Sáng 30/1 (28 Tết Âm lịch), Thành ủy TPHCM đã tổ chức buổi Họp mặt tri ân các cá nhân, đơn vị tiêu biểu tham gia vận chuyển cấp cứu người bệnh COVID-19 trên địa bàn TPHCM dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên.
Năm 2021 là năm TPHCM đã trải qua những ngày tháng lịch sử khó quên trong phòng, chống COVID-19. Đỉnh điểm là giai đoạn giữa tháng 7 đến giữa tháng 9 khi dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước; Thành ủy, UBND TPHCM đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 như tổ chức xét nghiệm thần tốc truy vết F0, chương trình tiêm vắc xin ngừa COVID-19 lớn nhất chưa từng có tiền lệ, thiết lập hàng loạt các bệnh viện dã chiến, trạm y tế lưu động... Tất cả các biện pháp chống dịch đều lấy người dân làm trung tâm, nỗ lực hết sức để bảo vệ tính mạng và chăm sóc sức khỏe cho người dân.
|
Trong giai đoạn cao điểm của dịch COVID-19 tại TPHCM, lực lượng tài xế xe cứu thương đã âm thầm chiến đấu, giành giật từng mạng sống cho người dân |
Một trong những biện pháp quan trọng không thể thiếu, đó là thiết lập mạng lưới vận chuyển cấp cứu người bệnh COVID-19 với sự chung sức của các bệnh viện bộ, ngành, Trung ương; bệnh viện công lập, tư nhân; các cá nhân, đơn vị thiện nguyện... Từ đó có các chuyến xe cấp cứu nghĩa tình, những câu chuyện, những hình ảnh cao đẹp của lực lượng tài xế xe cứu thương chạy đua với tử thần, cấp cứu người F0 trước làn ranh sanh tử một cách nhanh chóng nhất, kịp thời nhất và hiệu quả nhất.
Tổng kết giai đoạn “chiến đấu” ròng rã với COVID-19, bác sĩ Trần Duy Long - Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 TPHCM cho biết từ những ngày đầu chống dịch của mùa xuân 2020, Trung tâm Cấp cứu 115 với vai trò mũi nhọn có nhiệm vụ quan trọng trong công tác tiếp nhận, chăm sóc can thiệp ban đầu và vận chuyển người bệnh thông qua hai bộ phận chuyên môn chính đó là Tổng đài điều phối 115 tiếp nhận cuộc gọi khẩn cấp từ người dân, phân loại, sàng lọc và tư vấn hỗ trợ người bệnh trong thời gian đợi lực lượng y tế cấp cứu ngoài bệnh viện tiếp cận. Ê-kíp cấp cứu ngoài bệnh viện bao gồm nhân viên y tế và các anh em tài xế, nhanh chóng tiếp nhận thông tin, tiếp cận người bệnh và thực hiện nhiệm vụ chăm sóc cấp cứu, chuyển người bệnh đến bệnh viện điều trị phù hợp.
“Cuộc chiến sinh tử với đợt dịch lần thứ 4 vừa qua, từ tháng 6 đến tháng 10/2021 đã phần nào vẽ nên bức tranh toàn cảnh của đại dịch tại TPHCM với trung bình 4.000 cuộc gọi cấp cứu mỗi ngày gấp hơn 30 lần ngày thường”, bác sĩ Long cho biết.
|
Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên gửi lời tri ân sâu sắc đến với tất cả tài xế xe cứu thương đã nỗ lực cứu người bệnh trong thời gian qua |
Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ: “Hôm nay, một lần nữa chúng ta hãy lắng đọng, tưởng nhớ người đã mất trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, trong đó có đồng chí Phan Thành Minh Nhựt lái xe cứu thương của Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM. Đặc biệt là những thước phim, lời kể chân thực về những kỷ niệm, những ấn tượng rất mộc mạc, rất đơn sơ nhưng vô cùng xúc động. Các tài xế đã nghĩ và làm rất nhiều điều quan trọng, cứu được nhiều người”.
Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, trong giai đoạn dịch COVID-19 phức tạp, nhiều mô hình hoạt động vận chuyển cấp cứu đã liên tiếp ra đời như mô hình hỗ trợ cấp cứu, chuyển viện bằng taxi của Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh, Phương Trang, Hoàn Mỹ, Ánh Dương Việt Nam, cấp cứu 115 xuyên Việt, 115 Sài Gòn và đặc biệt các nhóm thiện nguyện trao oxy, trao sự sống, bệnh viện tại nhà,... và còn rất nhiều các tổ chức, cá nhân tham gia chống dịch.
Bí thư Thành ủy chia sẻ: “Có thể chúng ta hình dung và cảm thấu được nghề lái xe quan trọng như thế nào trong cấp cứu, đặc biệt trong những lúc khó khăn, hiểm nghèo trước đại dịch. Có lẽ có hàng ngàn tình huống khác nhau, mỗi tình huống là một câu chuyện về tình người, một thử thách nghiệt ngã đối với lòng trắc ẩn, của ứng xử giữa làn ranh sinh tử, của lương tâm từ bao chiến sĩ lái xe.
Các lái xe không còn do dự, không né tránh mà chọn lựa sự mạo hiểm, sẵn sàng chấp nhận những rủi ro sẽ ập đến bất cứ lúc nào. Các anh đã từng làm thay cho các bác sĩ trong tư vấn tâm lý cho thân nhân bệnh nhân để chăm sóc, sẻ chia, động viên, hỗ trợ người bệnh lúc cô đơn, hoang mang chưa biết điều gì sẽ xảy ra”.
|
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục rà soát danh sách lực lượng tình nguyện lái xe để có hình thức tri ân phù hợp, cố gắng không để sót ai |
Bên cạnh đó, có nhiều lái xe không may đã trở thành F0, nhưng khi hết bệnh lại xin tiếp tục lao vào cuộc chiến, âm thầm cùng với đoàn quân có mặt khắp các nẻo đường, trên từng cây số, lặng lẽ suốt ngày đêm. Họ đã nỗ lực, kiên nhẫn, chịu đựng, chờ đợi từng cuộc gọi để cứu người. Có khi người bệnh khủng hoảng, chờ đợi, bức xúc nên có lời lẽ, thái độ rất tệ với lái xe, nhưng các anh đã cảm thông và càng cố gắng hơn để vượt qua.
Ngoài ra, các anh còn chở những người đã mất, tro cốt đưa nạn nhân về với gia đình. Đã có những giọt nước mắt xen lẫn mồ hôi ướt đẫm bộ đồ bảo hộ, các anh là những người bình thường nhưng có suy nghĩ và hành động rất đáng quý. Đảng bộ và nhân dân TPHCM xin trân trọng và tri ân tất cả các chiến sĩ lái xe kiên cường, quả cảm, đã cống hiến và góp phần rất quan trọng trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch vừa qua.
Bí thư Nguyễn Văn Nên xúc động: “Tôi xin đại diện cho hàng trăm ngàn gia đình bị nhiễm COVID-19 bày tỏ lòng biết ơn các chiến sĩ dũng cảm đã nỗ lực tối đa, bằng mọi cách để sẻ chia, hỗ trợ, cứu giúp mình và người thân của mình trong cơn hoạn nạn. Tôi cũng chân thành cảm ơn các tổ chức cá nhân, trong đó có những tổ chức cá nhân thiện nguyện, cảm ơn và tri ân tất cả tinh thần thiện nguyện.
Tôi đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục rà soát danh sách lực lượng tình nguyện lái xe để có hình thức tri ân phù hợp, cố gắng không để sót ai”.
Phạm An