Trí tuệ nhân tạo tiến sâu vào văn hóa, nghệ thuật

09/11/2024 - 08:34

PNO - Sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) đang diễn ra trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Với văn hóa, nghệ thuật, ngày càng nhiều dự án đã ứng dụng AI và bước đầu mang lại hiệu quả.

Tiết kiệm chi phí, nhân lực

Tại họp báo công bố show Elleman show 2024 cách đây không lâu, nhà thiết kế Tom Trandt (Trần Minh Đạo) cho biết đã ứng dụng công nghệ AI vào quá trình làm việc, sáng tạo ra bộ sưu tập mới và đã tiết kiệm rất nhiều sức lao động.
Theo anh, ở lần trước đó, để thực hiện 20 mẫu thiết kế tham gia Elle Show, cần 20 nhân sự làm việc mỗi ngày đến tận 23g đêm. Lần này, nhờ AI, anh thực hiện 30 mẫu thiết kế chỉ với 2 người, mỗi ngày làm việc chỉ đến 17g. Nửa tháng còn lại trước show, anh làm việc một mình. Tom Trandt nói AI đã được “nuôi” trong 1 năm qua nên hiểu về sở thích của anh cũng như về màu sắc, chất liệu… Anh mô tả AI như bộ não phân thân, vẽ nhanh gấp 100 lần con người.

Đạo diễn Đỗ Nam ứng dụng AI vào việc tạo ra biểu cảm cho các động vật xuất hiện trong series Khu rừng kỳ diệu  - Ảnh do nhân vật cung cấp
Đạo diễn Đỗ Nam ứng dụng AI vào việc tạo ra biểu cảm cho các động vật xuất hiện trong series Khu rừng kỳ diệu - Ảnh do nhân vật cung cấp

Lĩnh vực phim ảnh và âm nhạc ứng dụng AI nhiều nhất thời gian qua. Hồi tháng Tám, phim Chạm của đạo diễn Phạm Vĩnh Khương gây chú ý bởi được thực hiện hoàn toàn bằng AI, từ khâu lên ý tưởng cho đến những thước phim cuối cùng. Toàn bộ quá trình sản xuất diễn ra trên điện thoại di động, được xem là bước tiến mới cho lĩnh vực làm phim.
Trong khi đó, AI giúp đạo diễn Đỗ Nam có thể thực hiện được những cảm xúc theo ý muốn như khóc, cười, nói (nhép miệng), nháy mắt... của các động vật xuất hiện trong series Khu rừng kỳ diệu, mang đến sự sinh động cho tác phẩm. Nhà sản xuất Trạng Quỳnh thời nhí nhố cũng dùng ChatGPT thu thập dữ liệu và nhu cầu khách hàng để sáng tạo ra các ý tưởng, tình tiết, thiết kế…, tiết kiệm thời gian, công sức.

Tháng 4/2024, đạo diễn Phạm Vĩnh Khương cũng kết hợp với Erik (Lê Trung Thành), Phương Mỹ Chi, Rtee (Lã Thành Long) ra mắt MV Bức tranh Đại Việt (Nam quốc sơn hà). Với ý tưởng này, nếu thực hiện bằng kỹ thuật quay diễn thật, sẽ tiêu tốn ít nhất 3 tỉ đồng. Nhưng với AI, đạo diễn sản xuất hoàn toàn bằng điện thoại, chỉ tốn hơn 3 triệu đồng. MV của Đan Trường cũng chỉ cần tập hợp nhiều hình ảnh của anh, sau đó nhờ AI hỗ trợ xây dựng bối cảnh. Gần đây nhất, đạo diễn Trần Minh Ngân cũng ứng dụng AI làm kỹ xảo trong MV của Ruby Bảo An.

Ở Hà Nội, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã phát triển cụ rùa AI, gồm 1 bảng điện tử và các thiết bị giúp người dùng tương tác, đặt câu hỏi và nhận lại câu trả lời từ “cụ”. Điều này giúp việc tham quan trở nên sinh động hơn khi du khách có thể chủ động tìm hiểu thông tin.

Ứng dụng ai sẽ ngày càng nhiều

Bên cạnh những mặt tích cực, việc ứng dụng AI cũng gây nhiều băn khoăn cho người làm nghề. Đạo diễn Phạm Vĩnh Khương nói, trong khoảng 3 tháng qua, các công cụ AI đã khắc phục được hạn chế về tạo hình gương mặt nhân vật, trong sản xuất phim, MV. Thậm chí, từ góc chính diện, AI có thể tạo ra các góc nghiêng khá hoàn hảo. Tuy nhiên, việc tạo ra chuyển động cơ thể vẫn còn bị lỗi, đòi hỏi phải được biên tập kỹ lưỡng sau đó. AI thu thập dữ liệu trên internet toàn cầu, trong khi có những chi tiết không được thể hiện rõ qua hình ảnh nên việc tổng hợp dữ liệu hạn chế.

Hình ảnh trong MV Bức tranh Đại Việt của Phạm Vĩnh Khương được AI tạo ra  - Ảnh do nhân vật cung cấp
Hình ảnh trong MV Bức tranh Đại Việt của Phạm Vĩnh Khương được AI tạo ra - Ảnh do nhân vật cung cấp

Chi phí đầu tư cho AI, với các gói chuyên nghiệp, dao động từ 1 triệu đồng đến vài triệu đồng/tháng, với một lượng dữ liệu nhất định. Người sử dụng cũng cần biết tính toán, cân nhắc phù hợp. Nếu không, người dùng sẽ mất nhiều tiền nhưng kết quả thu về lại không tương xứng. Nhiều người hiện chưa dám mạnh dạn đầu tư vào các gói chuyên nghiệp, bởi chưa có nhiều cơ hội kiếm tiền trong khi những gói cơ bản thì không đủ để tạo ra sản phẩm hấp dẫn. Một đạo diễn khác cho biết, phải ký kết hợp tác với một đơn vị nước ngoài để việc ứng dụng AI thuận lợi hơn, mang lại hiệu quả tốt hơn. Ngoài ra, theo đạo diễn Phạm Vĩnh Khương, bản quyền cũng là vấn đề gây trăn trở, vì hiện không có quy định nào bảo vệ bản quyền cho các sáng tạo do AI tạo ra. Chưa kể, nếu sử dụng các gói có chi phí thấp thì mọi thành quả đều bị biến thành nguồn tài nguyên chung.

Tuy nhiên, theo anh, dù còn nhiều vấn đề, AI sẽ được ứng dụng ngày càng nhiều trong lĩnh vực giải trí vì còn nhiều tiềm năng chưa được khai phá, đặc biệt ở lĩnh vực phim ảnh; video quảng bá, quảng cáo. Với sự bùng nổ ứng dụng AI như hiện nay, người làm nghề cần chủ động học, nắm bắt và sử dụng công nghệ mới.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI