Tuyến lửa 1C - Huyền thoại dệt nên từ những bờ vai con gái - Bài cuối:

Tri ân người nằm xuống

27/07/2024 - 06:22

PNO - “399 cô gái, chàng trai đã nằm lại trên tuyến đường 1C. Những người may mắn còn sống đa phần chỉ mới học xong lớp Một, lớp Hai, có người còn chưa biết chữ, đời sống còn nhiều khó khăn. Nếu bỏ quên họ, tôi thấy mình có tội” - ông Trần Thiện Hà - Ủy viên thường trực Ban Liên lạc Cựu cán bộ Đoàn Thanh niên Việt Nam phía Nam - trăn trở.

Nghĩ đến đồng đội hy sinh là khóc

Ngày 11/7 vừa qua, như bao lần về viếng đền thờ anh hùng liệt sĩ, lực lượng vũ trang nhân dân, thanh niên xung phong (TNXP) đã hy sinh trên đường 1C (tại ấp Tà Êm, xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang), ông Trần Thiện Hà đã lưu lại rất lâu trong căn phòng truyền thống, nơi trưng bày những kỷ vật gắn liền với lực lượng TNXP trong những năm làm nhiệm vụ trên tuyến đường này.

Với ông, mỗi hiện vật đều mang một câu chuyện gắn với những con người nhỏ bé, bình dị nhưng đã bước vào cuộc chiến một cách phi thường. Thời gian qua, cùng với Ban Liên lạc Cựu cán bộ Đoàn, ông Hà đã cất công sưu tầm gần 40 hiện vật đưa về đền thờ với mong muốn làm dày lên những giá trị lịch sử có phần bị vùi lấp hơn 40 năm qua. “Càng đi, tôi càng thấy mình cần có trách nhiệm nhiều hơn với những người đã nằm xuống” - ông Hà bộc bạch.

Ông Trần Thiện Hà (thứ ba từ phải sang) trao di ảnh phục chế của liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Ngọc Đẹp cho em trai nữ liệt sĩ
Ông Trần Thiện Hà (thứ ba từ phải sang) trao di ảnh phục chế của liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Ngọc Đẹp cho em trai nữ liệt sĩ

Từ Kiên Giang trở lại TPHCM chưa được 1 tuần, ông liền về huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau với 2 bức di ảnh phục chế chân dung của 2 nữ liệt sĩ TNXP, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Hồng Láng và Nguyễn Ngọc Đẹp.

Nhận di ảnh của người chị gái đã hy sinh hơn 50 năm trước, ông Nguyễn Văn Út - em trai liệt sĩ Nguyễn Ngọc Đẹp - rưng rưng. Ông Út kể, ngoài liệt sĩ Nguyễn Ngọc Đẹp, mẹ ông còn 2 người con khác cũng hy sinh vì Tổ quốc.

Nhìn di ảnh liệt sĩ Nguyễn Ngọc Đẹp đặt trên bàn thờ tựa vào bức tường loang lổ, ông Hà tâm sự: “399 cô gái, chàng trai đã nằm lại trên tuyến đường 1C. Những người may mắn còn sống đa phần chỉ mới học xong lớp Một, lớp Hai, có người còn chưa biết chữ, đời sống còn nhiều khó khăn. Nếu bỏ quên họ, tôi thấy mình có tội”.

Từng làm nhiệm vụ trên đường 1C và trải qua biết bao trận càn của địch, ông Cao Long Phiêu - nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội 9, Trung đội 2, Đại đội Nguyễn Việt Khái 3 - vẫn canh cánh nỗi lòng mỗi khi nghĩ đến những người đồng đội đã gửi thân nơi những bờ lau lách. Ông nói, sau ngày đất nước giải phóng, các đơn vị TNXP giải thể, một số đội viên chuyển qua bộ đội về hoạt động tại địa phương, tập trung xây dựng, kiến thiết đất nước.

Không nỡ để đồng đội đã nằm xuống phải lạnh lẽo nơi bưng đồng, ông cùng một số cựu đội viên TNXP là bà Đoàn Thị Hồng Thắm, Lâm Thị Minh Tâm, Lê Thị Út Mãnh, Tô Thị Tuyết Thu… đã cùng nhau đi tìm hài cốt đồng đội. Nguyện vọng đó được Quân khu 9 và Tỉnh ủy Kiên Giang tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí.

Từ 1997-2001, họ đã quy tập được hơn 60 bộ hài cốt nằm cặp sông Vĩnh Tế, Gộc Xây, ngã ba Đầu Trâu… Kể lại chuyện cũ, ông bật khóc: “Có đêm, 16 đội viên, 4 nam, 12 nữ, đóng quân ở cánh đồng Nam Thới Sơn thì bị địch phát hiện, bắn chết cả 16 người. Sau ngày giải phóng, dân đi đào chuột đã đào trúng mồ chôn liệt sĩ làm xương cốt đồng đội phơi trên bờ. Đáng buồn là nhiều thân xác đồng đội mình vẫn chưa tìm thấy. Chiến tranh, khói lửa đạn bom không làm tôi khóc, vậy mà đất nước hòa bình rồi, cứ nghĩ đến đồng đội cũ là không kìm được nước mắt”.

Còn chút phù sa cũng gắng bồi…

“Vậy là hôm nay, khát vọng kéo dài non nửa thế kỷ đã trở thành hiện thực” - ông Nguyễn Hữu Châu - nguyên phát thanh viên Đài Tiếng nói Giải phóng Nhân dân miền Nam - xúc động khi dự lễ khánh thành đền thờ anh hùng liệt sĩ, lực lượng vũ trang nhân dân và TNXP hy sinh trên tuyến đường 1C diễn ra vào ngày 27/4/2024.

Cùng với ngôi đền tôn nghiêm được xây dựng trong khuôn viên hơn 7.000m2, bia tưởng niệm TNXP tuyến đường 1C do Tỉnh đoàn Kiên Giang xây dựng năm 1997 cũng được trùng tu, tôn tạo. Cùng chung niềm xúc động ấy, ông Trần Văn Mãnh - nguyên Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP - khẳng định: “Tôi mãn nguyện rồi. Niềm vui này sẽ giúp tôi sống hơn 10 năm nữa”.

Những nữ thanh niên xung phong đường 1C xúc động gặp lại nhau tại lễ khánh thành đền thờ anh hùng liệt sĩ, lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong hy sinh trên tuyến đường 1C
Những nữ thanh niên xung phong đường 1C xúc động gặp lại nhau tại lễ khánh thành đền thờ anh hùng liệt sĩ, lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong hy sinh trên tuyến đường 1C

Nhiều cựu đội viên TNXP từng làm nhiệm vụ trên tuyến đường 1C cũng có mặt để thắp nén hương tưởng nhớ những người đồng đội. Tiến sĩ Lê Hồng Liêm - Chủ nhiệm Ban Liên lạc Cựu cán bộ Đoàn Thanh niên Việt Nam phía Nam - lặng lẽ rất lâu trước bia liệt sĩ. Vậy là các đồng chí, đồng đội đường 1C bao năm nằm trong những ngôi mộ gió, sống bờ ngủ bụi đã có nơi thờ phượng và nỗi niềm trong ông đã vơi đi.

Ông Liêm chia sẻ, ngôi đền là kết quả bước đầu trong hành trình làm sống lại câu chuyện lịch sử của tuyến đường 1C mà ông và các thành viên Ban Liên lạc Cựu cán bộ Đoàn Thanh niên Việt Nam phía Nam tâm huyết bấy lâu.

Trước đó, từ sự “rủ rê” của ông Lê Trí Dũng - nguyên Trưởng ban Thiếu nhi, Ban Liên lạc Khu đoàn Tây Nam Bộ - ông Lê Hồng Liêm đã về tham dự buổi họp truyền thống Ban Liên lạc tại Bạc Liêu và được gặp lại những người ở tuyến đầu phong trào thanh niên miền Tây Nam Bộ. Sau đó, Ban Liên lạc Khu đoàn Tây Nam Bộ và Ban Liên lạc Cựu cán bộ Đoàn phía Nam đã tổ chức “Hành trình về với đường 1C huyền thoại”, đến từng địa danh lịch sử để nghiên cứu, tìm hiểu và nhận thấy nơi đây thực sự là huyền thoại, là tài sản vô giá của dân tộc.

Từ đó, những buổi tọa đàm về đường 1C cùng những nhân chứng lịch sử khắp nơi đã được tổ chức với sự “tiếp sức” của hơn 50 tờ báo. Những chuyến về với Kiên Giang của Ban Liên lạc Cựu cán bộ Đoàn ngày càng nhiều hơn. Ngày 8/12/2023, Tỉnh ủy Kiên Giang ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng khu tưởng niệm đường 1C huyền thoại và ngôi đền đã hoàn thành sau hơn 4 tháng thi công.

Không dừng lại ở đó, Ban Liên lạc Cựu cán bộ Đoàn đã tiếp tục triển khai trang web số hóa đường 1C, cử một số thành viên đi nghiên cứu mô hình giáo dục truyền thống ở nhiều nơi và tiếp tục hỗ trợ huyện Giang Thành trong việc sưu tầm hiện vật và phát huy giá trị đền thờ. “Mong muốn thiết tha của anh chị em Ban Liên lạc là làm sao tiếp tục phát huy giá trị lịch sử, ý nghĩa của tuyến đường 1C. Trong khả năng còn lại của mình, chúng tôi sẽ cố gắng trên tinh thần “Dẫu không hơi sức khơi dòng thẳng/ Còn chút phù sa, cũng gắng bồi!”. Chúng tôi cũng mong các thế hệ lãnh đạo, thanh niên địa phương quan tâm hơn để di tích sống mãi với thời gian, trở thành điểm hẹn của nhân dân, đặc biệt là tuổi trẻ Tây Nam Bộ và cả nước” - ông Lê Hồng Liêm tâm huyết.

Lan tỏa giá trị lịch sử đường 1C: dù muộn nhưng cần làm

Tôi biết về tuyến đường 1C khi vào sinh hoạt với Ban Liên lạc Cựu cán bộ Đoàn Thanh niên Việt Nam phía Nam. Đó là một con đường có khi trên bộ, có lúc dưới sông, giặc chặn ngả này ta tìm ngả khác. Càng tìm hiểu, tôi càng xúc động khi biết gần 400 đội viên TNXP đã hy sinh một cách lặng lẽ để bảo vệ tuyến đường.

Là đội viên TNXP sau khi đất nước thống nhất, tôi có điều kiện tham gia chiến trường biên giới Tây Nam, cũng hiểu được chiến tranh, được ngửi mùi thuốc súng, nên hiểu được sự hy sinh của đồng đội. Tinh thần xung phong của các thế hệ thanh niên dường như xuyên suốt thời kỳ chống Pháp đến chống Mỹ, và cần được kế thừa, nối tiếp qua nhiều thế hệ. Bởi thế, việc lan tỏa giá trị lịch sử tuyến đường 1C hiện nay dù muộn nhưng là điều cần làm.

Bà Thái Thị Hạnh - nguyên Tổng đội phó Tổng đội 3 biên giới,
Thanh niên xung phong TPHCM

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI