Trí tuệ nhân tạo giúp thay đổi cách điều trị ung thư tuyến tiền liệt

24/01/2025 - 22:51

PNO - Các bác sĩ và nhà khoa học dữ liệu ở Vương quốc Anh đang hợp tác, nhằm khai thác lợi ích của trí tuệ nhân tạo và y học cá nhân hóa.

Giáo sư Joe O'Sullivan, thành viên của nhóm nghiên cứu, với công trình ứng dụng khoa học dữ liệu vào quét CT — Ảnh: Getty Images
Giáo sư Joe O'Sullivan, thành viên của nhóm nghiên cứu, với công trình ứng dụng khoa học dữ liệu vào chụp CT — Ảnh: Getty Images

Nhóm các nhà khoa học dữ liệu từ Đại học Queen của Belfast, thuộc Vương quốc Anh, cho biết rằng họ đang hợp tác với các bác sĩ lâm sàng, nhà vật lý, nhà sinh học bức xạ, nhà chụp X quang và nhà sinh lý học, nhằm khai thác khả năng của trí tuệ nhân tạo (AI), để thay đổi phương pháp chẩn đoán, điều trị ung thư tuyến tiền liệt.

Giáo sư Suneil Jain, thành viên của cơ sở nghiên cứu ung thư tuyến tiền liệt, thuộc Trung tâm Patrick G Johnston của Đại học Queen, chia sẻ rằng nhóm đang tập trung vào lĩnh vực y học cá nhân hóa. Dựa trên khoa học máy tính để xử lý lượng dữ liệu khổng lồ, y học cá nhân hóa hướng đến mục tiêu xác định dấu ấn sinh học, trong máu, chất dịch cơ thể hoặc mô của người bệnh, giúp dự đoán bệnh sẽ tiến triển như thế nào hoặc khả năng thành công của phương pháp điều trị.

Ông Jain chia sẻ, ung thư tuyến tiền liệt là loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới tại Vương quốc Anh, cứ 8 người thì có một người bị. “Liệu pháp điều trị bằng hormone có tác dụng phụ, khiến người bệnh mệt mỏi, tăng cân, rối loạn cương dương, bốc hỏa, gặp vấn đề về tư duy và trí nhớ. Mục đích của việc ứng dụng công nghệ AI là để tránh những chuyện này” - vị chuyên gia giải thích.

Giáo sư Joe O'Sullivan, đồng nghiệp của Jain, cho biết: “Chụp CT hoặc MRI là để chúng ta biết liệu có khối u hay vết sưng, tái phát hay di căn không. Nếu chúng ta đào sâu vào các lần quét này thì sẽ tìm thấy lượng dữ liệu đáng kinh ngạc, phong phú hơn nhiều”. Từ ý tưởng này, ông Sullivan thực hiện nghiên cứu về “radiomics”, ứng dụng khoa học dữ liệu quy mô lớn trong chụp chiếu ở những bệnh nhân đang xạ trị.

Ông Sullivan chia sẻ: “Chúng tôi đang kết hợp thế mạnh về khoa học dữ liệu và khoa học bức xạ, để ứng dụng cách điều trị mới trên bệnh nhân. Chúng tôi xem việc nghiên cứu và đổi mới là cốt lõi. Một trong các thử nghiệm là phương pháp xạ trị SABR, chỉ trong 5 lần, thay vì thông thường là 20 lần”.

Trường An (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI