 58/63 tỉnh, thành phố gửi về tham dự. Trong đó, Hội đồng Nghệ thuật đã lựa chọn ra 497 tác phẩm của 483 tác giả để trưng bày. Sau đợt triển lãm tại Hà Nội, Hội đồng đã chọn ra 29 tác phẩm xuất sắc để trao giải thưởng gồm 6 giải Nhì, 11 giải Ba và 12 giải Khuyến khích.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI