Trị tật ga lăng bất chấp của chồng

07/01/2025 - 17:27

PNO - Hãy làm quen, nói chuyện xa gần nhẹ nhàng để cô ấy hiểu rằng em nắm hết được tình hình.

Chị Hạnh Dung kính mến,

Từ thời mới quen nhau, em đã biết chồng em là kiểu người ai nhờ cũng được, nhất là phụ nữ. Nhà ở bến xe miền Tây mà bạn nữ cùng lớp nhờ đón về tận bến xe miền Đông lúc nửa đêm, anh cũng đi. Mỗi lần xuống căn tin mua đồ là anh bị đến nửa số bạn gái trong lớp nhờ mua giùm cơm, nước, bánh mì... Đã vậy, nhiều cô còn quên đưa tiền. Thế nhưng lúc nào anh cũng vui vẻ, niềm nở, phẩy tay cho qua dù có khi phải ăn mì gói cả tuần.

Khi còn là bạn gái, em thấy ảnh dễ thương, có hơi ngộ ngộ, ngố ngố một chút vì để bị lợi dụng hoài. Nhưng sau khi kết hôn, em mới thấy nhiều chuyện bực mình, khó chịu khi anh quá nhiệt tình với người ngoài, có khi còn gây hiểu lầm.

Ra đường, có cô nào nhờ vả chuyện gì, thậm chí người ta chưa kịp nhờ vả, chỉ là đang lúng túng chứ chưa phải là khó khăn, anh đã xông vào giúp. Mấy cô hàng xóm trong chung cư thì coi anh như... của chung, việc nhà có gì cũng chạy sang nhờ. Họ nhờ rồi còn cười giả lả là nhờ chồng em còn dễ hơn nhờ chồng họ.

Thế nhưng đến độ để đồng nghiệp trong công ty phải dị nghị, có người gọi điện nhắc nhở em về chuyện một cô là mẹ đơn thân suốt ngày nhờ chồng em đón con, chở đi công chuyện... rồi mua cà phê, làm bánh, mua cả đồ dùng cá nhân tặng anh để cảm ơn thì em cảm thấy khó chịu lắm.

Nghe mọi người kể, em mới nhớ ra gần đây bỗng thấy anh có vài món đồ lạ (áo thun, nón, kính hàng hiệu...) không phải do em mua mà cũng không phải gu của anh, em hỏi thì anh cứ bảo là mấy chị ở công ty cho... Chắc là đây.

Em chất vấn chồng thì anh ấy nói ai ở công ty nhờ anh ấy cũng làm, đừng ghen tuông linh tinh. Vậy nhưng nghe chuyện mấy chị đồng nghiệp của anh kể, em cảm thấy không yên tâm chút nào. Theo chị, em nên làm gì để ngăn ngừa hậu họa? Có nên cấm anh giúp đỡ cô ta hay tìm gặp cô ta để cảnh cáo?

Thanh Mai

Em Thanh Mai thân mến,

Bây giờ em thử phân tích xem vì sao khi chỉ là bạn thì em thấy nét tính cách đó của chồng dễ thương, vui vui, ngộ ngộ, có khi lại chính là điểm cuốn hút em đến với anh ấy nhưng khi anh ấy là chồng em thì em cảm thấy khó chịu, bực mình.

Nó có thể do vài lý do: hoặc em ích kỷ, có tính sở hữu, không muốn chồng giúp đỡ ai hoặc em ghen tuông, khó chịu, ganh tị khi chồng được mọi người yêu thích, ca ngợi hoặc em nghi ngờ, sợ chồng có những mối quan hệ không kiểm soát được...

Dù là gì chăng nữa, Hạnh Dung cũng nghĩ rằng em nên bình tĩnh xem lại cảm xúc của mình và kiểm soát nó. Vốn biết chồng mình như thế từ trước khi cưới và chấp nhận thì không lý gì bây giờ em lại bắt ép chồng thay đổi để em được hài lòng.

Tuy vậy, để hóa giải những ấm ức và lo lắng, nghi ngờ trong lòng, em có thể nhắc nhở chồng nên biết giới hạn của việc giúp đỡ mọi người để lòng tốt của mình không bị lợi dụng một cách thái quá và tránh để xảy ra những lời đàm tiếu.

Em cứ nói chuyện thẳng thắn với chồng rằng em nhận được những cuộc điện thoại từ đồng nghiệp của chồng, cảnh báo em về mối quan hệ của anh ấy và một phụ nữ đơn thân nuôi con. Hãy hỏi chồng xem anh có hiểu cảm xúc của em khi phải nhận những cuộc điện thoại như vậy.

Với cô đồng nghiệp mẹ đơn thân kia, Hạnh Dung nghĩ em chẳng nên ào đến mắng mỏ hay nhắc nhở. Hành động đó khiến người khác nhìn vào sẽ cảm thấy thương hại em, nghĩ rằng em kém tự tin, luôn nơm nớp lo sợ mất chồng...

Chi bằng, với ai đó đã nhắc nhở em, em có thể tìm cách nhờ họ làm một cuộc kết nối tình cờ, đơn giản với người phụ nữ kia, kiểu như vì là đồng nghiệp của chồng em nên em cũng muốn quen biết cho vui.

Sau đó, em có thể nói chuyện xa gần nhẹ nhàng để cô ấy hiểu rằng em nắm hết được tình hình, rằng không chuyện gì qua mắt được em đâu. Rằng em chẳng lo cho bản thân vì em quá hiểu tính chồng mình mà chỉ cảm thấy lo giùm người khác: mang tiếng xấu trong công ty, bị để ý, chê cười...

Nói cách nào thì em nên chọn lựa kỹ càng, thông minh, khéo léo để người có tật thì rục rịch; người vô tư thì nghĩ lại, kiểm tra lại bản thân và có khi còn cảm ơn vì em đã nhắc nhở.

Cách này người ta gọi là "rung cây nhát khỉ", chỉ cần làm cho con khỉ thấy sợ và bỏ đi. Đâu cần phải lớn chuyện khi chưa cần thiết, chưa có chứng cớ. Cẩn thận kẻo rung mạnh quá không khéo lại gãy cây, em nhé!

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(10)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI