Triển lãm mỹ thuật thành sản phẩm du lịch, tại sao không?

27/01/2024 - 09:21

PNO - Số lượng triển lãm tại TPHCM gần như bùng nổ trong năm 2023 và dự kiến tiếp tục tăng trong năm 2024. Với sự đi lên về lượng và chất, không gian hội họa tại TPHCM hoàn toàn có thể trở thành sản phẩm, điểm đến cho du lịch của thành phố.

Nhiều tiềm năng

Sau năm 2023 với nhiều điểm nhấn, hội họa TPHCM khai màn 2024 với không ít triển lãm ấn tượng. Chỉ trong tháng 1 đã có hơn 10 triển lãm mở cửa, đón giới mộ điệu hội họa cả nước. Dù số lượng nhiều nhưng nhờ khác biệt trong chủ đề, chất liệu, cách bài trí nên các sự kiện không “giẫm chân” nhau. Trong nhóm này, có triển lãm được bày biện ở không gian tư nhân, có triển lãm diễn ra ở Hội Mỹ thuật TPHCM hoặc một số bảo tàng.

Khách nước ngoài trước bức Hòa ân của Trần Phúc Duyên - Ảnh do ban tổ chức triển lãm Họa duyên tương ngộ cung cấp
Khách nước ngoài trước bức Hòa ân của Trần Phúc Duyên - Ảnh do ban tổ chức triển lãm Họa duyên tương ngộ cung cấp

Sự đa dạng - xét ở nhiều khía cạnh - đang cho thấy đời sống sôi động của hội họa TPHCM. Từ đây, ý tưởng về việc kết hợp hội họa và du lịch, biến không gian triển lãm thành điểm đến trong hành trình khám phá thành phố của du khách nhất là du khách quốc tế là hoàn toàn có cơ sở. Đơn cử như dịp mừng xuân Giáp Thìn, nếu du khách muốn chiêm ngưỡng các hiện vật quý hiếm, có thể đến triển lãm chuyên đề mang tên Du xuân - Cổ ngoạn của Bảo tàng TPHCM hoặc chuyên đề Long Vân khánh hội - Hình tượng rồng trong văn hóa Việt Nam của Bảo tàng Lịch sử TPHCM.

Nếu muốn thưởng lãm tranh của các danh họa Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Lê Năng Hiển, Đỗ Xuân Doãn... vẽ về không khí ngày xuân, 12 con giáp và phong tục đón tết, du khách sẽ đến triển lãm Lập xuân của Bảo tàng Mỹ thuật tư nhân Quang San. Những triển lãm này kết thúc trong tháng 3 và tháng 4/2024. Bên cạnh các triển lãm có thời gian kéo dài vừa kể, nhiều cuộc trưng bày khác diễn ra ngắn hơn, trong khoảng 1 tuần hoặc gần nửa tháng.

Chia sẻ với Báo Phụ nữ TPHCM, giáo sư, tiến sĩ Lê Xuân Tiên - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM - cho biết hiện tại, không gian của hội (địa chỉ 218A Pasteur, phường 6, quận 3, TPHCM) ngày nào cũng diễn ra triển lãm. Đáng nói, số lượng họa sĩ, nhà điêu khắc đăng ký triển lãm đã kín đến tháng 6/2026, có người đã đặt giữ chỗ cho năm 2027. Hội có thể cung cấp danh sách này để các đơn vị lữ hành lên lịch trình, đưa vào chương trình tour.

Theo thống kê từ đơn vị tổ chức triển lãm nghệ thuật tương tác đa giác quan Van Gogh Art Lighting Experience ở TPHCM, sau hơn 1 tháng mở cửa, đơn vị đón trên 60.000 lượt khách. Đây là con số khả quan, cho thấy nhiều người dân, du khách dành sự quan tâm đến không gian nghệ thuật của danh họa Van Gogh. Đơn vị này tiết lộ, trong thời gian sắp tới, họ sẽ tiếp tục mở rộng không gian triển lãm ngoài trời để phục vụ người xem trong và ngoài nước.

Sẵn sàng hợp tác

“Người dân đến du lịch tại các nước như Pháp, Hà Lan, Hàn Quốc... được hướng dẫn viên đưa đến các bảo tàng, phòng tranh để tham quan. Đây là một trong những địa điểm mà thông qua tranh vẽ và tác phẩm nghệ thuật có thể giới thiệu được con người, vùng đất của quốc gia họ nên du khách rất thích. Hiện nay, thành phố mình chưa làm được điều đó, vì cơ sở vật chất còn hạn chế. Chưa kể, kết nối giữa các điểm triển lãm với công ty du lịch chưa mạnh. Nếu đưa được một số điểm triển lãm vào tour của các đơn vị lữ hành thì hoàn toàn có thể phát triển chúng thành sản phẩm du lịch. Lâu dần, hoạt động này sẽ ngày càng mạnh, góp phần vào phát triển công nghiệp văn hóa nói chung” - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM chia sẻ.

Không gian tại triển lãm Van Gogh, Việt Nam - ẢNH: DIỄM MI
Không gian tại triển lãm Van Gogh, Việt Nam - ẢNH: DIỄM MI

Về yếu tố thời gian của các triển lãm, ngoài các bảo tàng và không gian thuộc sở hữu của họa sĩ, khá ít nơi kéo dài cuộc trưng bày. Một phần vì giá thuê mặt bằng để mở triển lãm không rẻ, nếu diễn ra trong thời gian dài, họa sĩ phải tốn chi phí khá lớn, trong khi không chắc thu được nhiều lợi nhuận từ du lịch. Một phần khác phụ thuộc vào chất lượng tác phẩm. Nếu chuỗi tranh không có “sức nặng”, không phải cột mốc lớn trong sự nghiệp họa sĩ thì theo ông Lê Xuân Tiên, việc kéo dài triển lãm không hẳn hấp dẫn. Giới thưởng ngoạn cần liên tục thay đổi để tránh nhàm chán. Theo ông, nếu bên phòng trưng bày và họa sĩ kết hợp nhuần nhuyễn với bên du lịch thì hoàn toàn có thể “khớp” về lịch trình, đảm bảo tính mới mẻ qua từng tuần.

Tiềm năng là có nhưng để khai thác hiệu quả về lâu dài cần có sự ngồi lại, thương thảo giữa các đơn vị, cá nhân có cùng tầm nhìn, định hướng để tìm được lối đi phù hợp nhất. Đương nhiên, cũng cần có sự chọn lọc, không phải triển lãm nào cũng đạt chất lượng, đủ tầm vóc để có thể là một “đại sứ” giới thiệu về văn hóa, vùng đất, con người bản địa... Ngoài ra, khi các triển lãm trở thành điểm tham quan, hướng dẫn viên du lịch cần được trang bị kiến thức cơ bản về hội họa, tiểu sử họa sĩ để giới thiệu một cách tự nhiên, chuyên nghiệp trước du khách quốc tế. Đồng thời, nơi tổ chức triển lãm cũng phải trang bị thêm tờ hướng dẫn song ngữ để cung cấp thêm thông tin, hỗ trợ du khách tự trải nghiệm.

“Những bước đi đầu tiên luôn khó nhưng nếu nhìn dài hạn, sẽ có động lực để làm vì nhiều nước đã triển khai và thành công. Nếu các đơn vị lữ hành cần hợp tác, tôi nghĩ hội và các họa sĩ, phòng triển lãm, bảo tàng tư nhân... rất sẵn lòng vì kết quả chung” - ông Lê Xuân Tiên nói thêm. 

Diễm Mi

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI