Trí Nguyễn và cuộc đối thoại Đông - Tây

22/10/2015 - 15:00

PNO - 28 năm rời quê hương, định cư tại Pháp, anh vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Bằng phương pháp của mình anh phổ biến âm nhạc Việt Nam ra thế giới.

Tri Nguyen va cuoc doi thoai Dong - Tay

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa bảng ở miền Nam, ngay từ thuở bé, nhạc sĩ Trí Nguyễn đã được giáo dục cực kỳ nghiêm khắc. Anh kể, thuở ấu thơ đi học piano, mỗi khi đàn sai anh sẽ bị đánh đòn - chụm các đầu ngón tay, hướng lên trên và bị khẻ bằng thước.

Riêng vị nhạc sư dạy đàn tranh cho anh thì không đánh đòn nhưng lại có kiểu nói gay rất đau, như: “Cậu Trí à, bình thường cậu thông minh sáng dạ lắm mà...”

Dù thừa nhận sự giáo dục nghiêm khắc ấy đã giúp anh có được thành công như hôm nay, nhưng Trí Nguyễn bảo anh đã loại bỏ kiểu đánh đòn, nói gay học trò khi anh đi dạy học, bởi phương pháp ấy đã không còn phù hợp.

“Học trò tôi hôm nay được học theo kiểu vừa học vừa chơi mà vẫn đảm bảo được chất lượng học tập. Quan trọng nhất là giữ gìn nền nếp mà không phải đánh mắng học trò” - Trí Nguyễn nói.

Những giá trị phương Tây tiếp thu được qua piano và những giá trị cổ truyền được trao truyền qua cây đàn tranh đã cho Trí Nguyễn nền tảng vững chắc bước ra thế giới mà vẫn giữ được tinh thần và đời sống Việt trong nội tâm. Xa quê hương đã 28 năm, anh vẫn nói sõi tiếng Việt, vẫn giữ quốc tịch Việt Nam, không đăng ký song tịch. Anh bảo anh không thể bỏ nguồn cội của mình.

“Tôi sinh ra là người Việt Nam. Dù tôi có đi đâu, làm gì thì tôi cũng vẫn là người Việt Nam nên quốc tịch của tôi phải là Việt Nam. Tất nhiên, nếu mang quốc tịch Pháp, khi đi lại, làm việc, nhiều thứ sẽ dễ dàng hơn nhưng điều đó không quan trọng lắm. Quan trọng là những gì mình làm được, thành công là do mồ hôi nước mắt khổ luyện chứ đâu phải vì quốc tịch” - Trí Nguyễn tâm sự.

Cũng bởi tinh thần Việt ấy nên suốt bao nhiêu năm, anh đau đáu ước mơ đưa âm nhạc Việt Nam, cụ thể là đàn tranh đến với bạn bè thế giới. Những buổi biểu diễn của anh luôn bao gồm hai phần: âm nhạc Tây phương và đàn tranh Việt, chơi cùng các nghệ sĩ kèn, violin... trong đó , phần nhạc Tây làm nền, hòa theo và tôn vinh nhạc Việt.

“Có những nghệ sĩ dùng nhạc cụ Việt Nam để chơi nhạc Tây. Còn tôi thì muốn các nhạc cụ Tây phải theo mình”. Lời khẳng định của Trí Nguyễn thể hiện qua việc những tác phẩm Việt anh chơi đều là những bài bản cổ, tinh tuyền như Khóc hoàng thiên, Trăng thu dạ khúc, Nam ai, Ái tử kê... Kỹ thuật diễn tấu như nhấn, rung, mổ... của Trí Nguyễn cũng là những kỹ thuật từ rất xưa - khi các nghệ sĩ cung đình tấu đàn tranh bằng hai ngón tay chứ không phải ba ngón như phần lớn nghệ sĩ hôm nay.

Không tìm được cây đàn cổ 16 dây (đàn tranh còn được gọi là đàn thập lục - 16 dây), anh phải dùng loại đàn 17 dây và bỏ không chơi dây cuối. Anh đã giữ truyền thống ấy suốt nhiều năm, và sẽ tiếp tục đưa ra quốc tế qua việc kết hợp với các nhạc cụ nước ngoài.

Ngoài những buổi diễn ở châu Âu, Mỹ, tại các festival âm nhạc... Trí Nguyễn còn tự mình thực hiện những video clip chơi đàn tranh trên nền những hình ảnh phương Tây và đưa lên YouTube để khán giả thế giới dễ tiếp cận với nhạc Việt, với đàn tranh.

Album Consonnances - kết hợp đàn tranh và nhạc Tây của anh được trao huy chương vàng và được bình chọn là một trong ba album được yêu thích nhất của Global music awards vào tháng Bảy qua, được bán trên hệ thống iTunes với giá 1,39 USD (vì tiêu thụ tốt) mỗi tác phẩm (so với mức giá chuẩn 0,99 USD) là trái ngọt cho những nỗ lực không mệt mỏi của Trí Nguyễn trên hành trình quảng bá nhạc Việt. Chưa hết, tác phẩm của anh sẽ là một phần được chơi trong Hội nghị chống biến đổi khí hậu COP21 tại Paris vào tháng 12 tới.

Trí Nguyễn đang ở Việt Nam để chuẩn bị cho buổi biểu diễn chính thức đầu tiên của mình với khán giả quê nhà. Chương trình Đối thoại Đông - Tây sẽ diễn ra vào tối 23/10 tại Nhạc viện TP.HCM với sự tham gia của nữ nghệ sĩ violin Pháp gốc Nga - Byunta Goryaeva - tài năng trưởng thành từ Trường tài năng âm nhạc quốc gia Tchaikovsky (Nga) từng lưu diễn ở hàng chục quốc gia châu Âu.

Ngoài tài năng biểu diễn tuyệt vời cả đàn tranh lẫn piano, Trí Nguyễn còn được người trong giới khâm phục vì khả năng hội họa. Nhiều người nói anh chơi đàn như đang vẽ tranh và anh vẽ tranh để “nói” những điều mà âm nhạc chưa nói hết.

Phạm Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI