Tác giả nói gì?
Triển lãm Plus của nhà thiết kế hoa Hoài Bảo Nam kết hợp giữa nghệ thuật thiết kế, cắm hoa với nghệ thuật đương đại, nội thất, thời trang... nhận được sự chú ý của công chúng trong vài ngày qua vì có nhiều tác phẩm bắt mắt.
Bất ngờ, 2 tác phẩm trong triển lãm này bị tố “đạo” ý tưởng. Cụ thể, tác phẩm gồm những trụ đá, bên trên có nhiều hoa lá được cho là giống của Jamie North (Úc) giới thiệu vào năm 2014.
Tác phẩm có hình dáng đám mây được so sánh với sản phẩm của Matsuri Yamana được trưng bày trong một triển lãm ở châu Âu vào năm 2013. Tác phẩm gồm một đám mây được treo lơ lửng trên trần nhà và một cầu thang nhỏ để khách tham quan có thể nhìn ngắm bên trong.
Liên hệ với Hoài Bảo Nam, anh cho biết đã tiếp nhận được thông tin trên. Nói về những tranh cãi đang diễn ra, anh nêu quan điểm: “Nghệ thuật vốn là kế thừa và phát triển. Cùng hình thức mỗi người lại kể một câu chuyện”. Phải chăng đây là sự xác nhận cho việc tác phẩm của anh ra đời sau 2 tác phẩm được mang ra so sánh?
|
Tác phẩm của Jamie North (bên trái) và của Hoài Bảo Nam (phải) |
“Trong trường hợp này, không khó để nhận ra những điểm tương đồng về mặt thị giác, chất liệu và ý tưởng sắp đặt giữa các tác phẩm được so sánh. Loạt tác phẩm điêu khắc Terraforms (2014) của Jamie North sử dụng thực vật bản địa trồng lên trên cột khối hỗn hợp các chất liệu công nghiệp như xi măng, thép, sợi nhựa, bột đá cẩm thạch, đá vôi và tro than đặt ra câu hỏi về mối tương quan giữa nhân loại và thiên nhiên.
Ở đây, tuy Bảo Nam có chuyển sang sử dụng loại cây nhiệt đới như cây nắp ấm, nhưng nhìn chung về mặt hình khối, chất liệu và ý tưởng có sự tương đồng với Jamie North. Sự sắp đặt của Bảo Nam với tác phẩm Cloudbusting (2013) của Matsuri Yamana là khá rõ ràng, với việc đặt chiếc thang cho người xem tương tác với đám mây bên trên”, Ace Le, một giám tuyển nghệ thuật đang làm việc tại Singapore chia sẻ.
|
Hoài Bảo Nam cho biết tác phẩm đám mây của anh nói về những thiên thần bị bỏ rơi, nhằm phản ánh nạn phá thai. Thông điệp của tác phẩm nằm ở bên trong chứ không phải chỉ ở cấu trúc, sắp đặt bên ngoài.
Trong khi đó, với tác phẩm còn lại, anh muốn thể hiện được sự tương phản giữa bê tông cốt thép và vẻ đẹp của hoa lá, để từ đó có thể thấy được sức sống luôn hiện diện trong cuộc sống thường ngày.
Điều này lại tương đối “trùng khớp” với ý tưởng mà tác giả Jamie North từng diễn giải về tác phẩm của anh. Dĩ nhiên, điều này khiến dư luận không khỏi tiếp tục đặt dấu hỏi liệu đây có phải là sự ngẫu nhiên?
Trong 2 ngày qua, 2 tác phẩm bị tố “đạo” ý tưởng của tác giả Bảo Nam liên tục được thay đổi. Chẳng hạn, 3 trụ đá được xếp lại cạnh nhau, hoặc chồng lên nhau chứ không nằm riêng lẻ như ban đầu. Tác phẩm đám mây cũng được bỏ cầu thang, mở cửa phía dưới cho khách tham quan, thay vì phải bước lên cầu thang như trước đây. Sự thay đổi nhanh chóng này là chủ ý để mang nhiều màu sắc cho triển lãm hay vì lý do nào khác có lẽ chỉ tác giả nắm rõ.
|
Tác phẩm của Hoài Bảo Nam được sắp xếp lại trong 2 ngày qua |
Làm sao để phân định?
Trong cuộc trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM, tác giả Jamie North cho rằng việc học hỏi, tham khảo là điều hợp pháp trong giới nghệ thuật. Tuy nhiên, anh cho rằng Bảo Nam đã sao chép ý tưởng của mình mà không có thêm bất kỳ sự phát triển nào, chỉ là việc thể hiện khác đi một chút.
Mỗi bên đều có lý lẽ riêng. Nhưng phần thắng thuộc về ai?
Ông Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM cho rằng việc học hỏi, kế thừa về mặt luật là không sai nhưng theo ông: “Nghệ thuật đề cao sự sáng tạo. Vì thế, nghệ sĩ, người làm nghề nên tránh tối đa việc để tác phẩm của mình giống, hoặc gợi sự liên tưởng đến tác phẩm khác. Sự kế thừa không đồng nghĩa với được quyền sao chép.
Kế thừa là việc học hỏi những điều hay, trong phong cách, cách thể hiện chẳng hạn... chứ không thể ăn cắp hình thức. Nội dung tác phẩm có thể giống nhau, chẳng hạn họ đều có thể nói về tình mẹ, tình yêu, môi trường nhưng mỗi người sẽ thể hiện khác nhau”.
Ông không phủ nhận sự ảnh hưởng của nghệ thuật đương đại đến sự thể hiện của nhiều tác giả hiện đại, nhưng nếu tỉ lệ này khoảng 30% là có vấn đề.
|
Tác phẩm của Hoài Bảo Nam (dưới) đươc so sánh với tác phẩm của Matsuri Yamana từng được giới thiệu năm 2014 |
Nhưng hiện, cũng chưa có một quy định hay chuẩn mực cụ thể nào để đánh giá về một tác phẩm được cho là sao chép. Trong khi đó, nạn vi phạm bản quyền liên tục diễn ra trong nhiều năm qua, nhưng cuối cùng cũng “chìm xuồng”. Liệu đây có phải là kẻ hở để việc vi phạm bản quyền diễn ra?
Khi được đặt câu hỏi có nhờ sự can thiệp của pháp luật để phân định ranh giới sáng, tối cho câu chuyện này hay không, tác giả Jamie North không có câu trả lời cụ thể. Anh chỉ cho rằng với phản ứng của dư luận hiện tại đủ khiến anh yên tâm. “Họ nhìn thấy sự vi phạm bản quyền và bày tỏ sự thất vọng. Rõ ràng, mọi người vẫn đang tôn trọng quyền tác giả, sự sáng tạo”, anh nói.
Việt Nam hiện là thành viên của công ước Berne. Vì thế, không khó để đưa sự việc này ra phân xử bằng quy định của luật định quốc tế hiện hành nếu muốn tìm câu trả lời. Khi trách nhiệm phân xử được giao cho dư luận, xã hội thì chắc chắn câu chuyện này sẽ vẫn gây tranh cãi kéo dài.
Trung Sơn