Trí Minh - Linh hồn của Hanoi Sound Stuff Festival

11/04/2013 - 04:37

PNO - PN - Sinh ra trong một gia đình quá nổi tiếng, nên có một thời gian dài, người ta chỉ biết đến Trí Minh (ảnh) với những định danh như “em Thanh Lam” hay “con Thuận Yến”. Nhưng, bằng nhiều nỗ lực nghệ thuật lặng lẽ, Trí Minh đang...

Liên hoan âm thanh Hà Nội năm nay có sự tham dự của tám đoàn đến từ bảy nước: Israel, Nhật Bản, Đức, Anh… với hai nhánh âm nhạc được chia thành hai đêm trình diễn. Đêm 12/4 là buổi hòa nhạc điện tử kết hợp trình diễn hình ảnh như video-art, short-films, performance… của các nghệ sĩ đến từ Nhật, Anh, Áo, Thụy Điển và Việt Nam, tại sân Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam. Đêm nhạc DJ 13/4 mang tính đại chúng hơn, với các nghệ sĩ đến từ Đức, Thụy Sĩ, Israel và Việt Nam. Qua năm lần tổ chức, từ con số 700 người tham gia mùa đầu tiên, Hanoi Sound Stuff Festival đang dần thu hút được sự quan tâm của nhiều khán giả theo tiêu chí mà người sáng lập ra nó - nhạc sĩ Trí Minh - đã được học trong hàng chục chuyến đi học tập/biểu diễn tại các festival châu Âu những năm 2000: phát triển vững chắc theo đường dài, quý hồ tinh bất quý hồ đa.

Để đem đến cho khán giả của âm nhạc đương đại, đặc biệt là khán giả trẻ những trải nghiệm âm thanh đa dạng tại liên hoan, từ minimalism (tối giản), experimental (thể nghiệm), ambient, noise, techno, dance, jazz, acoustic, pop - rock… Trí Minh và các bạn anh thường mất đến cả năm trời. Từ tháng Năm, nhóm bắt đầu liên lạc với các nghệ sĩ, vận động họ tham gia (nhiều khi bằng cách xin kinh phí của các quỹ văn hóa nước họ), làm việc với các đối tác sản xuất, âm thanh ánh sáng, xin kinh phí tài trợ công tác hậu cần, logistic… Với sự tiếp nhận bài bản về cách tổ chức festival âm nhạc lẫn niềm say mê nhạc điện tử, nhạc đương đại, Trí Minh “ngoan cố” đi theo con đường “hữu xạ tự nhiên hương” - không mời các ngôi sao nhạc pop tham gia (nhằm thu hút công chúng xem) chương trình.

Tri Minh - Linh hon cua Hanoi Sound Stuff Festival

Ảnh: N.M.

Thế nhưng, anh lại tổ chức nhiều buổi nói chuyện - trình diễn tại các trường đại học, các quán xá ở Hà Nội để tìm kiếm khán giả. Từ tháng Năm này, hoạt động trên sẽ diễn ra định kỳ tại khắp các quán Hà Nội. Trí Minh nói, khán giả âm nhạc đương đại không cần nhiều, nhưng phải yêu, phải hiểu, phải gắn bó lâu dài. Đó cũng là cách làm nên thành công của các festival lớn ở châu Âu, có cuộc lên đến hàng trăm ngàn người. Việc đi biểu diễn hàng năm tại các festival âm nhạc cũng cho anh nhiều mối quan hệ với các nghệ sĩ đương đại khắp thế giới, càng nung nấu trong anh mong muốn Hà Nội có một lớp nghệ sĩ trẻ tài năng về nhạc điện tử, muốn công chúng có một không gian âm nhạc đa tầng, đa dạng để chọn lựa, trải nghiệm.

Hỏi Trí Minh ngoài việc đi nước ngoài biểu diễn (với mức thù lao cũng không cao lắm), làm giám đốc âm nhạc cho các chương trình như Đẹp Fashion Show… thì anh sống bằng gì để nuôi giấc mơ “đương đại”, Trí Minh cười bảo, anh làm nhạc cho các event, làm nhạc cho các dự án phim để theo đuổi âm nhạc “phi thương mại”. Cũng từ lâu, anh không làm nhạc cho ca sĩ V-pop nữa, mà chỉ làm các dự án theo đúng ý của mình. Sau dự án Hanoi love story, Trí Minh đang ấp ủ một sản phẩm kết hợp âm nhạc điện tử và ca trù, mời các nghệ nhân gạo cội và một số ca nương trẻ tham gia. “Tôi đã có đêm diễn thử và nhận được phản hồi rất tốt” - Trí Minh hồ hởi. Sau các ca nương, anh sẽ tìm kiếm một vài giọng hát bán cổ điển và dân gian để tiếp tục chuỗi thể nghiệm âm thanh - âm nhạc đa dạng và mới mẻ của mình.

“Anh toàn làm ở Hà Nội, khán giả ở TP.HCM làm sao có cơ hội trải nghiệm để thích hay không thích nhạc của anh?”. Trước câu hỏi này, chàng nhạc sĩ điển trai trả lời chắc như đinh đóng cột: Chị yên tâm, tôi sắp đến với họ đây!

ĐINH HÀ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI