Trị bệnh phụ khoa: ‘Người thường’ miễn phí, hiếm muộn trả tiền

15/06/2018 - 07:15

PNO - Cũng là bệnh phụ khoa như u nang buồng trứng, viêm tắc vòi trứng; nhưng nếu gắn với chữ “hiếm muộn” phía trước thì bệnh nhân không được bảo hiểm y tế thanh toán.

 Phải giấu chữ “hiếm muộn” để được thanh toán

Phản ảnh đến Báo Phụ Nữ, chị N.T.T.D. (37 tuổi, nhà ở Quận 6, TP.HCM) cho biết sau 1 năm kết hôn, chị vẫn không mang thai nên đến Bệnh viện Hùng Vương thăm khám. Các bác sĩ cho biết chị bị u nang buồng trứng, và u này gây ra tình trạng khó có con. Các bác sĩ chẩn đoán: “Hiếm muộn – u nang buồng trứng”, và chỉ định mổ “Nội soi khảo sát hiếm muộn  - bóc u nang buồng trứng”. Sau khi được tư vấn, chị đồng ý hẹn ngày giờ để thực hiện ca mổ.

Tri benh phu khoa: ‘Nguoi thuong’ mien phi, hiem muon tra tien
 

Thế nhưng, trong lúc xin nghỉ phép ở công ty, một đồng nghiệp của chị D. cho biết trước đây từng điều trị u nang buồng trứng ở Bệnh viện Hùng Vương và được bảo hiểm y tế thanh toán bình thường, nhưng nghe nói là nếu hiếm muộn do u nang buồng trứng gây ra thì bảo hiểm y tế không thanh toán.

Thấy lạ, chị D. quay lại Bệnh viện Hùng Vương để tìm hiểu chi phí cho ca mổ thì được các cô điều dưỡng tư vấn: nội soi bóc u nang buồng trứng sẽ được thanh toán bảo hiểm y tế, nhưng nếu cần giải quyết bệnh lý này để có con thì bảo hiểm y tế không thanh toán. Do đó, với người bệnh hiếm muộn khi mổ nội soi khảo sát hiếm muộn có bóc tách u nang buồng trứng phải tự thanh toán viện phí.

Không tin vào quy định phi lý này, chị D. sang Bệnh viện Từ Dũ và nhiều bệnh viện tư khác đều được giải thích giống như Bệnh viện Hùng Vương. Chị D. bức xúc: “Tôi làm nhân viên văn phòng, lương 8 triệu đồng/tháng nên chi phí 3 – 5 triệu đồng thực hiện nội soi bóc tách u nang buồng trứng với tôi rất lớn.

Thà bảo hiểm y tế không thanh toán chung cho tất cả các trường hợp u nang buồng trứng, chứ chỉ vì u nang buồng trứng khiến tôi không đẻ được mà không thanh toán thì rõ ràng chính sách bảo hiểm y tế đang đi ngược lại tính nhân đạo”.

Tri benh phu khoa: ‘Nguoi thuong’ mien phi, hiem muon tra tien
 

Một bác sĩ đã có thời gian làm việc lâu năm tại Bệnh viện Từ Dũ chia sẻ: “Hiện tại, chẩn đoán nào của bác sĩ có liên quan đến 2 từ “hiếm muộn” thì người bệnh đều không được bảo hiểm y tế thanh toán, dù nguyên nhân hoàn toàn thật sự do có bệnh lý phụ khoa gây ra.

Đơn cử nguyên nhân hiếm muộn do tắc vòi trứng là gặp nhiều nhất. Các bệnh nhân này thường bị áp xe (ứ mủ) phần phụ, hoặc viêm nhiễm phụ khoa đưa đến di chứng tắc vòi trứng. Khi nội soi khảo sát hiếm muộn và thông vòi trứng bị tắc, nếu người bệnh đó có chẩn đoán được ghi có 2 chữ “hiếm muộn” mở dầu thì bệnh nhân đó sẽ không được thanh toán”.

Các bệnh viện cho biết, chính bảo hiểm y tế phi lý nên các bác sĩ khi gặp những trường hợp này đều tìm cách lách luật. Một bác sĩ bức xúc: “Bảo hiểm y tế không công tâm nên các bác sĩ phải thay đổi cách dùng từ ngữ hoặc phải dùng từ “đao to búa lớn” để người bệnh được bảo hiểm y tế thanh toán.

Tri benh phu khoa: ‘Nguoi thuong’ mien phi, hiem muon tra tien
 

Bác sĩ lách luật bằng cách, nếu gặp bệnh nhân điều trị hiếm muộn do u nang buồng trứng, thay vì bác sĩ chẩn đoán “Hiếm muộn – do u nang buồng trứng “ và có chỉ đinh “khảo sát hiếm muộn – bóc u nang buồng trứng” sẽ được chỉnh lại thành “U nang buồng trứng – Hiếm muộn (có nghĩa bệnh nhân không điều trị hiếm muộn cũng phải chữa u nang buồng trứng)" hoặc chắc ăn, các bác sĩ chỉ ghi “ U nang buồng trứng".

Với chiêu lách luật này, hiển nhiên, bệnh nhân hiếm muộn sẽ được thanh toán chi phí nội soi bóc tách u nang buồng trứng, riêng chi phí điều trị hiếm muộn khác, người bệnh sẽ tự chịu.

Hay như chẩn đoán “Hiếm muộn do tắc vòi trứng”, bác sĩ sẽ chỉnh thành dạng bệnh lý phụ khoa thông thường như: “Khối ứ dịch vòi trứng to” hoặc “Khối ứ dịch nhiễm trùng vòi trứng”…  Lúc này, người bệnh được ngầm hiểu là đang điều trị bệnh phụ khoa, chứ không liên quan đến nhu cầu điều trị hiếm muộn.

Tri benh phu khoa: ‘Nguoi thuong’ mien phi, hiem muon tra tien
 

“Bệnh viện lách luật là có lợi cho người bệnh, chứ không rút ruột bảo hiểm y tế. Nếu bệnh viện “chiếu” đúng luật sẽ quá thiệt thòi cho người bệnh, trong khi họ tham gia đóng bảo hiểm y tế liên tục, đều đặn, đàng hoàng mà không được hưởng chi trả sau điều trị.

Còn bản thân bác sĩ đứng ở giữa một bên tuân thủ quy định của bảo hiểm y tế, nhưng một bên phải bảo vệ quyền lợi của bệnh nhân, chứ bản thân bác sĩ không hưởng thêm quyền lợi gì cho cá nhân”, một bác sĩ trăn trở.

Tại sao Việt Nam chưa thanh toán cho bệnh nhân hiếm muộn

Thạc sĩ bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Tổng Thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM phân tích: "Rõ ràng hiếm muộn là bệnh nhưng không hiểu sao ở Việt Nam lại không xếp hiếm muộn vào nhóm bệnh, dù Bộ Y tế có mã số ICD bệnh cho hiếm muộn.

Tiến sĩ bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM cho biết, trước đây bảo hiểm y tế nói Việt Nam bùng nổ dân số nên việc điều trị hiếm muộn thanh toán BHYT là điều xa xỉ, nhưng vấn đề hiếm muộn giờ đây đã thay đổi.

Việt Nam sắp bước vào thời kỳ dân số già, các gia đình hiện chỉ đẻ 1-2 con, nhất là ở các thành phố lớn, tỷ lệ sinh quá ít. Điển hình như TP.HCM khuyến khích sinh đủ 2 con. Mặt khác, hiếm muộn không còn xa xỉ mà là bệnh và xác định là bệnh thì bảo hiểm y tế phải chi trả, chứ không lờ qua luôn.

Đặc biệt 10% dân số trong độ tuổi sinh sản gặp vấn đề hiếm muộn. Vấn đề không có con làm tăng tỷ lệ ly hôn, những bất đồng trong gia đình, dẫn đến những bạo hành trong xã hội thì đây là những vấn đề của xã hội, chứ không còn nằm trong giới hạn của mỗi gia đình.

Tri benh phu khoa: ‘Nguoi thuong’ mien phi, hiem muon tra tien
 

Theo bác sĩ Hồ Mạnh Tường, hiện các nước bắt đầu quan tâm đến người bệnh hiếm muộn. Tùy mỗi quốc gia mà có cách gọi khác nhau về chi phí hỗ trợ cho người hiếm muộn, có thể là bảo hiểm y tế hoặc phúc lợi xã hội…. Và các nước cũng có những chính sách rõ ràng, ví dụ như ở Bắc Âu, làm miễn phí nhưng không quá 40 tuổi vì khả năng thành công thấp hơn, và người lớn dễ tai biến hơn nên nhà nước không khuyến khích.

Tại Pháp, việc điều trị hiếm muộn bằng thực hiện thụ tinh ống nghiệm được bảo hiểm y tế thanh toán chi phí cho 2-3 chu kỳ, hoặc ở Úc là 3 chu kỳ, nếu không thành công thì những chu kỳ sau người bệnh sẽ tự trả. Ngay tại một số nước châu Á như Singapore trả 30-40%, Nhật, Hàn, Đài Loan, Malaysia cũng chính sách bắt đầu trả một phần, khuyến khích người dân sinh.

“Tôi không tham vọng bảo hiểm y tế chi trả hết cho bệnh hiếm muộn, nhưng có thể khống chế đối tượng như: gia đình chưa có con nào mà bị hiếm muộn, hoặc chỉ cần thanh toán chi phí xét nghiệm, khám bệnh hiếm muộn để người bệnh cảm thấy xã hội quan tâm, vì họ quá đau khổ rồi do hiếm muộn! Còn chi phí thực hiện thụ tinh ống nghiệm, thuốc có thể để người bệnh tự lo", bác sĩ Tuyết tâm tư.

Văn Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI