Triển khai vắc-xin tiêm chủng mở rộng quá chậm, trẻ nguy cơ nhiễm bệnh cao

21/10/2024 - 13:09

PNO - Theo Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, tình trạng thiếu vắc xin tiêm chủng mở rộng diễn ra từ cuối năm 2022, nhưng tới tháng 9/2024 vẫn còn xảy ra.

Chủ tịch
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Đỗ Văn Chiến trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp - ảnh: QH

Người thu nhập thấp mong mỏi mua nhà ở xã hội

Sáng 21/10, tiếp tục chương trình phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Theo ông Đỗ Văn Chiến, cử tri và nhân dân bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn trước sự việc đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần. Cử tri và nhân dân cũng vô cùng đau xót trước sự tàn phá nặng nề của thiên tai, bão lũ trong thời gian vừa qua, đặc biệt là cơn bão số 3.

Trong lĩnh vực giáo dục, đánh giá cao nhiều chính sách tiếp tục đổi mới và phát triển lĩnh vực giáo dục và đào tạo, song cử tri và nhân dân còn băn khoăn: cơ sở giáo dục công lập ở các thành phố lớn chưa đáp ứng đủ nhu cầu học tập của học sinh.

“Tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên vẫn chưa có giải pháp khả thi để khắc phục; vẫn còn lo lắng về tình trạng bạo hành đối với học sinh, đặc biệt là trẻ nhỏ, trẻ em gái tại các cơ sở trông giữ trẻ mẫu giáo, mầm non…”, ông Đỗ Văn Chiến nói.

Về lĩnh vực đất đai, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, Luật Đất đai năm 2024 và các nghị định hướng dẫn thi hành luật đã chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024.

Song sau 2 tháng triển khai cho thấy công tác thi hành 3 đạo luật này vẫn còn một số vướng mắc, nhiều chính quyền địa phương chưa ban hành văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền.

Bên cạnh đó, cử tri là công nhân, người có thu nhập thấp mong mỏi được mua nhà ở xã hội, nhưng gần hết năm 2024, tiến độ các dự án đầu tư rất chậm, đối tượng được mua nhà ở xã hội còn một số bất cập cần được xem xét, giải quyết kịp thời.

Thiếu vắc xin tiêm chủng kéo dài

Trưởng ban dân nguyện Dương Thanh Bình phản ánh nhiều ý kiến cử tri liên quan tới
Trưởng ban dân nguyện Dương Thanh Bình phản ánh nhiều ý kiến cử tri liên quan tới việc thiếu vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng - ảnh: QH

Trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp, Trưởng ban dân nguyện Dương Thanh Bình nêu rõ, qua giám sát cho thấy việc giải quyết kiến nghị của cử tri còn có một số hạn chế.

Điển hình, trong lĩnh vực y tế, cử tri nhiều địa phương phản ánh về việc thiếu vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng tại các cơ sở y tế công lập, nhiều trẻ em không được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm đủ mũi nên có nguy cơ nhiễm bệnh cao.

Qua giám sát cho thấy, mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 98 về việc bố trí ngân sách Trung ương năm 2023 cho Bộ Y tế để mua vắc-xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng, nhưng đến ngày 5/2/2024, Nghị định số 13 sửa đổi Nghị định số 104 mới được ban hành. Đến tháng 6/2024, Bộ Y tế mới ban hành Kế hoạch tiêm chủng mở rộng năm 2024.

“Quá chậm để các địa phương có thể triển khai thực hiện”, ông Dương Thanh Bình nhấn mạnh.

Theo báo cáo, tại nhiều địa phương, tình trạng thiếu vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đã diễn ra từ cuối năm 2022, đến thời điểm tháng 9/2024 vẫn còn xảy ra tình trạng này.

Trưởng ban dân nguyện kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế và các địa phương có giải pháp quyết liệt bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Bên cạnh đó, cử tri tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật để làm căn cứ tính giá dịch vụ y tế. Đến nay, Bộ Y tế chưa ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền về phương pháp định giá và giá cụ thể dịch vụ khám, chữa bệnh, trong khi chỉ còn gần 3 tháng nữa là thời hạn phải áp dụng giá dịch vụ khám, chữa bệnh mới.

Do đó, ông Dương Thanh Bình kiến nghị Bộ Y tế khẩn trương ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, phương pháp tính giá dịch vụ khám, chữa bệnh để áp dụng từ ngày 1/1/2025.

Từ năm 2022 đến nay, cử tri nhiều địa phương liên tục kiến nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành hướng dẫn cụ thể về việc xác định “người lao động có thu nhập thấp”.

“Người lao động có thu nhập thấp” là một trong các đối tượng được thụ hưởng chính sách “Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn”. Tuy nhiên, do không có cơ sở để xác định thế nào là “người lao động có thu nhập thấp”, nên các địa phương không thể thực hiện được chính sách này.

Trưởng ban dân nguyện kiến nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẩn trương tham mưu xây dựng, trình Chính phủ ban hành hướng dẫn việc xác định “người lao động có thu nhập thấp” làm cơ sở cho các địa phương thực hiện, đồng thời rút kinh nghiệm trong việc tham mưu, xây dựng ban hành chính sách, bảo đảm chính sách đưa ra được thực hiện hiệu quả trên thực tế.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI