Triển lãm 'độc nhất vô nhị' của Trương Văn Thuận

19/06/2017 - 06:56

PNO - Nhìn ở khía cạnh chủ đề sưu tập, triển lãm 'Một tình yêu hội họa' - giới thiệu một phần bộ sưu tập của Trương Văn Thuận (khai mạc lúc 10g ngày 22/6 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM) là độc nhất vô nhị tại Việt Nam.

Triển lãm trưng bày khoảng 200 tranh, tượng của hơn 80 họa sĩ và nhà điêu khắc. Gần một nửa số đó là chân dung của chính nhà sưu tập và gia đình ông.

Đây cũng là triển lãm đầu tiên của Trương Văn Thuận - nhà sưu tập tranh với gần 30 năm kinh nghiệm. Ông Thuận cho biết lý do làm triển lãm vì đây là năm ông tròn 60 tuổi, đúng “lục thập hoa giáp”, ông sẽ nghỉ hưu để dồn tâm trí, tài lực cho việc sưu tập mỹ thuật.

Trien lam 'doc nhat vo nhi' cua Truong Van Thuan

Chân dung Trương Văn Thuận theo cách nhìn của cố họa sĩ Hoàng Hồng Cẩm (sơn dầu, 70x50cm, 2008)

Trên thế giới cũng như tại Việt Nam, việc triển lãm tranh chân dung của, hoặc về một người, một gia đình là điều không hiếm gặp. Thế nhưng mỗi lần bắt gặp đều có những bất ngờ, mới mẻ, vì câu chuyện của những bức tranh chân dung đó phụ thuộc khá lớn vào đặc trưng nhân vật được thể hiện. Triển lãm của Trương Văn Thuận cũng vậy, đó là những tranh chân dung mà các họa sĩ, nhà điêu khắc đã sáng tác về ông (chủ yếu) và vợ con ông trong nhiều hoàn cảnh, tâm thế khác nhau.

Nhìn ở khía cạnh “ăn ảnh”, Trương Văn Thuận hoàn toàn ngược với vợ mình - nghệ sĩ xiếc Ánh Tuyết - ông là một người “ẩn tướng”, thế nên việc dựng chân dung ông là một thách thức không nhỏ. Dù thế giới nội tâm khá phong phú, bên ngoài ông lại là người ứng xử chừng mực, có nguyên tắc, nên về mặt cá tính tạo hình cũng khó khăn. Trong điều kiện như vậy, để có một triển lãm chân dung đầy đặn như Một tình yêu hội họa cái khiến công chúng đặc biệt quan tâm.

Trương Văn Thuận cho biết, ông có hơn 100 tranh tượng và hơn 100 ký họa chân dung của mình. Ông kể rằng các tác phẩm đến sau quá trình ông chơi với các tác giả, họ thích thì vẽ, chứ nếu thuê vẽ đơn thuần thì bây giờ ông đã có rất nhiều, chứ không dừng lại con số khiêm tốn như vừa kể.

Trien lam 'doc nhat vo nhi' cua Truong Van Thuan

Một số ký họa về Trương Văn Thuận

“Bộ tranh chân dung nhà sưu tập Trương Văn Thuận và vợ (nghệ sĩ xiếc Ánh Tuyết) đã dần hình thành từ những cuộc trò chuyện, gặp gỡ. Số tranh, ký họa chân dung nhà sưu tập cùng vợ đã hơn 200 bức - con số rất nhỏ so với hàng ngàn tranh, tượng và ký họa ông đang lưu giữ, nhưng nói lên tình cảm của các họa sĩ, nhà điêu khắc đã dành cho cặp vợ chồng yêu hội họa Trương Thuận - Ánh Tuyết.

Theo năm tháng, ngôi nhà của họ càng lúc càng thấm đẫm tình bằng hữu và không khí nghệ thuật. Ông thật may mắn khi có được người bạn đời luôn ủng hộ, cổ vũ chồng thực hiện niềm đam mê như một tình yêu đặc biệt. Bởi chị cũng là người hoạt động trong một loại hình nghệ thuật và cũng mê cái đẹp, luôn thân thiện, hiếu khách” - TS Mã Thanh Cao (nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM) nói.

Triển lãm Một tình yêu hội họa còn giới thiệu một phần nhỏ bộ sưu tập tranh của Trương Văn Thuận, mà trong lĩnh vực này, ông đã có địa vị riêng. Bộ sưu tập khá xuyên suốt, từ các tác giả thời kỳ đầu, các bậc thầy cho đến các tên tuổi đương thời. Nhiều tác phẩm ông bắt gặp tình cờ, thấy đẹp, dù chưa xác định được tác giả, vẫn mua, rồi từ từ tìm hiểu. Theo ông Thuận, những tác phẩm tại triển lãm này đều đã “hoàn tất hồ sơ”. Những tác phẩm nào chưa rõ ràng, chưa chắc chắn thì không đưa ra công chúng, thậm chí phải hủy bỏ.

“Trong nghề chơi tranh, đã có không ít người vì quá tin tưởng vào sự mẫn cảm của mình mà rước về những tác phẩm tầm thường. Khi ấy không chỉ mất tiền mà nó còn là cách dẫn dắt không mong muốn, đưa họ đến những sai lầm về nhận thức thẩm mỹ. Những sai lầm ấy có khi phải trả giá bằng cả một đời sưu tập.

Rất may, ông Trương Văn Thuận đã tìm gặp và trao đổi với những họa sĩ hàng đầu của mỹ thuật Việt ngay từ những ngày còn bỡ ngỡ. May hơn nữa, những họa sĩ có dịp tiếp xúc với ông đều nhận ra sự chân thành và lòng đam mê của ông. Họ sẵn lòng giúp đỡ ông một cách vô tư. Từ những họa sĩ lão thành như Mai Long, Trần Lưu Hậu, Bùi Quang Ngọc, Văn Thơ… cho đến lớp đàn em kế cận: Nghiêm Xuân Hưng, Hứa Thanh Bình, Phạm Minh Hải, Nguyễn Tấn Cương … Tất cả đều đã trở thành những người bạn của ông trước khi là tác giả mà ông sưu tầm” - họa sĩ Đỗ Phấn chia sẻ. 

Nhà sưu tập Trương Văn Thuận sinh năm 1957 tại tỉnh Hà Nam. Ông có bằng thạc sĩ luật và là cử nhân kinh tế. Ông chính thức đến với việc sưu tập tranh từ một duyên tình cờ năm 1991. Từ đó, ông âm thầm và kiên trì với việc sưu tập để ngày nay nắm giữ hàng ngàn tác phẩm, phác thảo, ký họa, tư liệu… giá trị của các nghệ sĩ Việt Nam nhiều thời kỳ.

Triển lãm Một tình yêu hội họa kết thúc ngày 2/7/2017.

Như Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI