PNO - Lứa giáo viên cắm bản đầu tiên ấy đã tạc vào lịch sử ngành giáo dục nước nhà một tấm gương quên mình vì sự nghiệp trồng người, và hơn tất thảy, là tấm gương đồng cam cộng khổ, dang tay giúp đỡ đồng bào...
Hai ông giáo già Nguyễn Văn Bôn, Đinh Văn Đông ôn lại kỷ niệm thời kỳ cắm bản. Với họ, những năm tháng ấy đã trở thành một phần đời không thể không nhắc đến |
Lễ “sinh nhật” lần thứ 60 của trường Phổ thông Dân tộc bán trú Mù Cả quy tụ được bà con khắp xã rẻo cao Mù Cả (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu). Giờ khai mạc, hàng trăm đôi mắt - dù tròn xoe, trong vắt, hay đã đùng đục vết nhân sinh cùng thấp thỏm đợi khoảnh khắc được thấy mái đầu bạc, gương mặt trầm lặng, khiêm cung của ông giáo già Nguyễn Văn Bôn - người thầy đầu tiên cắm bản trên đất này. Thầy là nhân vật chính trong câu chuyện gieo chữ mở trường thời 60 năm trước mà người Mù Cả còn nhắc đến tận bây giờ.
Hai chuyến xe và mấy ngày lội bộ
Đôi mái đầu sương khói của hai ông giáo già Nguyễn Văn Bôn (sinh năm 1937), Đinh Văn Đông (sinh năm 1936) rủ rỉ bên nhau, chầm chậm trong chiều đông se sắt gió. Câu chuyện về những ngày xung phong lên núi rừng Tây Bắc làm anh giáo cắm bản của hai ông vừa sinh động, vừa bảng lảng khói sương như cổ tích xa lơ xa lắc. Chuyện của các ông đã được đưa vào kể trong sách giáo khoa, ghi trong lịch sử ngành giáo dục, thậm chí còn khảm cả vào dáng núi, tên suối của cộng đồng Hà Nhì. Song, cảm giác như thực, như mơ kia, chúng tôi làm sao tránh được, khi mà bối cảnh giáo dục ngày hôm nay đã rất khác so với ngay cái thời chúng tôi - thế hệ 8x cắp sách đến trường.
Năm 1959, Đảng và Bác Hồ kêu gọi đội ngũ giáo viên xung phong lên Tây Bắc dạy học. Bấy giờ mấy tỉnh miền núi mênh mông ấy còn là Khu tự trị Thái Mèo. Ông Bôn, ông Đông đang là thầy giáo tuổi ngoài đôi mươi, một người dạy học ở Thái Bình, một người công tác ở Bắc Ninh đã cùng giơ cánh tay tình nguyện. Đó là hai trong số các thầy cô giáo miền xuôi cắm bản đầu tiên.
Ông Đông nghiêng mái đầu bạc nhắc lại: “Trước lúc anh em chúng tôi lên đường khoảng một giờ đồng hồ, bất ngờ Bác Hồ đến thăm và động viên”. Ông Bôn tiếp mạch kỷ niệm: “Bác còn cẩn thận dặn, chú nào đã có tinh thần xung phong thì xung phong đến nơi đến chốn, nhưng chú nào sức khỏe yếu thì cũng không nên đi. Nhưng cả đoàn chúng tôi hôm ấy, không ai rút lui vào phút cuối”. Trước khi đi, ông Bôn còn viết thư chia tay cô giáo làng (sau này là diễn viên đoàn văn công và cũng là người bạn đời của ông), bởi lên với rừng thiêng nước độc, ông đâu dám hẹn ngày về…
Ngày ấy đường sá, xe cộ còn lạc hậu. Chiếc xe ca lăn bánh từ Hà Nội đến huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Khoảng cách chỉ 40 cây số mà khung cảnh đã hoàn toàn khác, cây cối um tùm hai bên đường, những mỏm núi nhấp nhô xa gần. Người đi đường có cảm giác như “đang đi vào một mái vòm, càng đi càng lạnh lẽo, hoang vu”. Ông Đông không giấu giếm: “Đêm đến mới thấy sợ, nhưng rồi tự trấn an mình: thôi, coi như một lần… liều lĩnh”.
Đến Mường La, xe ca không bò qua được đèo dốc Tây Bắc huyền thoại, các ông trèo lên xe tải để sang huyện Tuần Giáo của tỉnh Lai Châu. Xe tải chạy đường rừng dằn xóc, người bật từ thành xe bên này qua thành xe bên kia. Lần nào nghĩ lại, các ông cũng vẹn nguyên cảm giác hãi hùng. Vượt đèo Pha Đin, qua những khúc cua vời vợi núi, thăm thẳm vực, trên vách đá còn ghi mấy chữ “xe dễ đổ” bằng vôi trắng, ai nấy nín thở, tim cũng không dám đập nhanh.
Kết thúc hành trình xe ca, xe tải là bắt đầu những ngày leo bộ. Dốc lên dốc xuống mấy ngày trời, thầy Bôn mới về đến châu Mường Tè. Thầy Đông cũng mất mấy ngày đi bộ mới đến được xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn. Sức thanh niên nhưng lớn lên ở đồng bằng, đây cũng là lần đầu tiên các thầy leo núi, thế là vừa leo vừa phải lấy tay… nhấc chân mình lên.
Bà con Hà Nhì cử đại diện đi đón, “tháp tùng” thầy Bôn trong chuyến ông trở lại thăm Mù Cả |
Những ngày ấy, các thầy giáo đồng bằng mới biết thế nào là con vắt. Nó bé xíu như ruột bút bi, có con chỉ nhỉnh hơn đầu tăm một chút, nhưng nó hút máu còn khiếp hơn con đỉa. Lúc no mòng như ngón tay út, nó mới chịu buông, trong khi máu ở chân vẫn chảy, cảm giác chẳng thể nào ngừng. “Đến cả tuần sau vẫn còn chi chít những nốt đỏ. Lúc lội qua suối Rút ở Hòa Bình thì rụng hết lông chân” - ông Đông, ông Bôn nhớ lại.
Dạy chữ, “tuyên chiến” với nạn quần hôn
Không rõ bối cảnh nào đã khiến nhà văn Nguyễn Bá Học nói câu “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Nhưng câu chuyện của thế hệ những người thầy cắm bản đầu tiên như thầy Đông, thầy Bôn đã làm tôi thấm thía lời nói ấy. Từ khi đến Sơn La, địa phương đã không giấu các thầy những khó khăn, ngặt nghèo của Tây Bắc cũng như những điều mà người ở đây phải đối mặt. Nhưng nghe lãnh đạo khu dốc lòng nói về sự khốc liệt đó, các thầy giáo trẻ chỉ thương chứ không sợ. Và họ nguyện phải đi đến cùng để giúp đỡ từng bản làng bao đời đã ủ vùi trong nách núi lẫn mây.
Một năm đầu tiên, các thầy giáo trẻ miền xuôi lo dựng trường, bàn kế hoạch, thậm chí đứng lớp dạy học qua… phiên dịch. Rồi sau 5 năm, các ông đã giúp địa phương “ươm” được thế hệ giáo viên đầu tiên từ chính những người con của bản. Lứa giáo viên cắm bản đầu tiên ấy đã tạc vào lịch sử ngành giáo dục nước nhà một tấm gương quên mình vì sự nghiệp trồng người, và hơn tất thảy, là tấm gương đồng cam cộng khổ, dang tay giúp đỡ đồng bào: thầy giáo Nguyễn Văn Bôn được Bác Hồ ký tặng danh hiệu Anh hùng lao động ngày 3/6/1962, vì những nỗ lực đưa Mù Cả thành “Sáng Cả”.
Lứa học trò đầu tiên của Hà Nhì được thầy giáo Bôn rèn giũa, có đến 35 người học hành đến nơi đến chốn. Họ đều đỗ đạt và đóng góp không ít công sức trong công cuộc xây dựng Mường Tè, Lai Châu. Trong số đó, không thể không nhắc đến bà Pờ Go Sừ, đại biểu Quốc hội khóa XII, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lai Châu; bà Pờ Phí Nhù, nguyên Phó trưởng phòng Giáo dục huyện Mường Tè…
Người ta bảo thầy giáo Bôn là “cha đẻ” của mô hình bán trú. Là bởi từ khi bàn với cán bộ và bà con về chủ trương dạy chữ cho 40 em (tuổi từ 7 đến 12) trong xã, có một việc đặc biệt được thống nhất: các em đi học phải mang theo gạo và quần áo. Ngay hôm sau, ông xắn tay cùng trai bản đốn gỗ, chặt tre dựng nhà cho học sinh ở; dựng trường, đóng bàn ghế cho các em ngồi học. Hơn mười năm biết ông Bôn, tôi vẫn thấy ông chậm rãi - cái chậm của người từ tốn, khiêm nhường.
Rất nhiều năm sau này, mỗi lần nhắc đến thầy Bôn, các “cô bé”, “cậu bé” học trò năm xưa đều không nén được xúc động |
Từ giọng nói trầm, chậm của ông, hình ảnh buổi khai giảng đầu tiên trong lịch sử người Hà Nhì hiện lên vô cùng sinh động: “Ngày 10/9/1959, đúng giờ tập trung, học sinh từ các bản đã có mặt đông đủ, quần áo các em sặc sỡ, mắt đứa nào cũng tròn xoe rụt rè nhìn tôi. Buổi học đầu tiên tôi dạy các em cách gọi thầy giáo, cách xưng tên mình. Lên lớp, thầy chỉ có một hộp phấn, một quyển sách vỡ lòng. Tôi viết lên bảng, tiếng trẻ đọc vang khắp bản. Các em không có giấy bút, tôi chia phấn cho từng em, bảo các em tập viết vào cổ tay mình cho thầy xem. Nhìn 40 cánh tay giơ lên, thấy học trò chăm chú uốn cổ tay theo thầy là đã thích rồi”.
Lúc ấy, giặc Pháp mới bị “bật” khỏi lòng chảo Điện Biên được 5 năm, cả nước nhiều khó khăn, rẻo cao còn thiếu thốn bội phần. Không có giấy, thầy giáo Bôn đi cắt từng tàu lá chuối làm “vở”, làm “bảng” chia cho các em tập viết. Đám trẻ, mỗi đứa đẽo một “cây bút” gỗ giống bút của thầy. Buổi chiều, sợ đám trẻ nhớ nhà, nhớ làng bản, thầy Bôn nhặt bưởi về dạy các em đá bóng; tổ chức đi hái nấm, bẻ măng, lội suối bắt cá về cải thiện bữa ăn…
Sau khai giảng nửa tháng, một tối, thầy Bôn đi kiểm tra nơi ăn, chốn ở của học trò. Không hiểu sao rất nhiều nhà trống vắng. Ông tìm đến ngôi nhà rộng nhất thì thấy đám trẻ dở lớn dở bé, cả nam lẫn nữ cùng ở trần nằm ngủ. Ông giật mình, quát đám trẻ dậy, bắt mặc quần áo rồi đứa nào về nhà nấy. Ngày hôm sau chỉ có học sinh ở một bản đến lớp, mười bản kia trẻ nghỉ hết. Ông tìm hiểu và choáng váng khi biết nơi đây vẫn còn tàn dư của nạn quần hôn. Hai việc tức tốc được thầy giáo Bôn tiến hành: họp cán bộ, họp dân, kịch liệt đả phá hủ tục; đồng thời dạy đám trẻ lớn lên như cái cây, ngọn cỏ ấy về giới tính, dạy cả học sinh nữ cách mặc áo lót.
Bà con càng lạc hậu, ông Bôn lại càng thương, càng nỗ lực để bù đắp thiệt thòi. 40 học sinh, đứa nào ông cũng xem như ruột thịt. Mùa đông, thương học trò rét, có độc tấm áo bông - ông cũng khoác cho trò. Tấm chăn chiên được Nhà nước cấp ngày lên Tây Bắc, ông cắt đôi chia cho hai đứa. Câu chuyện cảm động ấy đã được đưa vào sách giáo khoa một thời. Và một trong hai học trò nhận chăn của thầy Bôn chính là Pờ Phí Nhù. Với bà Nhù, thầy Bôn như cha mẹ, “chẳng thể nào nói hết được tình cảm của lứa học trò Hà Nhì ngày ấy nói riêng và bà con Mù Cả nói chung dành cho thầy Bôn đâu”. Thầy Bôn cũng chính là ngọn đuốc dẫn đường, là ngọn hải đăng trong đêm để bà Nhù vươn lên học tập, cống hiến cho ngành giáo dục huyện nhà.
Tên thầy - dáng núi
Sang học kỳ II, thầy Bôn nghĩ đến việc làm sao để cả bản, cả xã cùng được học chữ. Thế là thầy ra “nghị quyết”: Mỗi tối, bản nào cũng phải cử một, hai thanh niên đến để thầy Bôn dạy học. Sau hai tháng liền, đã thuộc hết chữ trong cuốn sách vỡ lòng thì nhận nhiệm vụ về bản xóa mù cho người khác. Có những tháng ròng rã, mỗi ngày thầy Bôn dạy tới bốn ca: Ngoài 40 đứa trẻ học sáng và thanh niên bản học tối; sáng sớm, người đi nương dắt trâu đến trước sân trường rồi vào lớp học chữ. Tới giờ đi nương, thầy giáo viết chữ trên lưng trâu để bà con vừa đi vừa học. Chiều tối là thời điểm diễn ra lớp học viết chữ bằng than bên bếp lửa cho các mẹ, các bà. Nhờ đó, năm 1963, Mù Cả trở thành xã rẻo cao đầu tiên của Tây Bắc xóa được nạn mù chữ. Ai nấy vẫn gọi vui: Mù Cả đã thành “Sáng Cả”.
Dòng suối Thầy giáo |
Dạy chữ chưa đủ, thầy giáo Bôn còn lặn lội cõng từng bó cẳng sắn lên giâm trên đất Mù Cả. Cây sắn mọc lên, người Hà Nhì gọi đó là cây khoai của atê Hồ. Tiếng Hà Nhì, atê là cha. Bà con gọi sắn là cây khoai của cha Hồ! Thầy Bôn kỳ công mang từng chai, lọ, từng viên gạch, ngói… lên núi làm giáo cụ dạy học sinh. Không để thời gian trôi qua vô ích, thầy trò đốt cỏ tranh, cải tạo nương để cấy đến năm, sáu mẫu ruộng; mỗi vụ bán được mấy tấn lúa lấy tiền mua cái máy cát-sét.
Thế là Mù Cả trở thành mái trường đầu tiên của cả khu tự trang bị được máy cát-sét để nghe Ðài Tiếng nói Việt Nam. Sau đài, máy nghe đĩa quay tay, đèn chiếu, trâu bò… cũng được mua từ công sức cấy trồng của thầy trò trường Mù Cả. Đặc biệt, thầy Bôn còn làm một việc mà không một người Hà Nhì nào có thể hình dung: thầy dẫn nước qua mấy quả núi cao vời vợi về đến tận trường. Dòng nước ấy, bao năm qua người Hà Nhì vẫn gọi bằng cái tên đầy tri ân: suối Thầy giáo. Rồi ngọn núi chứng kiến ngày thầy Bôn chia tay Mù Cả về Hải Phòng cũng được bà con ghi tạc: núi Ông Bôn.
Kỷ niệm của hai ông giáo già kéo về lớp lớp như những áng mây giăng giăng trên những ngọn núi cao. Mấy năm làm thầy giáo cắm bản, ông Đông được điều động đi ba nơi, ông rùng mình nhớ về ba tháng phải ăn củ mài, củ nâu ở Hua Bum; chuyển sang Mường Mô thì sốt rét, phải về Mường Tè chữa trị; tới khi sang Tà Tổng rồi chia tay để trở về xuôi, ông từng tưởng mình sẽ vĩnh viễn nằm lại giữa núi rừng. Những câu chuyện chất chứa tình người, ứa nhựa hiến dâng của tuổi trẻ được khơi gợi bởi hai mái đầu lơ phơ bạc.
Các ông bảo, những năm tháng ấy đã trở thành một phần đẹp nhất của cuộc đời mình, mãi mãi. Còn trên rẻo cao những núi cùng non, chỉ 5 năm trong sự nghiệp trồng người của ông Bôn, ông Đông và thế hệ giáo viên cắm bản ngày ấy thôi, cũng đã đủ để lại trong cộng đồng thiểu số khắp các bản làng một “di sản”: Học để làm người.
Bích Ngọc
Chia sẻ bài viết: |
Ở các thành phố lớn, dân số tăng cơ học nhanh nhưng việc xây dựng trường không theo kịp, khiến kỳ thi vào lớp Mười ngày càng căng thẳng.
Sở GD-ĐT TPHCM đã có văn bản góp ý lần 2 về nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT của Bộ GD-ĐT.
Công tác phân luồng sau THCS nặng tính hình thức, chưa hiệu quả là một trong những nguyên nhân khiến kỳ thi vào lớp Mười áp lực hơn cả vào đại học.
Nhiều trường đại học ở TPHCM phát đi cảnh báo về tình trạng lừa đảo nhắm vào phụ huynh, sinh viên, học sinh với chiêu thức "cấp học bổng".
Sở GD-ĐT TPHCM đề xuất miễn học phí cho học sinh mầm non dưới 5 tuổi, THPT, học viên hệ giáo dục thường xuyên từ năm học 2025-2026.
Sở GD-ĐT TPHCM vừa có văn bản thực hiện chuyển trường và tiếp nhận học sinh chuyển trường từ Trường Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (Saigon Star).
Ngày 16/12, Trường đại học Trà Vinh cho biết, vừa ghi dấu ấn trong bảng xếp hạng UI GreenMetric World University Rankings 2024 khi đạt vị trí 133/1.477...
Dự kiến ngày 28 - 29/12, Bộ GD-ĐT tổ chức chương trình Gặp mặt, tuyên dương học sinh đoạt giải Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2024.
Cứ đến 19g, loa phát thanh của xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) lại vang lên nhắc các học sinh học bài.
Giành huy chương vàng và 4 huy chương khác tại Giải vô địch Cờ vua học sinh châu Á lần thứ 18, Tường Minh đủ điểm trở thành nữ kiện tướng.
Nhiều năm qua, cứ 10 học sinh thi vào lớp Mười thì có 3 em rớt. Tỉ lệ trượt cao gây áp lực rất lớn cho học sinh, phụ huynh, nhà trường.
TPHCM triển khai đào tạo thí điểm 4 ngành mũi nhọn gồm: trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin - truyền thông, tài chính - ngân hàng, quản lý đô thị.
Chiều 12/12, UBND TPHCM có văn bản đồng ý với tờ trình của Sở GD-ĐT TPHCM về việc kéo dài thời gian nghỉ tết Nguyên đán 2025 của học sinh.
Những ngày gần đây, khi nghe thông tin chỉ tiêu xét tuyển sớm có thể bị siết còn 20%, Hoàng vô cùng lo lắng.
ROX Key Holdings đã tài trợ sửa lại mái tôn cho dãy lớp học, tu sửa thư viện và quyên góp sách vở, đồ dùng… và trao học bổng cho học sinh.
Hiện nay, nhiều người dân Việt Nam vẫn còn xa lạ với các khái niệm tài chính cơ bản.
Học sinh Royal School không chỉ giao tiếp thành thạo, chinh phục chứng chỉ uy tín với điểm số cao, mà còn vận dụng tiếng Anh như “hơi thở” mỗi ngày.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Sang, học sinh từ lớp Sáu tới lớp Chín dễ gặp tình trạng bạo lực tinh thần học đường nhất.