Trên nóng, dưới lạnh

20/04/2018 - 11:30

PNO - Sáu ngày kể từ khi bác sĩ Vũ Hồng Chiến (29 tuổi, khoa Phẫu thuật tạo hình) vô cớ bị bố bệnh nhi liên tiếp đấm vào mặt, trưa 19/4, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn mới lần đầu tiên lên tiếng trước báo giới.

Cuộc họp vẻn vẹn trong vòng 30 phút. Rất nhiều câu hỏi của phóng viên chưa được giải đáp. Nội dung được quan tâm nhất là vì sao bệnh viện phản ứng quá chậm trễ…

Nói chậm trễ là bởi, ngay sau khi vụ việc xảy ra, UBND TP.Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội đã lập tức có văn bản yêu cầu lực lượng chức năng vào cuộc, điều tra làm rõ. Đích thân Bộ trưởng Bộ Y tế cũng tổ chức một cuộc họp với báo giới để chia sẻ sự bức xúc về vấn nạn bạo hành ở bệnh viện.

Tren nong, duoi lanh

Thế nhưng, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn vẫn hoàn toàn… im lặng. Lý giải về sự chậm trễ này, bác sĩ Trần Trung Dũng - Phó giám đốc bệnh viện cho rằng, bệnh viện muốn có thông tin đầy đủ dựa trên căn cứ và hướng xử lý của cơ quan điều tra mới cung cấp tới báo chí một cách chính thống, đúng quy trình.

Tuy nhiên, câu trả lời của đại diện bệnh viện dường như chưa làm dư luận thỏa lòng. Suốt gần một tuần qua, sự im lặng của phía bệnh viện đã phần nào làm nảy sinh những luồng thông tin trái chiều. Ngoài sự cảm thông, chia sẻ, nhiều người cũng đặt vấn đề, phải chăng bác sĩ đã khá “cứng nhắc” và nguyên tắc trong quá trình khám chữa bệnh (như thông tin ban đầu của cơ quan điều tra chia sẻ với báo chí).

Tren nong, duoi lanh
Bác sĩ Chiến

Tại cuộc họp báo, đại diện bệnh viện khẳng định, bác sĩ Chiến hoàn toàn tuân thủ đúng những yêu cầu bắt buộc của Sở Y tế Hà Nội và bệnh viện. Cụ thể, ngoài vấn đề chuyên môn, bác sĩ phải tư vấn để bệnh nhân nắm được thông tin về chi phí tài chính, các biện pháp xử lý để không ảnh hưởng tới thẩm mỹ… 

Giá như những thông tin này được phía bệnh viện cung cấp sớm hơn, lãnh đạo bệnh viện thể hiện sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ hơn ngay từ đầu thì có lẽ đã phần nào làm an lòng người trong cuộc, giải tỏa được những khúc mắc của dư luận. Bộ trưởng Bộ Y tế từng xót xa: ngành y đơn độc trong cuộc chiến chống bạo hành bệnh viện.

Nhưng trước khi chờ các lực lượng liên quan đồng hành, thiết nghĩ, bác sĩ phải tìm được sự bảo vệ trong chính “ngôi nhà của mình”. Nói như tiến sĩ - bác sĩ Trương Hồng Sơn - Phó tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, sự vào cuộc của lãnh đạo cơ sở y tế nơi xảy ra sự việc chưa đủ quyết liệt.

Tuấn Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI