Trị rụng tóc sao cho hiệu quả?

03/12/2023 - 07:54

PNO - Muốn điều trị rụng tóc dứt điểm, cần đi khám chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân. Nếu tự ý điều trị chỉ chữa được phần ngọn, tốn tiền mà không đem lại hiệu quả lâu dài.

Chứng rụng tóc là nỗi trăn trở của nhiều người bởi mái tóc ảnh hưởng thẩm mỹ rất nhiều, gây kém tự tin khi giao tiếp. Vì thế, nhiều người loay hoay tìm cách chữa trị rụng tóc, thậm chí nghe chỉ cách nào cũng thử ngay. Những phương pháp trị rụng tóc đang được quảng cáo rầm rộ tại các spa, các trang mạng xã hội hiệu quả tới đâu, có phù hợp với tất cả mọi người hay ẩn chứa tác dụng phụ nào không? 

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với thạc sĩ, bác sĩ Ngô Anh Tuấn - Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - để giải đáp thắc mắc của mọi người liên quan đến vấn đề này.

Tất cả phương thức điều trị đều có những mặt hạn chế

Phóng viên: Thưa bác sĩ, rụng tóc ở mức độ nào được coi là bất thường và cần can thiệp điều trị? Hiện nay, tại đơn vị, các trường hợp tới khám rụng tóc có nhiều không, chủ yếu ở độ tuổi nào?

Thạc sĩ, bác sĩ Ngô Anh Tuấn: Mức độ rụng tóc phụ thuộc vào từng bệnh lý. Một người bình thường trung bình rụng khoảng 100 sợi tóc mỗi ngày và tóc mới sẽ mọc thay. Tuy nhiên, nếu khi tóc rụng đi mà số tóc mới mọc lại ít hoặc không mọc sẽ gây ra hiện tượng tóc thưa, hói.

Bác sĩ Ngô Anh Tuấn đang tư vấn cho bệnh nhân về cách chăm sóc và bảo vệ tóc - Ảnh: T.N.
Bác sĩ Ngô Anh Tuấn đang tư vấn cho bệnh nhân về cách chăm sóc và bảo vệ tóc - Ảnh: T.N.

Rụng tóc được chia làm 2 dạng: có sẹo và không sẹo. Đối với trường hợp rụng tóc có sẹo thì nang tóc đã bị phá hủy và thay thế bằng các mô xơ. Vì vậy, việc điều trị chỉ ngăn tình trạng này nặng lên chứ tóc không thể phục hồi được như cũ. Còn ở dạng rụng tóc nhưng không để lại sẹo và da đầu không kèm theo các tổn thương, nang tóc vẫn còn thì khi nguyên nhân được kiểm soát, tóc mới sẽ mọc trở lại bình thường.

Mức độ rụng tóc tùy theo phân độ của mỗi bệnh lý. Có một số trường hợp nguyên nhân gây rụng tóc do dinh dưỡng chưa hợp lý hoặc stress hay sau một đợt nhiễm trùng cấp tính hoặc chăm sóc tóc sai cách (cột tóc quá chặt, uốn/duỗi/nhuộm nhiều), bệnh nhân chỉ cần điều chỉnh lối sống và bổ sung dinh dưỡng hoặc uống thuốc nhẹ nhàng thì sẽ cải thiện được. Ngoài ra, rụng tóc còn có thể xảy ra do bệnh lý tuyến giáp, thiếu máu, tác dụng phụ của thuốc men, miễn dịch… Tại Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, số trường hợp đến khám rụng tóc chiếm khoảng 10 - 20% trên tổng số bệnh nhân, đa số trong độ tuổi từ 20-40. 

* Hiện nay, trên thị trường làm đẹp có rất nhiều phương pháp điều trị rụng tóc. Bác sĩ có thể liệt kê một số phương pháp điển hình cũng như ưu và nhược điểm của những phương pháp đó?

- Có thể nói, trên các trang mạng xã hội, ta rất dễ dàng thấy những thông tin quảng cáo với nội dung trị rụng tóc. Tất cả phương thức điều trị đều có những mặt hạn chế. Khách hàng cần biết chọn lọc và tìm hiểu kỹ trước khi quyết định trải nghiệm bất kỳ sản phẩm/dịch vụ liên quan tới thẩm mỹ và sức khỏe. Các phương pháp trị rụng tóc hay được mọi người nhắc tới là uống thuốc, dùng thực phẩm chức năng hỗ trợ, chích thuốc huyết thanh, tiểu cầu. Ngoài ra, các cơ sở làm đẹp còn hay quảng bá trị rụng tóc bằng cách thoa tinh chất kích thích mọc tóc. Một phương pháp can thiệp sâu hơn là cấy tóc (lấy tóc nang tóc từ phần nhiều tóc, thường là vùng sau gáy, cấy vào vùng da đầu không mọc tóc). Bên cạnh đó, rất nhiều sản phẩm dầu gội đầu có tác dụng ngăn ngừa rụng tóc, làm dày tóc, kích thích mọc tóc cũng được chị em rỉ tai nhau.

Trước tiên, tôi muốn nhắn nhủ mọi người rằng muốn điều trị rụng tóc dứt điểm, cần đi khám chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân. Nếu tự ý điều trị chỉ chữa được phần ngọn, tốn tiền mà không đem lại hiệu quả lâu dài. Khi điều trị một trường hợp rụng tóc, bác sĩ sẽ phối hợp nhiều cách thức khác nhau để đạt hiệu quả cao nhất. 

Những loại thực phẩm tốt cho sự phát triển của tóc
Những loại thực phẩm tốt cho sự phát triển của tóc

Các loại dầu gội chủ yếu hỗ trợ giảm tiết dầu để tránh gây bít tắc nhằm cải thiện vi tuần hoàn cho nang tóc. Tuy nhiên, nếu chỉ dùng dầu gội mà không biết nguyên nhân thì chẳng thể đem lại kết quả tối ưu. Đó còn chưa kể dùng lâu dài không tham vấn bác sĩ còn gây các tác dụng không mong muốn. Tiếp đến, các chế phẩm thoa ngoài da kích thích mọc tóc có thể dẫn tới tình trạng viêm da tiếp xúc kích ứng. Không những thế, các chế phẩm này thường liên quan tới nội tiết. Khi sử dụng sản phẩm xong mà quên rửa tay, lỡ nuốt phải có nguy cơ xảy ra tác dụng phụ toàn thân hoặc tình trạng giảm ham muốn tình dục, yếu sinh lý ở nam giới. Thực hiện tiêm chích huyết thanh, tiểu cầu tại spa vô cùng nguy hiểm. Đây là kỹ thuật có xâm lấn, ẩn chứa rủi ro lây truyền các bệnh truyền nhiễm, nhiễm trùng nếu không đảm bảo quy tắc vô khuẩn, nặng nhất là sốc phản vệ gây nguy hiểm tính mạng.

Phương pháp cấy tóc là một kỹ thuật chuyên sâu, chưa được Bộ Y tế cấp phép bởi có nhiều nguy cơ như nhiễm trùng, tạo sẹo ở vùng lấy tóc. Đối với các trường hợp rụng tóc do tuyến giáp, thiếu máu, miễn dịch…, song song với điều trị triệu chứng, người bệnh còn cần kiểm soát được bệnh lý đi kèm. Rụng tóc do miễn dịch, nghĩa là cơ thể bệnh nhân tự tạo ra các chất chống lại tế bào trong nang tóc, khiến tóc bị rụng từng mảng. Đối với tình trạng này, bác sĩ phải can thiệp bằng cách tiêm thuốc điều hòa miễn dịch vào da đầu. 

Không nên tự điều trị rụng tóc

* Việc tự điều trị rụng tóc có mang lại hiệu quả nào không?

- Trường hợp nữ bệnh nhân P.T.D. (29 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) là điển hình cho việc tự điều trị rụng tóc. Tóc chị D. ngày càng thưa, nhất là vùng mái và 2 bên mang tai. Mỗi lần chị D. buộc tóc lên là có thể nhìn thấy da đầu. Theo bệnh nhân, tình trạng rụng tóc của chị kéo dài đã vài năm. Chị đã tìm đủ cách như uống viên thực phẩm chức năng kích thích mọc tóc, bôi tinh chất mọc tóc, dùng dầu gội ngăn ngừa rụng tóc… Trong lúc sử dụng các sản phẩm nói trên, chị cũng thấy có hiệu quả, tóc con mọc nhiều. Tuy nhiên, chỉ cần ngưng dùng, mọi thứ lại trở về vạch xuất phát.

Bệnh nhân vô cùng mệt mỏi và tốn rất nhiều tiền để khắc phục tình trạng rụng tóc. Thậm chí bệnh nhân còn đổi nhiều kiểu tóc để cố gắng che đi khuyết điểm tóc thưa, mỏng. Ban đầu, chị cắt tóc ngắn bởi nghĩ sẽ giảm được tình trạng xơ rối. Không những thế, tóc ngắn sẽ bớt nặng, giảm áp lực lên chân tóc, nhờ vậy tóc cũng ít rụng hơn. Sau một thời gian, chị lại uốn tóc để tạo cảm giác tóc bồng bềnh. Thế nhưng, chị càng can thiệp thì tóc càng dễ gãy, rụng, sợi tóc mới mọc lên ngày càng mảnh, thiếu sức sống và thiếu độ đàn hồi. Mỗi lần gội đầu xong, chị D. đều phải sấy tóc thật kỹ, nếu không tóc sẽ xẹp nhìn mỏng dính, ép sát vào da đầu. Chính vì sấy nhiệt thường xuyên, tóc chị càng khô và dễ gãy rụng. 

* Bác sĩ có thể cho lời khuyên giúp mọi người ngăn ngừa và điều trị rụng tóc kịp thời?

- Chúng ta không nên tự điều trị rụng tóc. Khi thấy tần suất tóc rụng quá mau, tóc thưa hoặc các biểu hiện đi kèm như trên da đầu có các u nhọt, ngứa, đỏ, viêm, có những mảng rụng tóc đột ngột, cần đi khám chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán chính xác, can thiệp kịp thời. Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, bổ sung thực phẩm nhóm đạm, sắt, vitamin thiết yếu… Trứng rất giàu vitamin B (đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của tóc).

Bên cạnh đó, các thực phẩm như cá hồi, rau lá màu xanh đậm, trái cây, ngũ cốc, thịt nạc gia cầm, hàu… cũng là nguồn cung cấp các vitamin và khoáng chất tốt cho sự phát triển của tóc. Ngoài ra, cần biết chăm sóc tóc đúng cách, tránh để tóc tiếp xúc trực tiếp dưới ánh mặt trời bởi tia UV sẽ làm tóc bị chẻ, xơ, dễ gãy. Cần hạn chế can thiệp thô bạo với tóc dưới các hình thức uốn, duỗi, nhuộm thường xuyên.

* Cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI