Trí tuệ nhân tạo phát triển, lừa đảo hẹn hò qua mạng gia tăng

02/04/2024 - 06:00

PNO - Các ứng dụng hẹn hò đã tạo ra hàng triệu kết nối. Tuy nhiên, kể từ khi những ứng dụng tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) như ChatGPT ra mắt vào cuối năm 2022, số vụ lừa đảo trên ứng dụng hẹn hò đã tăng vọt.

Người dùng ứng dụng hẹn hò đang rất cần sự bảo vệ từ các công ty sở hữu ứng dụng, giữa lúc tình trạng lừa đảo đang tăng - Nguồn ảnh: Shutterstock
Người dùng ứng dụng hẹn hò đang rất cần sự bảo vệ từ các công ty sở hữu ứng dụng, giữa lúc tình trạng lừa đảo đang tăng - Nguồn ảnh: Shutterstock

Lợi dụng AI để lừa đảo

Aleksandr Zhadan từ Mát-xcơ-va (Nga) đã sử dụng ChatGPT để nói chuyện với hơn 5.000 phụ nữ trên ứng dụng hẹn hò Tinder. Anh đã tìm thấy người vợ hiện tại của mình là Karina. Kết quả đó tốt đẹp nhưng đồng thời cũng cho thấy việc bằng cách lợi dụng AI, tội phạm có thể tiến hành lừa đảo hàng ngàn nạn nhân cùng lúc. Aleksandr Zhadan kết đôi với Karina lần đầu vào tháng 12/2022 và cô gái không hề biết rằng mình thực sự đã trò chuyện với AI trong suốt vài tháng.

Dần dần sau đó, Zhadan tiếp quản cuộc trò chuyện và họ bắt đầu gặp nhau trực tiếp. Trường hợp này cho thấy giờ đây, khi trò chuyện với một ai đó trên ứng dụng hẹn hò, chúng ta không thể biết liệu câu trả lời của họ có phải do AI viết hay không, cũng như không thể biết họ đang nói chuyện cùng lúc với bao nhiêu người khác. Chúng ta cũng không thể biết liệu ảnh của ai đó có được tạo ra với sự trợ giúp của chương trình tạo hình ảnh AI hay không?

Theo công ty an ninh mạng Arkose Labs (Mỹ), từ tháng 1/2023 - 1/2024, các cuộc tấn công mạng nhắm vào những trang web hẹn hò đã tăng đến 2.000%. Điều này chỉ là sự khởi đầu. Một cuộc khảo sát của công ty an ninh mạng McAfee (Mỹ) phát hiện ra rằng, tại Ấn Độ, 77% người sử dụng ứng dụng, trang web hẹn hò đã gặp phải hồ sơ và ảnh giả do các công cụ AI tạo ra nhằm mục đích xấu. 39% người tham gia khảo sát cho biết người yêu tiềm năng trên mạng của họ hóa ra lại là tội phạm lừa đảo.

Ngay cả trước khi AI xuất hiện, tình trạng lừa đảo trên các ứng dụng hẹn hò đã là vấn đề nghiêm trọng. Hẹn hò trực tuyến rất phổ biến. Bằng chứng là có đến 58% người Mỹ đang hoặc từng sử dụng các trang web, ứng dụng, mạng xã hội chuyên biệt để tìm kiếm tình yêu. 1/10 người Mỹ đang có mối quan hệ tình cảm với người họ gặp trên mạng. Vào năm 2023, có 64.000 người ở Mỹ thừa nhận họ là nạn nhân của các vụ lừa đảo tình cảm, hầu hết xảy ra thông qua các ứng dụng hẹn hò.

Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ ước tính những “cú lừa” này gây ra thiệt hại khoảng 1,14 tỉ USD. Đáng chú ý, xu hướng này diễn ra trong nhiều năm và những công ty sở hữu các ứng dụng, trang web hẹn hò không làm được gì nhiều để ngăn chặn. Burkhard Mühl - người đứng đầu đơn vị tội phạm tài chính và kinh tế tại Cơ quan cảnh sát Liên minh châu Âu (Europol) - cảnh báo: “Cho dù câu chuyện của đối tượng có hấp dẫn đến đâu, đừng bao giờ gửi tiền cho người mà bạn chưa từng gặp mặt. Các nạn nhân không chỉ bị thiệt hại tài chính mà còn nhận lại tổn thương về tâm lý”.

Các công ty phải hành động

Lừa đảo không phải là vấn đề duy nhất mà người dùng ứng dụng hẹn hò phải đối mặt. Theo báo cáo khảo sát gần đây của công ty an ninh mạng Kaspersky (Nga) với 21.000 người tham gia trên thế giới, 25% số người được khảo sát - chủ yếu là phụ nữ - đã bị theo dõi bởi người mà họ quen trực tuyến. Đã có những trường hợp nạn nhân bị hành hung thậm chí là sát hại.

Dù có nhiều cảnh báo về mặt trái của việc hẹn hò trực tuyến nhưng phải thừa nhận rằng các ứng dụng này mang lại lợi ích cho người dùng và xã hội. Đó là cách hiệu quả để tìm kiếm tình yêu, đưa mọi người rời khỏi bong bóng an toàn cá nhân và khuyến khích kết nối giữa các tầng lớp, chủng tộc khác nhau. Chính vì vai trò quan trọng của chúng trong cuộc sống, các công ty ứng dụng hẹn hò cuối cùng cũng bắt đầu làm điều gì đó để bảo vệ người dùng. Giáo sư Neil McArthur - Giám đốc Trung tâm Đạo đức nghề nghiệp và Ứng dụng thuộc Đại học Manitoba (Canada) - cho biết: “Dù những kẻ lừa đảo và tội phạm đã gây khó khăn cho các ứng dụng hẹn hò trong thời gian dài, phản hồi của công ty quản lý rất chậm và khá kém. Tối thiểu, họ cần những công cụ tốt hơn để phát hiện tài khoản giả mạo và loại bỏ chúng một cách nhanh chóng.

Họ cũng có thể yêu cầu kiểm tra lý lịch của người dùng, sử dụng AI để gắn nhãn yếu tố gian lận trong cuộc trò chuyện”. Đồng thời, các công ty ứng dụng hẹn hò có thể triển khai các tính năng an toàn để bảo vệ người dùng khi họ gặp mặt trực tiếp, chẳng hạn như bổ sung chức năng chia sẻ cho bạn bè hoặc người thân về hồ sơ của những đối tượng mà người dùng đang tìm hiểu. Ông McArthur nói thêm: “Cơ quan quản lý nhà nước cũng nên quy trách nhiệm cho các công ty về việc để xảy ra những hành vi gian lận và lạm dụng trên ứng dụng hẹn hò của mình, từ đó tạo sức ép buộc họ phải hành động để bảo vệ người dùng”.

Linh La (theo The Conversation, Economic Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI