Tri thức bắt nguồn từ “lễ”

25/11/2021 - 16:16

PNO - “Thái độ” chính là lễ - yếu tố nằm trong câu khẩu hiệu được treo trên mọi ngôi trường hiện tại. Dĩ nhiên, chẳng thể quy kết rằng “lễ” của một người có hay không có là do nhà trường.

Hãy thử giả định rằng, bạn cùng tiếp cận 2 ứng cử viên cho một vị trí nhất định mà bạn đang thiếu. Tài năng là điều chưa vội bàn đến nhưng một người có thái độ ứng xử với đồng nghiệp, với công việc ở mức chỉn chu chuyên nghiệp và một người không, vậy bạn sẽ chọn ai?

Nói thế để thấy, “trình độ” cần nhưng chưa bao giờ là thứ đứng trước “lễ độ”. Người có lễ độ là người có nhiều lợi thế, cụ thể thì lợi thế đó là được hỗ trợ, giúp đỡ bởi những người xung quanh cho công việc, vì được họ yêu quý.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Còn với một cái tôi quá lớn, thái độ thiếu chuẩn mực thì dù có tài năng, ắt tài năng ấy cũng sẽ bị cô lập, không thể phát huy hoặc khai phá. Tài năng khi này còn có ý nghĩa gì?

“Thái độ” chính là lễ - yếu tố nằm trong câu khẩu hiệu được treo trên mọi ngôi trường hiện tại. Dĩ nhiên, chẳng thể quy kết rằng “lễ” của một người có hay không có là do nhà trường, bởi nó còn được hình thành cộng hưởng từ gia đình, môi trường cận sống... Nhưng ở môi trường học đường với việc đào tạo và truyền trao tri thức, lễ phải là điều bắt buộc. Bởi, xét cho tận cùng căn nguyên thì lễ chính là gốc rễ của tri thức - thứ được gọi là sức mạnh nội tại của một người.

Trong lý do để đưa ra đề xuất bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”, GS Trần Ngọc Thêm cho rằng việc này là để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo... bởi còn đề cao chữ "lễ", nghĩa là đề cao vai trò quá mức của người thầy, thì tư duy phản biện sẽ không thể phát triển. Tuy nhiên, thực tế chữ lễ không hề mâu thuẫn với tư duy phản biện hay kìm hãm sự sáng tạo, mà ngược lại. Tri thức, nếu không bắt nguồn từ lễ sẽ chẳng phải là tri thức, mà chỉ là kiến thức được dung nạp và áp dụng một cách vật lý.

Điều cần làm của con người nói chung, là hiểu về lễ một cách chính xác theo bối cảnh và sự phát triển xã hội. Nếu khư khư ôm lấy định nghĩa về lễ như những diễn giải trong văn thư tịch cổ hay văn cảnh, khó tránh khỏi việc đẩy mọi thứ đi chệch khỏi đời sống hiện tại, gây nên xung đột, mâu thuẫn từ đó dẫn đến sự hạn chế tư duy phản biện và kìm hãm sáng tạo. Việc áp dụng phương pháp giảng dạy “đóng” với hệ thống “văn mẫu” là phương thức giảng dạy chứ không nằm ở phía người tiếp nhận. Và chữ “Lễ” không xuất hiện trong trường hợp này để níu chân các giá trị sáng tạo, khai phóng.

Lễ được hiểu chân phương nhất là thái độ ứng xử có văn hóa giữa người với người, là sự tôn trọng những người xung quanh. Sự giao tiếp đúng mực, rõ ràng và đầy thân thiện sẽ chẳng thể là nguyên nhân cho bất kỳ sự bế tắc nào trong sáng tạo. Đừng khiến chữ “Lễ” phải gánh một sức nặng mà bản thân nó vẫn sẽ luôn ngơ ngác ngờ vực về sự liên quan.

Câu khẩu hiệu còn treo trên bức tường sáng mọi ngôi trường hay không, không phải là điều quyết định cho môi trường đó tồn tại lễ hay không. Tương tự, cất bỏ khẩu hiệu này đi, cũng chẳng phải là cách xóa bỏ được những cách thức truyền đạt cũ kỹ và nặng tính áp đặt, để sự sáng tạo có thể được khai phóng.

Nếu chúng ta thiếu chữ “lễ” hoặc xem nhẹ nó trong đời sống thì đến một ngày nào đó xã hội này có gì ngoài những cá thể di chuyển, ứng xử và vận dụng mọi thứ theo công thức như người máy?

Nguyễn Hà

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI