Triển khai kết nối thị trường lao động 7 tỉnh, thành khu vực nam sông Hậu

12/10/2021 - 13:10

PNO - Các địa phương nam sông Hậu sẽ thảo luận, góp ý về dự kiến nối lại giao thông khách, liên kết và phối hợp thương mại - dịch vụ, y tế, nông nghiệp...

Ngày 12/10, UBND TP. Cần Thơ đã có văn bản gửi chính quyền 6 tỉnh khu vực nam sông Hậu gồm An Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu và Cà Mau về việc tổ chức hội nghị trực tuyến liên kết, phối hợp trong công tác phòng chống dịch COVID-19, phát triển kinh tế xã hội nhằm thực hiện mục tiêu kép.

Dự thảo chương trình liên kết phối hợp các tỉnh thành khu vực nam sông Hậu cũng được gửi kèm theo, trong đó dự kiến nối lại thị trường lao động - việc làm, giao thông - vận tải, thương mại - dịch vụ, y tế, nông nghiệp, thông tin - truyền thông... Dự kiến, vào sáng 19/10, các địa phương sẽ họp trực tuyến (zoom) để cho ý kiến về dự thảo này.

Các địa phương khu vực nam sông Hậu sẽ thảo luận về chuỗi cung ứng hàng hóa, nông sản...
Các địa phương khu vực nam sông Hậu sẽ thảo luận về chuỗi cung ứng hàng hóa, nông sản...

Trong dự thảo lĩnh vực lao động - việc làm, các địa phương thường xuyên trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về tình hình thực hiện quản lý nhà nước, tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến trong khu vực, hỗ trợ nguồn cung ứng lao động cho các doanh nghiệp có nhu cầu... Thống nhất trong việc sử dụng các ứng dụng, cổng thông tin điện tử hoặc các nhóm trên nền tảng mạng xã hội (thường xuyên cập nhật) để chia sẻ thông tin thị trường lao động.

Về lĩnh vực thương mại - dịch vụ, các địa phương rà soát các sản phẩm đầu vào phục vụ nhu cầu sản xuất, sản lượng hàng hóa, mặt hàng cần tiêu thụ và có nhu cầu tiêu thụ để tổ chức kết nối, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, thương nhân phân phối, tiếp cận nguồn hàng hóa, nông sản... qua các kênh phân phối truyền thống và hiện đại, đưa ra các giải pháp thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường.

Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tổ chức các buổi giao thương trực tuyến, tiến tới thiết lập một thực thể kinh tế mới để tạo ra một thị trường hàng hóa đa dạng với các sản phẩm chủ lực của địa phương...

Các địa phương cũng sẽ thảo luận, góp ý về dự kiến mở lại hoạt động vận tải khách theo tuyến cố định liên tỉnh, vận tải khách cố định bằng xe buýt liên tỉnh trên cơ sở thống nhất giữa các nơi. Việc thực hiện sẽ giảm số chuyến, phương tiện kinh doanh, hành khách của từng phương thức vận tải và chia theo từng giai đoạn cụ thể.

Đối với loại hình vận tải xe hợp đồng, xe du lịch và taxi không được chở quá 50% số người được phép chở cho đến khi thực hiện trạng thái bình thường mới giữa các địa phương.

Vận tải hàng hóa, vận chuyển công nhân, chuyên gia, thì được phép hoạt động với tần suất 100% (kể cả nội tỉnh và liên tỉnh) nhằm phục vụ quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như tạo thuận lợi cho thu gom, lưu thông, đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa.

Về hàng không, thực hiện trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam về quyết định khôi phục các đường bay, tần suất khai thác các đường bay nội địa, quốc tế. Đồng thời, tiếp tục đề xuất nâng cao hiệu quả khai thác Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ và Phú Quốc theo hướng mở các tuyến mới nhằm phục vụ phát triển của toàn vùng.

Dự thảo cũng yêu cầu rà soát, lập danh sách phương tiện và lịch trình vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nguyên, nhiên vật liệu phục vụ sản xuất gửi sở giao thông vận tải để điều phối đảm bảo thông suốt.

Mặt khác, thống nhất tổ chức kiểm soát tại các chốt kiểm dịch đường bộ, đường thủy giữa các địa phương để kiểm soát toàn bộ các phương tiện ra vào giữa các địa phương đảm bảo tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Đông Phong

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI