Tận dụng cơ chế để cổ động, tạo sự an tâm cho cán bộ làm việc
Giáo sư - tiến sĩ Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội - nhận xét, Nghị quyết 98 nhận được sự đồng thuận rất cao từ đại biểu Quốc hội tại kỳ họp vừa qua, cho thấy sự kỳ vọng TPHCM sẽ phát triển đúng tầm.
|
Cán bộ phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân đang hướng dẫn người dân tra cứu thủ tục hành chính trên máy - Ảnh: Sơn Vinh |
Nghị quyết 98 có 44 cơ chế, chính sách, chia thành 4 nhóm vấn đề: một là giúp tăng thêm nguồn tài chính ngân sách cho thành phố; hai là biến tiềm năng thành nguồn lực; ba là phát huy tài nguyên môi trường, đất đai; và bốn là vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy.
Nhấn mạnh vai trò của nhóm 4, ông Hoàng Văn Cường khẳng định: “Triển khai Nghị quyết 98 thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào con người”. Về vấn đề này, nghị quyết đã trao cho TPHCM nhiều cơ chế đột phá như được quyền xác định số lượng cán bộ làm việc, chủ động tăng, giảm nhân sự và thành lập/giải thể đơn vị sự nghiệp công lập dựa trên yêu cầu thực tiễn… Tuy nhiên, phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - cho rằng, trong bối cảnh có tình trạng ngưng trệ, e dè trong một bộ phận cán bộ, thành phố cần tận dụng các cơ chế nói trên để cổ động và tạo sự an tâm, linh hoạt cho cán bộ, bao gồm nâng cao trách nhiệm cá nhân trong thực thi công việc.
Ông Hoàng Văn Cường phân tích thêm, giao việc, trao trách nhiệm bao gồm cả đánh giá đầu ra. Với một chế độ tiền lương thỏa đáng đủ tạo động lực giúp thúc đẩy công việc. Ông tin tưởng TPHCM có đủ khả năng để tạo ra quỹ tiền lương đáp ứng được với những cải cách về tiền lương phù hợp với sự vận hành bộ máy. Ông nói: “Đây là điều kiện hàng đầu để thực thi Nghị quyết 98. Làm được thì TPHCM sẽ có diện mạo mới hẳn về con người và tôi tin rằng nếu tạo điều kiện, trách nhiệm rõ ràng, cán bộ sẽ làm việc hiệu quả”.
Tiến sĩ Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - cũng đồng tình khi cho rằng thành phố cần có sự chuẩn bị về tư tưởng, làm rõ trách nhiệm trong cán bộ để triển khai nghị quyết. Ông góp ý thêm, để nâng cao chất lượng thực thi công vụ, cần đồng bộ giữa thể chế, tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực cán bộ, có chế độ đãi ngộ tốt để cán bộ an tâm làm việc.
|
Tiến sĩ Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - tại hội thảo “Hiện thực hóa nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM”, do Báo Người Lao Động tổ chức ngày 27/6 - Ảnh: BTC |
Bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM - chỉ ra thực trạng cán bộ tại thành phố phải giải quyết khối lượng công việc lớn, bộ máy hành chính làm việc với năng suất đã được 1 đại biểu Quốc hội so sánh là cao gấp 3 lần so với mặt bằng chung cả nước. Nghị quyết 98 góp phần tháo gỡ điều này đồng thời hướng tới nâng cao chất lượng công vụ, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - nhìn nhận, Nghị quyết 98 đang tháo gỡ những vướng mắc lâu nay của TPHCM, trong đó có yếu tố con người, tâm thế làm việc của cán bộ. Ông nhấn mạnh, trong bối cảnh nguồn lực của thành phố không nhiều thì vai trò, nguồn lực về con người đặc biệt quan trọng. Do đó, cải thiện đời sống của cán bộ, công chức cần được quan tâm, tính toán. “Và một điều quan trọng là không chỉ triển khai nghị quyết thành công mà quá trình đó phải xem cuộc sống của người dân thay đổi thế nào, kinh tế phát triển ra sao” - ông Nguyễn Đình Cung gửi gắm.
Cần xử lý nhanh các vướng mắc phát sinh
Theo các đại biểu, điểm yếu lâu nay trong giải quyết vướng mắc là công tác phối hợp giữa địa phương và các cơ quan trung ương không nhịp nhàng, đồng bộ. Tại TPHCM - một địa phương có rất nhiều dự án thuộc thẩm quyền của trung ương bị ách tắc trong thời gian dài do chậm trễ trong phối hợp xử lý những khó khăn phát sinh.
Bà Phạm Phương Thảo - nguyên Phó bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM - đơn cử, do một số bất cập trong công tác phối hợp mà một số dự án như tuyến metro số 1 bị chậm trễ hàng chục năm, khiến chi phí đầu tư “đội giá” gấp 2 lần, từ 50 triệu USD/km lên thành 100 triệu USD/km. Hay như vừa qua TPHCM tổ chức đấu thầu xây dựng 1 trường học, trong quá trình triển khai, có đầu việc phải “ôm” ra trung ương giải quyết.
“Theo tôi, có những cái nếu để TPHCM tự làm với sự chủ động thì sẽ nhanh hơn. Chúng ta nên khắc phục dần cơ chế xin - cho rất nặng nề” - bà Phạm Phương Thảo nói, đồng thời cho rằng, quan trọng trong sự phân cấp phân quyền chính là phối hợp xử lý nhanh các vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, theo đề xuất, kiến nghị của địa phương.
Bà Phạm Phương Thảo cũng nhìn nhận, TPHCM triển khai Nghị quyết 98 trong bối cảnh nhiều thách thức, chịu tác động từ biến động kinh tế - chính trị thế giới, trong nước thì còn nhiều chính sách, luật lệ chồng chéo. Do đó, quan trọng là tính hiệu quả trong phân cấp phân quyền, tạo sự chủ động lớn cho cấp cơ sở.
Chung quan điểm đó, tiến sĩ Trần Du Lịch chia sẻ, ngay từ khi xây dựng dự thảo nghị quyết, ông luôn trăn trở về mục tiêu làm sao để từ thực tiễn TPHCM, Quốc hội sẽ lấy làm nền tảng để xây dựng Luật Đô thị đặc biệt. Trong đó, không còn cảnh hễ gặp chuyện là sở phải hỏi bộ và chờ đợi trả lời. Sự rõ ràng này đồng nghĩa: ai cũng biết việc của mình để làm, không hỏi qua hỏi lại.
Trong khi đó, phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đình Thiên khẳng định, trách nhiệm triển khai nghị quyết không chỉ của TPHCM mà còn là của các cơ quan trung ương. Theo ông, lâu nay, với mỗi vướng mắc, thành phố phải “vói” lên và lúc này, cần thay đổi cách giải quyết vấn đề trên cơ sở “bình đẳng”, bằng sự chủ động, mở đường từ trung ương. Ông ví von việc triển khai Nghị quyết 98 như một sự thí điểm về thay đổi cơ chế xin - cho, chờ đợi cấp trên trong quan hệ giữa địa phương và các cơ quan trung ương. Muốn vậy, thành phố phải được phân cấp, phân quyền để chủ động hơn trong các vấn đề của mình.
Sau cùng, các đại biểu bày tỏ tin tưởng, đáp ứng sự kỳ vọng của người dân cả nước, sự tạo điều kiện của Quốc hội, Chính phủ… bộ máy nhân sự, hệ thống chính trị tại TPHCM sẽ triển khai Nghị quyết 98 với tâm thế, tinh thần tốt nhất. Đó không chỉ vì lợi ích mang lại cho người dân, vai trò phát triển của thành phố mà còn vì thể hiện đúng tinh thần sáng tạo, năng động vốn có của thành phố, lẫn củng cố niềm tin nơi người dân sau bao nỗ lực để có được “chiếc áo” đặc biệt này. Song song đó, việc triển khai thành công nghị quyết, còn thể hiện sự thành công trong tinh thần cải cách hành chính, cơ chế của cả nước trước đòi hỏi thực tiễn.
“Đầu tháng Bảy, TPHCM triển khai Nghị quyết 98 đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức” Đó là khẳng định của ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM. Theo đó, ngoài tâm thế, TPHCM cũng đã chuẩn bị các nội dung, điều kiện để triển khai Nghị quyết 98. Đầu tháng Bảy, thành phố sẽ tổ chức hội nghị triển khai trong toàn cán bộ, công chức, viên chức, đồng thời phối hợp các đơn vị liên quan, các viện, chuyên gia để cụ thể hóa các chính sách, sắp xếp theo ưu tiên thực hiện. Ông Phan Văn Mãi đồng thời mong muốn các cơ quan trung ương phối hợp, hỗ trợ để nghị quyết triển khai đạt kết quả cao nhất. Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố - cho hay, trong quá trình hoàn thiện dự thảo nghị quyết, từng cơ quan liên quan đã có kế hoạch triển khai từng chính sách qua từng quý. Liên quan đến việc triển khai nghị quyết, UBND thành phố đã chuẩn bị 8 nội dung để trình HĐND thành phố tại kỳ họp vào ngày 10/7 tới đây. Hiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng các nghị định để triển khai nghị quyết. Ông Lê Trương Hải Hiếu - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TPHCM - cũng cho biết, mới đây, Thường trực HĐND đã phân công các ban thảo luận việc triển khai nghị quyết và ngay trong chiều 26/6 đã hoàn thiện kế hoạch. Ông nhấn mạnh: “Với vai trò, trách nhiệm của HĐND, chúng tôi sẽ phối hợp UBND, các sở, ngành để sớm đưa nghị quyết đi vào thực tiễn, phát huy hiệu quả tối đa, đáp ứng nhu cầu và mong mỏi của người dân thành phố”. |
Tuyết Dân