Triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi

23/08/2024 - 06:14

PNO - Chiều 22/8, tại hội nghị trực tuyến hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng thế giới, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương thông tin, sáng cùng ngày, Bộ Y tế đã ban hành quyết định triển khai kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng chống dịch sởi năm 2024.

Theo đó, chiến dịch sẽ tập trung triển khai tại các vùng có nguy cơ cao sau khi có kết quả đánh giá, rà soát nguy cơ bùng phát bệnh. Hiện đã có 18 tỉnh, thành phố đăng ký triển khai. Đối tượng tiêm chủng là trẻ từ 1-10 tuổi nằm trong vùng có nguy cơ, chưa tiêm đủ mũi vắc xin. Ngoài ra, chiến dịch cũng sẽ tiêm bổ sung cho nhân viên y tế có nguy cơ mắc sởi.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) hỗ trợ hơn 1 triệu liều vắc xin sởi - rubella. Hiện việc triển khai tiêm vắc xin đang ở giai đoạn 1. Bộ Y tế tiếp tục có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố có đánh giá, bổ sung kế hoạch tiêm chủng để đưa vào giai đoạn 2, nhằm tránh bỏ sót các trường hợp cần tiêm, đảm bảo bao phủ vắc xin để phòng chống dịch sởi.

Bệnh nhi mắc sởi điều trị tại BV Nhi Đồng 1
Bệnh nhi mắc sởi điều trị tại BV Nhi Đồng 1

Phát động triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, nguy cơ bùng phát dịch bệnh càng cao hơn khi cả nước đang bước vào năm học mới, học sinh quay lại trường. Do đó, để phòng chống sởi lây lan, các địa phương quan tâm chỉ đạo, ban hành kế hoạch tiêm chủng bổ sung vắc xin sởi - rubella; tổ chức buổi tiêm chủng và theo dõi, xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm.

Bà Silvia Danailov - Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam - đánh giá, gián đoạn tiêm chủng do ảnh hưởng của COVID-19 đã tác động tới mục tiêu loại trừ bệnh sởi tại Việt Nam. “Dịch sởi đang có xu hướng bùng phát trở lại trong những tháng gần đây, lan rộng trên nhiều tỉnh thành, ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em khắp các vùng trên toàn quốc” - bà nhấn mạnh.

Kiến nghị tại hội nghị, đại diện của WHO tại Việt Nam cho rằng, để bảo vệ thành quả của chương trình tiêm chủng mở rộng, trước hết cần tập trung ứng phó với nguy cơ do bệnh sởi gây ra. Riêng tại các địa phương có số ca nhiễm sởi tăng nhanh, WHO đặc biệt khuyến nghị công bố dịch để giúp kích hoạt và khai thác các nguồn lực hỗ trợ ứng phó trong nước và quốc tế.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI