Trí tuệ nhân tạo đe dọa việc làm của phụ nữ Đông Nam Á

06/11/2019 - 12:00

PNO - Những tiến bộ công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI) khiến phụ nữ ở tình thế tồi tệ hơn so với các đồng nghiệp nam, có thể mất công việc hiện tại hoặc thậm chí tìm được ít công việc cần kỹ năng cao hơn.

Những tiến bộ công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI) đang cách mạng hóa sản xuất cho các ngành công nghiệp trên toàn thế giới. Liên đoàn Robot quốc tế ước tính, đến năm 2020, số lượng robot công nghiệp hoạt động trên toàn thế giới sẽ tăng lên 3.053.000 chiếc, với khả năng hỗ trợ sản xuất ô tô, điện tử và máy móc mới.

Tuy nhiên, quy mô và tốc độ tác động của AI có thể mở rộng những cách biệt hiện có trong sự tham gia của lực lượng lao động. Các robot may mặc hoặc máy may tự động đang thiết kế lại chuỗi cung ứng dệt may, nơi chúng có khả năng thực hiện công việc của 10 người.

Tri tue nhan tao de doa viec lam cua phu nu Dong Nam A
Công nhân tại một công ty may mặc ở TP.Hà Nội - Ảnh: AFP

Theo hãng tư vấn quản lý McKinsey (Mỹ), vào năm 2030, khoảng 40 đến 160 triệu phụ nữ trên toàn cầu có thể cần phải chuyển đổi nghề nghiệp sang các vị trí cần kỹ năng cao hơn, do phụ nữ tập trung trong các công việc và ngành công nghiệp dễ chịu tác động của tự động hóa hơn.

Năm 2016, Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo rằng, 2/3 việc làm ở các quốc gia đang phát triển có thể chịu rủi ro từ các công nghệ mới. Các nước ASEAN đặc biệt gặp rủi ro do sự phụ thuộc của lực lượng lao động vào các công việc cần kỹ năng thấp. Trên khắp khu vực, phụ nữ sẽ ở tình thế tồi tệ hơn so với các đồng nghiệp nam, có thể mất công việc hiện tại hoặc thậm chí tìm được ít công việc cần kỹ năng cao hơn.

Theo một báo cáo năm 2018 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), 56% người lao động ở các trung tâm sản xuất chính của ASEAN gồm Campuchia, Indonesia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam sẽ mất việc do tự động hóa. Trong số phải đối mặt với sự thay đổi công việc, có nửa triệu công nhân trong ngành may mặc ở Campuchia, 1 triệu nhân viên cửa hàng ở Thái Lan và 1,7 triệu nhân viên văn phòng ở Indonesia. Các ngành công nghiệp dệt may và giày dép (GTF) sử dụng ít nhất 59% lao động sản xuất tại Campuchia và 39% tại Việt Nam.

Báo cáo năm 2018 của hãng tư vấn Verisk Maplecroft (Anh) nhận định, các lĩnh vực phải đối mặt với rủi ro tự động hóa cao nhất là nông nghiệp, lâm nghiệp và đánh cá, chế tạo, xây dựng, bán lẻ và khách sạn. Báo cáo cũng cho thấy, sự dịch chuyển công việc sẽ tác động đến một phần lớn lực lượng sản xuất, trong đó có nhiều phụ nữ. Trong các ngành GTF, phụ nữ nắm giữ ít nhất 76% việc làm, trong đó khoảng 2,6 triệu phụ nữ Việt Nam và hơn 600.000 phụ nữ Campuchia có thể mất việc vào tay 
máy móc.

Khi nói đến công nghệ, đó vẫn là một thị trường việc làm do nam giới điều hành, nơi chỉ có 22% chuyên gia trên toàn cầu là phụ nữ. Tại Singapore, 28% của nhóm tài năng trí tuệ nhân tạo là nữ, chỉ nhỉnh hơn một chút so với mức trung bình toàn cầu. Sự phân chia giới tính trong phát triển công nghệ là một rào cản đối với nữ giới, vốn đang tiếp tục tụt hậu so với nam giới trong việc tiếp cận công nghệ, kỹ năng vận dụng công nghệ và việc tuyển dụng trong các lĩnh vực công nghệ. 

Quang Nguyễn 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI