Triển khai quyết định 14/2012/QĐ-TTg: Tỉnh phớt lờ, người nghèo khốn đốn

16/07/2013 - 14:25

PNO - PN - Quyết định 14/2012/QĐ-TTg (QĐ 14) của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ khám chữa bệnh cho bệnh nhân nghèo đã có hiệu lực hơn một năm qua nhưng nhiều địa phương vẫn chưa triển khai, khiến người bệnh nghèo khốn đốn.

 Gánh nặng đồng chi trả

Cầm thông báo thanh toán viện phí trên tay, anh Phạm Minh Quang bần thần cả người vì gom hết tiền trong túi cũng không đủ đóng, chưa kể khoản tiền xe cộ để anh đưa mẹ anh (bà Trần Thu Ba, 68 tuổi) về tới Lâm Đồng. “Gần một tháng mẹ bệnh, tôi phải nghỉ làm từ Lâm Đồng về TP.HCM chăm mẹ. Để có tiền chi phí, trước khi đi tôi đã vay nóng năm triệu đồng nhưng đến nay số tiền đó chỉ còn mấy trăm ngàn, không đủ để thanh toán viện phí. May là mẹ tôi có BHYT do Nhà nước cấp cho hộ nghèo, không chỉ còn đường trốn viện”, anh Quang nói.

Tổng chi phí điều trị của bà Thu Ba tại BV Chợ Rẫy là 34.700.095đ. Trong đó, BHYT chi trả đến 95% là 32.965.000đ, gia đình đồng chi trả 1.735.000đ (5%), vẫn may mắn hơn so với nhiều bệnh nhân. Trường hợp chị Nguyễn Thị Trang (23 tuổi, ngụ tại Tam Bình, Vĩnh Long) với chi phí mổ tim hơn 70 triệu đồng, trong khi BHYT hộ nghèo hỗ trợ cho chị 95% nhưng tối đa không vượt quá 44 tháng lương (tức 42 triệu đồng). Vì vậy, tiền chênh lệch mà chị còn phải đóng lên đến gần 30 triệu đồng. Gia đình không có đất canh tác, chồng làm thuê, bản thân chị Trang mất sức lao động. Để có thể phẫu thuật tim, gia đình chị Trang đã vay nóng 20 triệu đồng. “Vay tiền mổ xong tôi cũng chưa biết khi nào có mà trả cho người ta. Chưa kể, mỗi tháng còn phải trả gần 800.000đ tiền lãi, sợ lãi mẹ đẻ lãi con càng thêm khổ”, chị Trang cay đắng nói.

Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ trong quý I năm 2013, BV Chợ Rẫy đã đón nhận trên 1.700 bệnh nhân nghèo từ các tỉnh chuyển về điều trị nội trú, người bệnh nào cũng phải đóng phần chênh lệch (5%). Các BV Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Chấn thương chỉnh hình, Răng-Hàm-Mặt… cũng trong tình trạng tương tự, nhiều người không có khả năng trả viện phí phải “vay nóng” hoặc tìm cách trốn viện.

Trien khai quyet dinh 14/2012/QD-TTg: Tinh phot lo, nguoi ngheo khon don

Các bệnh nhân nghèo từ các tỉnh gặp nhiều khó khăn khi chuyển về TP.HCM điều trị nội trú

33/34 tỉnh, thành chưa hợp tác

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những người nghèo mắc bệnh hiểm nghèo thuộc đối tượng của QĐ 14 sẽ được hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại, hỗ trợ thanh toán một phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh trích từ Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo. Thế nhưng, sau hơn một năm, đến nay chỉ có TP.HCM ký kết với BV Chợ Rẫy và các BV trên địa bàn TP.HCM. Nhờ cam kết này, khi thanh toán viện phí, không chỉ các đối tượng nghèo mà những người cận nghèo cũng sẽ được ngân sách hỗ trợ và được BV chi trả ngay khi thanh toán viện phí. Còn 33/34 tỉnh, thành thuộc khu vực phía Nam không thấy thông báo nên bệnh nhân nghèo của các tỉnh thành khác khi chuyển về TP.HCM điều trị phải tự lo khoản đồng chi trả. Theo BV Chợ Rẫy, trước đây, khi còn áp dụng QĐ 139 về khám, chữa bệnh cho người nghèo thì nhiều địa phương đã có ký kết với BV để hỗ trợ cho người bệnh nghèo, nhưng từ khi áp dụng QĐ 14 sửa đổi, bổ sung một số điều của QĐ 139, đến nay vẫn chua thấy các địa phương động tĩnh gì.

Không riêng BV Chợ Rẫy, các BV như Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Chấn thương chỉnh hình, Răng-Hàm-Mặt… cũng đang chờ thông tin từ các tỉnh. Do các tỉnh thành chưa ký kết hợp tác việc hỗ trợ cho người bệnh nghèo nên khi các đối tượng này gặp khó khăn về chi phí điều trị, các BV phải tự trích quỹ xã hội của mình hoặc nhờ các tổ chức từ thiện hay Mạnh Thường Quân hỗ trợ chi trả viện phí.

Một số tỉnh chỉ mới triển khai trong tỉnh, yêu cầu người bệnh cầm hồ sơ, hóa đơn về BV địa phương để được thanh toán, nhưng điều này gây thêm khó khăn cho người nghèo vì mất công đi lại, không có tiền đóng tạm ứng khi điều trị. Có tỉnh cho biết, đang xem xét ký kết với các BV tuyến trên, chuyên khoa để giúp người nghèo nhưng những bệnh nhân nghèo ở các tỉnh đều nói, họ không thấy địa phương thông báo hay hướng dẫn làm gì để được hỗ trợ từ ngân sách.

Chi phí cho việc điều trị bệnh luôn là nỗi lo, là gánh nặng đối với người nghèo. Đặc biệt, những người bệnh ở tỉnh phải chuyển lên tuyến trên là các BV chuyên khoa tại TP.HCM thì chi phí điều trị cao, chi phí sinh hoạt cũng rất tốn kém. Do đó, việc triển khai QĐ 14/2012 của Chính phủ là một việc làm hết sức ý nghĩa, chẳng hiểu sao QĐ ban hành đã hơn một năm, dù đã thành lập Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo nhưng nhiều địa phương vẫn chưa triển khai đến nơi đến chốn.

VINH NGUYỄN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI