Lưng chừng tháng 5, khi kỳ thi cuối năm đã hoàn thành, phượng nở đỏ sân trường thì cũng là lúc các cấp học cuối hối hả chuẩn bị lễ tri ân.
Hai đứa con chị, một đứa lớp 9, một đứa còn tiểu học. Chủ nhật tuần rồi, lớp 9 đã có cuộc họp phụ huynh cuối năm. Lớp cuối cấp nên hầu như không phụ huynh nào dám vắng mặt. Một buổi họp chộn rộn và đầy âu lo xoay quanh việc chọn trường, chọn nguyện vọng để đăng ký cho con thi tuyển sinh lớp 10. Chộn rộn không kém nữa là việc trường sẽ tổ chức lễ tốt nghiệp và lễ tri ân cho khối 9.
|
Buổi lễ Tri ân thầy cô ấm áp của khối 9 trường THCS Hưng Bình - quận 9 - Ảnh: Đoàn Huy |
Đã từng đồng hành cùng con trong những buổi lễ tốt nghiệp từ cấp mầm non đến tiểu học, chị không lạ gì nữa. Nhưng rõ ràng, cảm xúc vẫn cứ như mạch ngầm âm ỉ chảy khi nhìn con hớn hở cầm tấm bằng tốt nghiệp, xúng xính trong bộ áo cử nhân. Cái bộ đồ đầy trang trọng đó thời của chị chỉ được mặc đúng một lần duy nhất khi kết thúc bậc Đại học. Vì vậy, bộ đồ cử nhân thời đó rất giá trị. Để được một lần khoác lên mình bộ đồ danh giá đó, mỗi cá nhân phải nỗ lực hết sức mình.
Cái thời khốn khó, nếu chỉ cắm đầu học thôi thì có lẽ nhiều sinh viên khó khăn đã bỏ cuộc giữa chừng. Vậy là, một thời rộ lên phong trào sinh viên đi làm thêm để nuôi tiếp ước mơ bám trụ giảng đường đại học. Nhiều “nghề” của sinh viên ra đời: gia sư dạy kèm tại nhà, tiếp thị hàng hóa, phục vụ quán ăn, quán cà phê, giữ xe…Những sinh viên từng khao khát được mặc bộ đồ cử nhân hầu như ít nhiều đều trải qua những “nghề” như vậy, song song với việc học. Vì vậy, bộ đồ cử nhân ấy vô cùng giá trị.
Thời của con, có vẻ như được mặc bộ đồ này dễ dàng hơn, mỗi cấp được khoác lên một lần, nhưng con vẫn giữ được nỗi háo hức mong chờ. Nó như một bằng chứng cho thấy con đã nỗ lực hết sức trong học tập. Và bây giờ là khoảnh khắc con xứng đáng được tận hưởng điều đó.
|
Đây là dịp để các con gửi lời tri ân đến ba mẹ - người đã nuôi dưỡng suốt bao nhiêu năm trời... - Ảnh: Đoàn Huy |
Rồi buổi lễ cũng diễn ra, gần gũi, ấm áp và xúc động. Tình cảm bạn bè của tất cả các con, những người bạn từng trải qua chừng đó buồn vui suốt 4 năm cấp II đều thể hiện hết trong những giây phút tổng kết năm cuối cấp này. Có thể khi có mặt phụ huynh, các con có chút ngại ngùng. Nhưng những ánh mắt nhìn nhau trìu mến, tinh nghịch, hồn nhiên đó chắc chắn sẽ khiến các con vui vẻ, tự hào về quãng đời học sinh tươi đẹp nhất của mình mỗi khi nhớ về.
Chị nhìn thấy đâu đó trong mắt các con nỗi bịn rịn, dù thoáng qua. Các con lo lắng cho năm học tới. Sau kì thi tuyển sinh cực kỳ quan trọng này, chưa chắc các con được ngồi cùng một lớp khi sang một ngôi trường cấp 3 mới. Các con đều phải học cách bắt đầu lại, từ bạn bè mới, trường mới, thầy cô giáo mới, chương trình học mới…Vậy thì, buổi lễ tốt nghiệp và tri ân này cũng là để các con kịp bày tỏ những thương yêu quý mến với bạn mình, trước khi nói lời tạm biệt.
Sau những điều biết ơn mà các con tranh thủ bày tỏ với thầy cô giáo của mình, những bàn tay đã dìu dắt các con suốt 4 năm, để có được ngày vui hôm nay, mọi thứ như vỡ òa ra, đầy cảm xúc. Chị cảm ơn cô giáo của con, không quên chúc mừng con đã học thật tốt.
Điều mà chị muốn nói với con mình nhất đó là: tri ân là một sự biết ơn cao cả với những người đã ở bên cạnh mình. Nhưng con biết không, tri ân đâu phải chỉ vào một ngày này. Với thầy cô giáo – một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy. Với cha mẹ - đây chính là những người mà con cần tri ân đến suốt đời.
Thật ra, những bậc cha mẹ thương con sẽ chẳng bao giờ kể công với con cái. Nhưng một khi con đã khoác được lên mình bộ đồ cử nhân kia, con cần phải hiểu ai đã chẳng quản khó nhọc để giúp con chạm vào điều đẹp đẽ đó.
|
Các con sẽ nhớ cô rất nhiều... Clip: Đoàn Huy |
Chị kể con nghe về những thầy cô giáo cũ của mình. Một người thầy dạy chị từ lớp 5, đến bây giờ, sau mấy chục năm thầy trò vẫn liên lạc với nhau, vẫn quý nhau như thuở nào. Thậm chí, hồi đám cưới chị, thầy có mặt, đám cưới thầy, vợ chồng chị cũng đến chúc mừng thầy. Cách đây 2 năm, ba chị mất, thầy cũng đến viếng ông thành kính. Năm rồi thầy về miền Trung sinh sống, nhưng chị vẫn luôn nhớ thầy, thỉnh thoảng vẫn nhắn tin thăm hỏi, chuyện trò. Còn những thầy cô khác lớn tuổi hơn thì đã về hưu và mất liên lạc nên chị không có tin tức. Nhưng cuốn sổ lưu bút của mấy chục năm trước chị vẫn giữ, thỉnh thoảng lật ra xem lại chữ ký, mấy dòng bút tích dặn dò trìu mến của thầy cô cũ mà rưng rưng nhớ…
Chị nhắc con hãy giữ liên lạc với thầy cô giáo mình. Thời buổi bây giờ, sau khi ra trường, muốn đến thăm lại thầy cô dễ lắm, hoặc đến nhà, hoặc về lại trường. Nhưng quan trọng là tụi con có nhớ để về thăm lại thầy cô không? Tri ân - là để mãi sự biết ơn đó trong tim mình, chứ không phải chỉ là một hình thức của buổi lễ gấp gáp nhanh gọn qua loa mà trường nào cũng buộc phải tổ chức cho đúng quy trình thế kia. Hình thức là một lẽ. Nhưng lẽ khác đẹp đẽ hơn, cao cả hơn chính là tri ân bằng cả tấm lòng mình, con ạ!
Trần Huyền Trang