edf40wrjww2tblPage:Content
Nhưng Trí Minh đã gây dựng niềm tự hào cho riêng mình, bằng chính những tìm tòi khác xa với không gian âm nhạc mà gia đình anh đã tạo nên, để có được sự bình đẳng trong nghệ thuật, để trong đêm nhạc Thanh Lam - Người đàn bà yêu, ngồi đệm đàn cho chị gái của mình hát, Trí Minh vẫn gọi chị một cách trân trọng là NSƯT Thanh Lam.
Thứ nhạc tôi đang làm vẫn có thể… bán được
Cuộc trò chuyện với Trí Minh diễn ra ngay tại góc làm việc trong căn hộ nhỏ của anh, giữa những lỉnh kỉnh máy móc và nhạc nền chính là những bản nhạc “nóng hổi” còn nguyên trong phần mềm, chưa xuất file. Trong căn hộ ấy có một cậu thiếu niên đẹp trai mặt đặc Tây nói tiếng Việt, có một cậu nhóc hotboy "hiện tượng mạng" vừa qua, và tất nhiên có “nội tướng” của Trí Minh, cũng nói tiếng Việt như một phụ nữ Hà Nội thực thụ. Nhưng tất cả họ đều không tham gia vào câu chuyện thuần túy âm nhạc sau đây, câu chuyện đầy những trăn trở lo âu nhưng không thiếu sự lạc quan sôi nổi của một người đầy ắp những dự định, và quan trọng là anh cảm thấy dường như những gì mình âm thầm làm bao năm qua đã tới hồi cho hoa cho quả (dù chưa chắc đã là quả ngọt).
* Chúng ta đều biết một trong những nhiệm vụ, hay sứ mệnh có lẽ là quan trọng nhất của nhạc thử nghiệm là tìm cách khai phá những không gian âm nhạc mới, những khả năng biểu đạt hiếm có hoặc chưa từng có, để tới một ngày nào đó, những thứ mới lạ ấy trở thành đại chúng. Tuy nhiên, tôi xin phép được nói ra một mối lo ngại của mình, là có thể con đường đưa cái lạ thành cái quen ấy quá dài, mất quá lâu, mà không chắc sẽ dẫn tới một kết quả cụ thể, có khi nó mãi mãi là thử nghiệm thì suy cho cùng thử nghiệm để làm gì. Có khi nào anh và những nghệ sĩ như anh có suy nghĩ mình phải làm gì để đẩy “tiến độ” nhằm đưa cái thử nghiệm kia vào đời sống nhanh hơn không?
Nhạc sĩ Trí Minh: Đúng là nhiều lúc tôi cũng thấy sốt ruột, cảm thấy chậm thế này thì chết. Nhưng suy cho cùng thì nhanh hay chậm là ở mình, ở ý thức của mình trong việc đưa cái mình đang làm ra với công chúng. Tôi đi festival ở Châu Âu thấy có nhiều nhóm thử nghiệm kiểu tự đánh tự nghe, đến chỗ họ diễn thấy chỉ có 4-5 người ngồi chơi nhạc, không biết trong số đó có ai là khán giả không. Lần gần đây tôi tham gia một festival ở Thái Lan, nhiều điểm diễn có tất cả 10 người, kể cả nghệ sĩ. Nhưng bên cạnh những nghệ sĩ thử nghiệm quyết liệt như vậy cũng có một trường phái khác linh hoạt hơn, có thể hiểu là họ chỉ giữ lại tinh thần thử nghiệm khoảng 70% thôi, còn lại họ biết pha trộn để cho ra đời những sản phẩm có tính thương mại.
Bjork là một tên tuổi điển hình. Khi làm thử nghiệm thì rất khó nghe, khi biểu diễn thì lại dễ nghe. Khoảng 2 năm nay, tôi bắt đầu làm ra những sản phẩm âm nhạc mà tôi tạm gọi là “mềm”, tính thử nghiệm vừa phải, không khó nghe. Gần đây tôi có làm một đêm nhạc, khoảng hơn 3 chục khách, bán vé 500 nghìn, và bán hết. So với nhạc pop nghe có vẻ buồn cười nhỉ, nhưng là cả một bước tiến đáng kể. Nó cho tôi niềm tin rằng thứ nhạc tôi đang làm đây vẫn có thể… bán được. Bằng chứng là sau đêm diễn đó đã có những lời mời đem nguyên cả nhóm đi diễn ở một số nơi, cả ở Sài Gòn, xứ của nhạc trẻ.
* Trong giới thử nghiệm, dù quyết liệt kiểu hardcore hay thỏa hiệp “mềm” như anh nói thì bên nào cũng muốn có công chúng cho riêng mình. Có một quan niệm lờ mờ trong giới thử nghiệm rằng nhạc của họ làm ra chỉ nhắm tới khán giả tinh hoa thôi. Nhưng khán giả tinh hoa là ai, tôi đồ rằng đây vẫn là khái niệm rất mập mờ ở ta, anh có một định nghĩa nào cho mình về lớp khán giả này không? Nếu quả thực là có và dễ dàng nhận diện, thì những đối tượng đó có phải là chỗ dựa cho nghệ thuật thử nghiệm không?
- Chúng ta đã nghe nói nhiều về đối tượng khán giả này và tôi nghĩ không chỉ giới nghệ sĩ thử nghiệm như chúng tôi mong có được những khán giả ấy. Nhưng tôi không ảo tưởng và cũng không cố đi tìm. Ở ta vẫn còn có sự lẫn lộn giữa khán giả tinh hoa với khán giả nhiều tiền, coi nhiều tiền như một phẩm chất bắt buộc phải có của tinh hoa. Cái này cũng không sai hoàn toàn nhưng không thực sự đúng. Nó khiến nhiều người bị ảo tưởng rằng cứ có tiền và đi mua vé giá cao là họ đã thành tinh hoa.
Trong một lần đi dự festival âm nhạc ở Pháp, khi giao lưu, tôi có đưa ra câu hỏi nghệ thuật đỉnh cao và thử nghiệm ở đây tồn tại được là nhờ đâu, thì được giải thích rằng lớp khán giả tinh hoa hình thành từ một quá trình tích lũy lâu dài, cả về tài sản và văn hóa qua 4-5 thế hệ. Các nhà tư sản hôm nay tiếp tục gây dựng di sản cho gia tộc bằng việc tài trợ cho văn hóa, bảo trợ nghệ thuật, không đơn thuần là mua một cái vé vào xem. Văn hóa là sự thẩm thấu, không thể đốt cháy giai đoạn. Hiện nay tôi đang làm một dự án với các nghệ sĩ ca trù, tại những buổi diễn và ghi âm, tôi có mời một số doanh nhân đến nghe; đã có một người thực sự yêu thích và nhận tài trợ cho chương trình này, dù chưa nhiều nhưng rất quý. Tôi đã tìm khán giả tinh hoa như thế.
Tôi đang đi ngang con đường mà Thanh Lam theo đuổi
* Ba bốn năm nay, khi nhạc điện tử bỗng nhiên trở thành một thứ mốt ở Việt Nam, nhiều người trong giới nhạc mới chợt nhớ ra vai trò tiên phong của anh khi là một trong những nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên đi sâu tìm hiểu và sáng tạo với dòng này, từ thử nghiệm cho tới sản phẩm đại chúng có tiếng vang hơn 10 năm trước là album Thanh Lam - Hà Trần. Nhưng nay, khi thời đã đến, anh lại vẫn tiếp tục… thử nghiệm, trong khi có không ít sản phẩm mang danh điện tử, một loại nhạc thời thượng, hóa ra rất cũ kỹ. Vậy thực ra những người đang theo cái mốt này họ chậm tiến, họ coi đây là cuộc vui nhất thời, hay công chúng bị lừa?
- Thời nay, qua internet, người ta dễ ảo tưởng mình đã hội nhập, đã nắm được mọi xu hướng, có thể làm được mọi thứ cập nhật với thế giới. Nhưng nếu nói thế thì những trường nhạc ở Âu - Mỹ đầy các sinh viên đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Indonesia… là để cho vui sao? Và âm nhạc các nước kia so với chúng ta như thế nào, ai cũng đã rõ. Vấn đề là nhiều người trong giới sáng tạo vẫn không nhận ra là mình chưa thoát khỏi cái vũng ở ngay Việt Nam, chứ chưa nói gì sang tới láng giềng. Tôi là người có may mắn được đi nhiều nên tôi biết mình đang ở đâu, đang là gì so với thế giới. Chỉ cần ra khỏi Việt Nam không xa là đã biết được điều đó.
Người sản xuất âm nhạc và người nghe ở Việt Nam đang tự kéo mình giậm chân tại chỗ. Người nghe chỉ muốn nghe cái mình đã thích, người sản xuất thì làm cái người nghe thích, thiếu sự tương tác đa chiều với sự có mặt của xu hướng. Tính xu hướng bị cắt đứt thế là vòng tròn phát triển bị đóng lại. Đừng lầm tưởng những gì mình đang làm giống nước ngoài họ làm rồi cho đó là xu hướng.
* Nhân nói về công chúng, chúng ta hãy cùng thử xem xét hiện tượng này: Cùng là sự pha trộn giữa một cái lạ với cái quen, chẳng hạn ca trù với nhạc điện tử đi - với “Tây” thì ca trù là lạ, điện tử là quen; với “Ta” thì ngược lại. Cơ bản cũng giống nhau. Nhưng thái độ tiếp cận thì rất khác nhau: Người Tây tâm tính mở, đón nhận thoải mái; người Việt thì thường nghi kị, mỉa mai và đôi khi có xu hướng chống lại. Theo anh, làm sao lý giải và hóa giải được điều này?
- Theo trải nghiệm của chính tôi thì có thể nhận thấy thế này: với người phương Tây, thứ âm nhạc ấy hay hay không không quan trọng bằng sự trải nghiệm. Họ tới xem và đó là trải nghiệm duy nhất họ có được, thế là họ thấy hay. Còn để nhận xét nội dung âm nhạc đã có các nhà phê bình, sau đó công chúng tự đánh giá. Còn ở Việt Nam, theo một thói quen đã thành định kiến, người nghe luôn muốn có một thứ âm nhạc phù hợp với người ta nhất, tức là phải thích đã, chẳng hạn người ta phải biết ông Trí Minh là ai, phải thích ông ấy đã thì mới nghe.
Điều này có thể thay đổi không? Có, nhưng không phải một sớm một chiều. Nhạc cổ điển từng trải qua một kinh nghiệm tương tự. Bắt đầu từ tầng lớp thượng lưu, rồi tới trung lưu sau mới tới người lao động, những người vốn thưởng thức nghệ thuật rất thụ động. Không phải tự dưng mà thích và thưởng thức được, cần một quá trình tiếp xúc, trải nghiệm. Khi mình đã có trải nghiệm thì mới hưởng thụ, thưởng thức được. Không phải cứ mặc áo đẹp đến ngồi nghe nhạc cổ điển rồi tự nhận tôi cao cấp. Và cũng không cần phải khăng khăng tôi là bình dân, tôi không thèm nghe cái loại nhạc sang chảnh kia.
* Có một tâm lý nữa từ một lớp khán giả khi đón nhận những dòng nhạc mới mẻ, đó là thay vì thừa nhận rằng mình chưa thể tiếp nhận, đôi khi vì mình còn kém, cần học hỏi, cần tìm hiểu, thì họ ngay lập tức phủ nhận cái mới đó. Thay vì tự ti thì họ hóa ra tự tôn vô lý kiểu tôi không chấp nhận, tôi có quyền không thích… Nhưng dẫu sao cũng có thể chấp nhận được vì công chúng là vậy, họ đơn giản là thích thì nghe, không thì thôi, chưa thích thì chờ khi người khác thích, mình thích theo. Nhưng có một hiện tượng xảy ra ngay trong giới nhạc, mà tôi tạm gọi là sự kỳ thị thể loại, đôi khi còn bị kéo theo tính vùng miền, chẳng hạn suy nghĩ kiểu ông Nguyên Lê làm nhạc cho Tây nghe, kệ ông ấy, không việc gì phải học hỏi cả, hay mấy ông nhạc sĩ ngoài Bắc chuyên xài tiền nhà nước, tiền viện trợ của Tây làm mấy cái quái gở không ai nghe nổi, trong khi nhạc sĩ trong kia luôn biết hướng tới khán giả, v.v và v.v… đại loại như vậy. Anh tự thấy mình ở đâu giữa những luồng quan điểm này?
- Giữa nghệ sĩ với nhau đúng là vẫn có sự kỳ thị ẩn. Nhiều người làm nhạc đại chúng hay nhìn những người làm thử nghiệm như tôi, Kim Ngọc, Vũ Nhật Tân… như một bọn vớ vẩn, làm nhạc không ai nghe được thì làm làm quái gì. Biết thế nên tôi đã chủ động có những sự hợp tác, ngay từ hơn 10 năm trước, tôi đã mời các nghệ sĩ từ những môi trường khác nhau đến giao lưu âm nhạc với tôi, từ ca trù, dân gian, jazz, pop. Hiện tại tôi đang có dự án Trí Minh's Quartet kết hợp với các nghệ sĩ đàn dân tộc, tháng 9 này sẽ đi lưu diễn tại Mỹ. Ngoài ra, dự án Ambients from Hà Nội đang được đón nhận, là sự pha trộn giữa những gì dễ nghe nhất của nhạc điện tử với các nhạc cụ dân tộc, và cả ca sĩ nữa. Đó là hai thành công của tôi, bên cạnh một số hợp tác không thành do các bên chưa hiểu được nhau.
Tôi có chị bạn chơi thập lục rất nổi tiếng, chị Trà My. My có bà mẹ luôn thích đi xem con gái đàn, bà chỉ nghe nhạc cổ truyền, khi nghe tin con gái biểu diễn với tôi, bà bảo bọn này làm nhạc vớ vẩn bà không đi. Tôi muốn bà hiểu hơn những gì chúng tôi đang làm nên cố mời bà, coi như đào tạo khán giả. Xem xong về bà nói với con gái là “Tao không ngờ hay như thế, lần sau mày diễn với anh ấy thì bảo tao đi xem”. Nếu không có trải nghiệm thì không thể biết được và sẽ giữ mãi định kiến cũ.
* Người ta nhận thấy việc có một cái bóng quá lớn như Thanh Lam ở bên đã vô tình kích thích anh tìm một con đường riêng biệt, tách hẳn những gì thuộc về đại chúng. Nay, với những thành quả đã có, với thứ âm nhạc mang thương hiệu cá nhân đã rõ, anh có còn thấy mối liên hệ nào về âm nhạc giữa anh và Thanh Lam cũng như với ba mẹ anh?
- Với tôi mọi chuyện diễn ra rất tự nhiên, đúng là tôi không muốn chịu cái bóng của Thanh Lam, nhưng tôi cũng không cố bằng mọi giá phải tỏ ra khác người. Hiện tại những gì tôi đang làm thực ra đang đi ngang con đường mà Thanh Lam theo đuổi, cả hai chị em tôi lại đang hướng dần về những gì mà ba mẹ tôi đã gieo cho chúng tôi từ những ngày đầu biết đến âm nhạc, đó chính là âm nhạc dân tộc. Con đường đi của chúng tôi có thể khác, nhưng giá trị âm nhạc đó là duy nhất.
Theo NGUYỄN MINH
(Đẹp Online)