Chồng tôi có một cô bạn gái, tên Linh, biết nhau từ thuở nhỏ. Sau mấy lần ghen thử ghen thật không ăn thua, cô gái kia vẫn như tượng đài bất tử trong lòng chồng, tôi đành... mặc kệ, dù vẫn ấm ức, ghen tị, sau còn tò mò, không biết cô gái kia có gì mà chồng tôi không dứt ra được.
Linh nhỏ hơn chồng tôi hai tuổi, nhưng lớn hơn tôi ba tuổi, nên mặc nhiên chị gọi tôi là em, xưng chị. Thuở ấy, nhà Linh ở gần nhà chồng tôi. Họ đi học, đi chơi cùng nhau. Có người nói, hẳn họ yêu nhau, lập tức chồng tôi vênh mặt nhìn Linh: “Con gái thiếu gì, điên sao đi lấy nó”. Linh cũng không vừa: “Lấy ông đó về, ngày cãi nhau 80 trận”. Nay thì Linh có gia đình yên ấm với hai cô con gái. Trên trang cá nhân của Linh, đa phần là hình gia đình đi ăn uống, vui chơi. Trong phần bình luận, chồng Linh cũng xuất hiện và tất nhiên có cả chồng tôi. Họ nói chuyện có vẻ tự nhiên, đôi khi báng bổ, dìm hàng, khiến tôi phát ghen. Tôi thần người, sao họ có thể vui vẻ làm vậy, còn tôi bị gạt ra ngoài.
|
Ảnh minh họa |
“Không hiểu nữa, chỉ biết khi mệt mỏi, cần nói mà không phải nghĩ ngợi gì thì anh sẽ nhớ đến cô ấy” - chồng tôi giải thích. Tôi hờn dỗi, vậy vợ là gì mà không thể nói chuyện, chồng nhíu mày: “Có những chuyện, anh cảm thấy không nói với vợ được, sợ vợ lo lắng, rồi ảnh hưởng đến con hoặc cũng có những chuyện, anh không dám nói với vợ, sợ vợ tám năm sau còn lôi ra... nhai lỗ tai”. Tôi tủi thân, hóa ra chồng mình vẫn còn một góc khuất mà tôi không thể chạm đến.
Tôi nói, khi anh nói chuyện với Linh, liệu chồng Linh sẽ có cảm giác gì, nếu em cũng có một tri kỷ để cà phê lúc buồn, để ôm điện thoại tám bất chấp thì anh nghĩ sao. Chồng nhìn tôi: “Có sao đâu, vì ngoài gia đình, mỗi người cũng nên có bạn bè. Chồng cái Linh biết anh mà, và đó giờ anh ấy chưa từng ý kiến gì”. Tôi vớt vát: “Thế có bao giờ anh so sánh em với tri kỷ của anh và hối hận ngày đó không lấy nhau?”. Chồng nghiêm túc: “Chưa bao giờ”.
Tôi thua trắng. Không thể làm gì khiến mối quan hệ của họ lung lay hay nhiễm sắc màu không trong sáng. Tôi đã thử tham gia vào mối quan hệ đó, nhưng rồi chính tôi lại buộc mình phải lui ra, vì không muốn phải suy nghĩ, so bì rồi ghen tị. Có thể tôi ích kỷ, không muốn chia sẻ chồng mình với ai, nhưng tôi khó mà không cảm thấy gì khi chồng nhiệt tình quá đáng với người ngoài. Khi nhà bên ấy có chuyện gì, nhận được điện thoại là anh chạy vội đi; có khi tôi phải chạy theo đưa tiền cho anh.
Đợt chồng Linh bị tai nạn, chồng tôi mang hai đứa trẻ con họ về nhà tôi, cho Linh rảnh tay chăm chồng, rồi cũng chính chồng tôi chạy nhờ bác sĩ quen thăm khám cho chồng bạn. Bên đó xây nhà, chồng tôi tặng nguyên dàn máy móc phòng khách. Hồi ba chồng tôi mất, cả nhà bên đó về túc trực mấy ngày trời...
Nhưng tôi có thể làm gì khi suốt mấy chục năm là tri kỷ đó, chồng tôi vẫn thương yêu vợ con, tan sở là về nhà, lương đưa đủ cả tiền lẫn bảng lương. Khi đưa gia đình đi chơi xa, anh nhấc điện thoại, nói như ra lệnh: “Chiều chiều ghé qua nhà, cho con Tino của bà xã anh ăn, rồi dắt nó đi dạo chừng một tiếng nhé”. Tôi nghe bên kia có tiếng rít gào và chồng tôi cười ha hả. Đi chơi, tôi nói mua quà về cho vợ chồng Linh, anh nói để rủ sang nhà ăn cơm là được, chứ mua quà rồi mất công họ lại cho lại thứ gì đó, phiền.
|
Ảnh minh họa |
Tôi phải mổ khối u, chồng lại vướng chuyến công tác không thể bỏ. Tôi nói anh cứ đi, em nhờ mẹ. Chồng gãi đầu, nói thôi đừng gọi mẹ, kẻo mẹ lo, lại tàu xe tội nghiệp. Anh nhấc điện thoại gọi cho Linh. Cả vợ chồng Linh cùng vào. Linh thức đêm canh tôi, không nề hà bưng bô rửa ráy… trong khi anh chồng chạy vòng ngoài mua cơm nước và đưa đón hai đứa con tôi.
Tôi mệt, nên không nói chuyện được. Linh cũng ngồi yên tĩnh với quyển sách hoặc “báo cáo” tình hình cho chồng tôi và nhờ chồng mình làm gì đó. Thi thoảng, Linh thiếp đi vì mệt, tôi nói Linh về nhà nghỉ, nhưng Linh chỉ cười. Tôi đã lén ngắm Linh khi nhắm mắt vờ ngủ, lạ là những suy nghĩ tủi thân hay ghen tị bỗng tan biến. Chồng tôi coi Linh là tri kỷ, nhưng có khác gì một cô em gái, một “tay sai, đầy tớ”, như Linh vẫn đùa. Tự dưng, tôi ngưỡng mộ tình cảm của họ, cả với anh chồng Linh nữa. Phải hiểu nhau, thương quý nhau thế nào, họ mới có thể dành cho nhau những tình cảm trong sáng, vô tư đến thế.
Ra viện, tôi nói chồng mời gia đình Linh đến ăn cơm. Chồng gạt phăng: “Em còn yếu, để anh nói nhà bên đó nấu nướng rồi mình qua”. Tôi yếu ớt: “Sao làm vậy được, là mình cảm ơn anh chị ấy mà”. Chồng cười: “Cho người ta cơ hội đãi mình cũng là một cách cảm ơn đấy vợ ạ”. Lần này, tôi chỉ mỉm cười, thuận theo chồng. Lại ước, giá mình cũng có một tri kỷ như thế.
Thái Phan