Sau khi dâng hương tại Lăng Trường Thái, đoàn hành lễ đã đến dâng hoa tri ân Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát tại Triệu Tổ Miếu (Hoàng thành, thành phố Huế). Đây là hoạt động nhằm tri ân các vị tiền nhân, tôn vinh nét đẹp truyền thống của áo dài Huế.
Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765) là vị chúa Nguyễn thứ tám trị vì Đàng Trong từ năm 1738 đến 1765. Thời Chúa trị vì, đất đai, điền thổ được mở mang, góp phần hoàn thành công cuộc Nam tiến của dân tộc. Lãnh thổ Việt Nam đến thời điểm này về cơ bản đã được định hình xong.
|
Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thắp hương thành kính tri ân Chúa Nguyễn Phúc Khoát tại Lăng Trường Thái, làng La Khê, xã Hương Thọ (Thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) |
Đặc biệt, Chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ban hành quy định nhằm định chế lại chế độ y quan trong triều chính, trong đó có quy định về chiếc áo dài của cả nam lẫn nữ để phân biệt y phục giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài. Trong sách Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn nhận xét: “Chúa Nguyễn Phúc Khoát đã viết những trang sử đầu cho chiếc áo dài như vậy”.
Ngày 7/7/1765 (20 tháng 5 Ất Dậu), Chúa Nguyễn Phúc Khoát qua đời, thọ 51 tuổi. Ông được táng tại Lăng Trường Thái, làng La Khê, Hương Thọ, Hương Trà, Thừa Thiên - Huế.
|
Đại diện Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế thành kính tri ân |
|
Một góc Lăng Trường Thái, làng La Khê, xã Hương Thọ |
Trong bài viết "Thay đổi trang phục dưới thời Vũ Vương hay là sự khủng hoảng về tôn giáo vào thế kỷ 18" đăng trên tập san Những người bạn Cố đô Huế (BAVH, 1915), Linh mục L.Cadière dẫn lời của Johannis Koffler: "...Chính vì lời tiên tri đó mà Võ vương và người dân bắt đầu hình thành một kỷ nguyên mới”.
|
Ông Võ Lê Nhật - Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế dâng hương tại Triệu Tổ Miếu - Đại Nội Huế |
Từ cuộc cải cách trang phục, Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát đã đặt nền tảng đầu tiên cho sự ra đời của chiếc áo dài ngũ thân truyền thống. Từ đó, chiếc áo dài được chú trọng, trân quý và trở thành trang phục chính thức của người dân cả nam lẫn nữ ở vùng đất Đàng Trong.
Bên cạnh đó, với quan điểm thống nhất, tự chủ về mặt văn hóa ở phương diện trang phục, vua Minh Mạng (1820-1841) đã ban hành nhiều quy định thay đổi trang phục để tạo ra sự thống nhất giữa hai miền Nam, Bắc.
Từ chiếc nôi ở Huế, áo dài Việt Nam trở thành một biểu tượng về bản sắc văn hóa của trang phục Việt, vừa trang trọng, vừa mang tính độc đáo.
Với riêng xứ Huế, áo dài còn mang theo một quá khứ vàng son, một kiểu cách rất riêng của vùng đất kinh kỳ. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, ngoài đặc điểm chung của áo dài Việt Nam, áo dài xứ Huế còn có những đặc trưng riêng: “Áo dài năm thân hay còn gọi là áo ngũ thân, với ý nghĩa tượng trưng cho đạo lý cao đẹp của con người: bốn thân áo của vạt trước, vạt sau tượng trưng cho “tứ thân phụ mẫu”, thân trong tượng trưng cho người con…”.
Từ thời điểm này, áo dài năm thân, cổ đứng chít 5 khuy bên phải kèm với cái quần hai ống được chính thức công nhận là quốc phục của nước Đại Nam, phổ biến từ trong cung đình ra đến dân gian, nổi tiếng với câu ca dao: “Tháng Tám có chiếu vua ra/ Cấm quần không đáy, người ta hãi hùng/ Không đi thì chợ không đông/ Đi thì bóc lột quần chồng sao đang?”
Ở các vùng miền trong nước, áo dài thường là lễ phục. Riêng với Huế, áo dài vừa là một phần trong lễ phục, vừa là y phục thường ngày. Có một thời, áo dài luôn gắn liền với sinh hoạt của người Huế, tùy từng đối tượng, hoàn cảnh mà có những biến cách khác nhau. Trong cung, vua mặc áo dài khi đọc sách, ăn cơm...; phi tần cung nữ khi ngủ vẫn mặc áo dài. Ngoài dân gian, thầy đồ và học sinh đều mặc áo dài khi học tập; trong nhà, người lớn mặc áo dài khi tiếp khách, đi chợ, bán hàng, chèo đò trên sông…
Họa sĩ Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đình làng Việt đề xuất, với vị thế là quê hương của áo dài, Thừa Thiên - Huế cần có biện pháp phục hồi nghề may áo dài ngũ thân, hình thành đội ngũ nghệ nhân lành nghề để tên tuổi, sản phẩm của họ gắn chặt với thương hiệu Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam; tổ chức cuộc thi thiết kế áo dài hiện đại; vận động cán bộ, công chức, viên chức mặc trang phục áo dài tại các không gian nghi lễ và không gian văn hóa truyền thống...
Một số hình ảnh diễu hành áo dài, dâng hoa để tri ân Chúa Nguyễn Phúc Khoát - người có công khai sinh ra áo dài Việt Nam:
|
Đoàn diễu hành áo dài đi qua Đại Nội |
|
Rồi tiến về Triệu Tổ Miếu - Đại Nội để dâng hương tưởng nhớ Chúa Nguyễn Phúc Khoát |
|
Trình diễn những bộ áo dài đẹp mắt |
|
Đây là lần đầu tiên tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức tri ân Chúa Nguyễn Phúc Khoát, người có công khai sinh ra áo dài Việt Nam |
|
Độc đáo bộ sưu tập áo dài cung đình |
|
Huế tự hào là nơi khai sinh chiếc áo dài Việt Nam |
|
Đoàn nữ cán bộ Trung tâm BTDTCĐ Huế |
|
Đoàn diễu hành áo dài, dâng hương tri ân Chúa Nguyễn Phúc Khoát |
|
Vào cửa Hiển Nhơn để tiến về Triệu Tổ Miếu |
|
Những năm trở lại đây, cố đô Huế luôn chú trọng tổ chức nhiều lễ hội, hoạt động để tôn vinh áo dài Việt |
|
Bộ sưu tập áo dài cung đình của nhà thiết kế Viết Bảo |
Thuận Hóa