Một cuộc đời “đau thương và vỡ mộng”
Dazai Osamu (1909-1948) thuộc thế hệ nhà văn có khuynh hướng nổi loạn và tự hủy sau Thế chiến thứ hai. Tác phẩm của ông cũng như những cuộc tự thuật về chính cuộc đời mình - một cuộc đời mà dịch giả Hoàng Long gọi đó là “đau thương và vỡ mộng”. Thất lạc cõi người là tiểu thuyết tự truyện, phơi bày những ngóc khuất trong cuộc đời lạc loài, bi thương của nhà văn trước hiện thực. Tác phẩm đã được dựng thành phim, chuyển thể thành truyện tranh và cuộc đời của Dazai Osamu cũng đã lên màn ảnh.
|
Chân dung nhà văn Dazai Osamu. Ảnh tư liệu: Internet |
Nhân vật chính trong tác phẩm là Oba Yozo, ngay từ thuở bé đã khác với những cậu bé cùng trang lứa. Cậu ngụy trang mình dưới lớp vỏ của một chàng hề, cố gắng hòa nhập, cố gắng làm vui lòng mọi người. Lớn lên, trải qua tuổi thiếu niên, Yozo bắt đầu nổi loạn - hay nói đúng hơn là sống đúng với bản ngã của mình. Giữa thế cuộc xoay vần, Yozo thả trôi đời mình theo những sự lựa chọn mà với cậu, có cái thuộc về bản năng, có cái chỉ là sự tình cờ. Thế nhưng, những sự lựa chọn ấy đều cùng dẫn đến con đường đau thương cho chàng trai trẻ.
Ngoài đời, Dazai Osamu từng nghiện rượu, nghiện thuốc giảm đau, ly hôn, tái hôn, tự sát, đường văn chương lận đận… thì trong tác phẩm, nhân vật của ông cũng lần lượt trải qua những đoạn trường như thế - một đoạn trường cô đơn dù bên cạnh Yozo vẫn có người thân, bạn bè và những người tình.
Thất lạc cõi người được nhà văn kể dưới hình thức thuật lại từ những cuốn sổ ghi chép. Nội dung gồm 3 phần sổ ghi chép (đại diện cho 3 chương truyện) cùng lời nói đầu và lời cuối. Gọi là tiểu thuyết nhưng dung lượng tác phẩm rất ngắn, chỉ vài mươi trang truyện mà gói gọn cả một đời người. Oba Yozo trải bao dâu bể cuộc đời để rồi từ một cậu bé trong gia đình có địa vị, lại trở thành một người điên trong trại tâm thần. Giọng văn tự thuật, chậm rãi, không nhiều trường đoạn bi lụy nhưng đầy sức rung động.
Nỗi đau đớn, sự cô đơn cùng nghịch cảnh cứ thế đầy lên theo từng năm tháng sống của Oba Yozo. Anh trải qua mọi điều mà trong một kiếp ba sinh con người phải trải qua, anh sống mà lúc nào cũng phải tìm câu trả lời cho câu hỏi “Tại sao người ta phải sống?” và phải sống như thế nào khi “nhân gian kia sao quá khác biệt với chính mình mà mình vẫn phải là một phần mảnh của nhân gian”.
“Thế gian cụ thể là gì đây? Là số nhiều của con người chăng? Cái thực thể của thế gian nằm ở đâu kia chứ? Cho đến bây giờ, tôi sống mà cứ nghĩ thế gian toàn là một cái gì đó cường liệt, khắc nghiệt và vô cùng đáng sợ” - trích Thất lạc cõi người. Nhà văn đã tìm thấy câu trả lời trong sự vỡ mộng, rằng “Thế gian, trong sự ganh đua giữa các cá nhân, chiến thắng là tất cả. Con người không bao giờ phục tùng con người. Người ta rêu rao đại nghĩa nhưng mục tiêu của sự nỗ lực chắc chắn phải là cá nhân. Cho nên sự nan giải của thế gian cũng chính là sự nan giải của cá nhân”.
Cách Dazai nhìn về con người cá nhân thật ra cũng chính là cách ông phơi bày những mặt tối của hiện thực xã hội ngổn ngang lúc bấy giờ: sợ hãi và hoài nghi, giả tạo và đố kỵ, lạc loài và mất phương hướng, sai lầm và sa ngã, đau thương và vỡ mộng… Nhà văn đã viết như một cuộc đấu tranh với chính mình - đấu tranh, vùng vẫy trong hành trình tìm cái đẹp và ý nghĩa của sự sống, để được hiểu chính mình và cuộc đời.
|
Tiểu thuyết Thất lạc cõi người đã được tái bản lần thứ tám - Nguồn ảnh: Internet |
“Sống dù chỉ một vai hề cũng phải đi đến tận cùng đày ải. Sống nhiều khi không bằng chết nhưng phải nghiến răng đi tiếp, nhiều khi chưa chắc gì vì 2 chữ ngày mai. Chớ luận thành công, chớ kể thất bại, sống là phải luôn tranh đấu dằn vặt, tìm ý nghĩa cho sinh mệnh dù cuối cùng tất cả chỉ là phù du” là đôi lời chiêu cảm của dịch giả Hoàng Long dành cho Dazai và tác phẩm của ông. Không phải nhà văn nào cũng đủ dũng cảm phơi bày đến tận cùng tâm can mình, cuộc đời mình - cả những góc khuất bi đát nhất lên trang viết. Nhưng Dazai Osamu đã dùng chính cuộc đời ông để viết, để những con chữ “như dấu máu vương trên tuyết”, dẫn dắt người đọc vào mê lộ của một nỗi cô đơn rực rỡ kiếp người. Dazai hóa thân vào trang viết và ông đã trở thành một huyền thoại của văn học xứ Phù Tang.
“Tất cả rồi sẽ trôi qua…”
Thất lạc cõi người kết thúc với câu nói của Oba Yozo - một lời nhẹ bẫng nhưng lại là chân lý của đời người: “Tất cả rồi sẽ trôi qua”. Dòng cuối cùng của tác phẩm vẫn là một câu văn tự thuật để lại nỗi xót xa kéo dài trong lòng người đọc: “Tôi năm nay 27 tuổi. Nhưng vì tóc bạc trắng đầu nên mọi người đều tưởng lầm là trên 40”. “Tôi” khi ấy đã trở thành “một phế nhân” trong mắt người đời, sống trong gian nhà tranh cũ kỹ, cùng với một “bà già xấu xí, tóc tai đỏ quạch” làm người chăm sóc.
Một cuộc đời tự do, phóng đãng, đa tình đã trôi qua như tuổi trẻ của Yozo. Một cuộc đời đi tìm ý nghĩa của thế gian và lý do mình tồn tại cuối cùng chỉ còn lại trong dư ảnh. Yozo đã thất lạc vào cõi người theo đúng nghĩa: anh thậm chí “mất tư cách làm người” khi bị xem là kẻ “cuồng nhân”, kẻ bị bệnh tâm thần, hoàn toàn không còn khả năng được làm một con người bình thường trong cõi nhân quần xôn xao - một kết cục chính bản thân anh đã không thể ngờ đến. Mà ai có thể ngờ đến cuối con đường điều gì đang đợi.
Dịch giả Hoàng Long gọi tác phẩm của Dazai Osamu là tiếng nói đọa đày từ hoang mạc hay ngọn gió bỏng rát cõi miên trường. Thất lạc cõi người được viết bởi một tâm hồn bị lưu đày và được chuyển ngữ bởi một dịch giả hiểu Dazai sâu sắc như thể đã đi đến tận cùng với nhà văn trong “nỗi cô đơn sâu thẳm, của chấp nhận lưu đày, của hoàng hôn thân phận”. Thất lạc cõi người cũng là tác phẩm văn học dịch hiếm hoi mà dịch giả đã dự phần rất lớn trong cuộc đóng góp những giá trị trao gửi từ chữ nghĩa. Dịch giả Hoàng Long không chỉ thể hiện tác phẩm của Dazai bằng văn phong uyển chuyển, ý từ sâu sắc mà còn bằng những cảm nhận đầy thấu hiểu và sẻ chia, tha thiết.
Và đây là một trong những dòng viết cho Dazai Osamu cùng Thất lạc cõi người vô cùng xuất sắc của dịch giả Hoàng Long: “Đọc Dazai mà thêm chút lòng đồng cảm, biết ơn người thay ta mà nhỏ máu, mà đi đến cùng đường. Đó cũng chính là vinh quang của Dazai và văn học chân chính. Cái tiếng nói vọng về từ cõi hoang mạc đó vẫn hiu hắt thổi qua thời gian suốt cõi miên trường, nhắc nhở chúng ta nỗi suy tư trang trọng về hiện hữu của con người. Tiếng nói đó sẽ không bao giờ bị quên lãng. Kiếp người có thể cô đơn đến thế nhưng cũng rực rỡ hào hoa. Và nếu đường tàu nào cũng phải đến sân ga vĩnh quyết thì tác phẩm của Dazai luôn làm cho chúng ta cảm thấy tiếng tàu nghiến trên đường ray thành tiếng kinh cầu như ru ta qua miền sương khói…”.
Dòng văn học “Vô lại phái” “Vô lại phái” (Buraiha) là tên gọi một trường phái văn học tại Nhật Bản sau Thế chiến thứ hai, trong đó Dazai Osamu là nhân vật chủ chốt. Khuynh hướng này còn có những tên tuổi tiêu biểu khác: Sakaguchi Ango, Oda Sakunosuke, Ishikawa Jun, Tanaka Hidemitsu… Sáng tác của họ có khuynh hướng phản kháng xã hội và nổi loạn, đi đến tự hủy. | Tà dương - một kiệt tác khác của Dazai Osamu - Nguồn ảnh: Internet |
Cũng giống như Dazai Osamu, các nhà văn thuộc dòng văn học “vô lại phái” đều chết vì bệnh hoặc tự sát khi tuổi đời còn rất trẻ như định mệnh lựa chọn cho họ những số phận bi kịch trước thời cuộc và để họ được sống mãi trong sự nghiệp của chính mình. Dazai Osamu tự kết thúc cuộc đời sau khi hoàn thành Thất lạc cõi người, cùng lời để lại cho đời: “Tôi không còn viết được nữa”. Cuộc đời ông mãi mãi dừng lại ở tuổi 39 nhưng những gì ông để lại cho văn chương Nhật Bản nói riêng và văn chương thế giới là những kiệt tác. Ngoài tiểu thuyết (các tác phẩm được chuyển ngữ và phát hành tại Việt Nam cho đến nay, ngoài Thất lạc cõi người còn có Tà dương và Nữ sinh), Dazai còn viết truyện ngắn: Đêm tuyết, Một trăm cảnh núi Phú Sĩ, Tám cảnh sắc Tokyo, Tiếng búa đinh đong, Trưa xuân yên tĩnh… |
Cầm Thi