Tri thức may và mặc áo dài Huế được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

12/08/2024 - 16:49

PNO - "Tri thức may và mặc áo dài Huế" vừa được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Chiều 12/8, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Tri thức may và mặc áo dài Huế đáp ứng các tiêu chí để được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài...

Trình diễn áo dài tại chợ quê ngày hội ở cầu ngói Thanh Toàn xã Thủy Thanh (Thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế)
Trình diễn áo dài tại chợ quê ngày hội ở cầu ngói Thanh Toàn xã Thủy Thanh (TX Hương Thủy, Thừa Thiên Huế)

Đây là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thứ tư của tỉnh này được công nhận. Các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở Thừa Thiên Huế đã được công nhận gồm: Dệt Zèng, Ca Huế, Lễ hội Ada Koonh (Mừng lúa mới) của người Pa Kô.

Theo ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, sự khác biệt lớn nhất của áo dài Huế so với áo dài các vùng miền khác, đó là được nuôi dưỡng trên nền của một vùng văn hóa từng là Kinh đô cuối cùng của nền quân chủ Việt Nam, nơi mà thẩm mỹ trang phục cung đình nhà Nguyễn với những điển chế nghiêm ngặt đã lan tỏa - giao thoa với thẩm mỹ dân gian để tạo nên những dấu ấn riêng biệt trên chiếc áo dài mà không dễ tìm thấy ở vùng đất khác.

Áo dài trong đêm khai mạc lễ hội Sen tại công viên Tứ Tượng TP Huế vào tháng 7/2024
Áo dài trong đêm khai mạc lễ hội Sen hồi tháng 7/2024 tại công viên Tứ Tượng, TP Huế

Bên cạnh vẻ đẹp thanh lịch và trang nhã truyền thống, chiếc áo dài còn nhắc nhở người mặc về đạo lý làm người, nhắc nhở mỗi người dân Huế phải nâng niu, trân trọng, gìn giữ những giá trị truyền thống quý báu của ông cha.

Tại Huế, chiếc áo dài đã trở thành hình ảnh quen thuộc, thân thương, đi vào cuộc sống, gắn liền với nếp văn hóa, tập quán, xuất hiện trong mọi hoạt động lễ nghi, hội hè và cả trong đời thường. Áo dài còn là nguồn cảm hứng bất tận đi vào thơ, ca, nhạc, họa, trở thành biểu tượng của người phụ nữ Huế.

Lãnh đạo Sở Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cùng tham gia hoạt động “Áo dài với đạp xe vì môi trường”
Lãnh đạo Sở Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cùng tham gia hoạt động “Áo dài với đạp xe vì môi trường”

Cũng theo ông Hải, ngày nay tuy không giữ nguyên nếp cũ, nhưng tỉ lệ phụ nữ ở Huế mặc áo dài khi ra đường vẫn cao nhất cả nước. Đàn ông Huế cũng thường mặc áo dài trong các hoạt động long trọng như lễ cưới hỏi, giỗ chạp, cúng tế đình miếu, du xuân dịp tết...

Vài năm trở lại đây, Thừa Thiên Huế phát động và đẩy mạnh việc gìn giữ và phục hưng áo dài truyền thống (cả áo dài nam và nữ) không chỉ trong cộng đồng nhân dân mà còn cả ở khối cơ quan nhà nước.

Ngày 29/3/2023, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt đề án “Huế - Kinh đô Áo dài”. Đề án có tổng kinh phí thực hiện 535,5 tỉ đồng. Trong đó, hơn 11 tỉ đồng từ ngân sách địa phương, nguồn lực từ xã hội hóa hơn 524 tỉ đồng.

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI