Trên hành trình yêu của họ, chưa bao giờ có hai từ 'hối hận'

28/06/2017 - 11:30

PNO - Cũng có những chàng trai 'có điều kiện' hơn anh, nhưng chẳng có ai khiến chị thấy bình yên, vững chãi như khi ngồi sau bờ vai rộng và ấm áp của anh trên chiếc 'siêu xe' ba bánh ấy.

Trong con ngõ nhỏ nằm nép mình giữa thành phố cao nguyên đầy nắng và gió, có đôi vợ chồng cùng hai đứa con nhỏ ngày ngày ríu rít chở nhau đi học, đi làm trên chiếc xe máy ba bánh “tự chế” khiến ai cũng chú ý. Đó là gia đình nhỏ hạnh phúc của anh Nguyễn Công Sang và chị Nguyễn Thị Tình.

Chiếc xe đặc biệt ấy đã chứng kiến biết bao nỗi nhọc nhằn của anh chị, từ những buổi tối anh đưa đón chị đi học thêm trên quãng đường gần hai mươi cây số, đến những ngày con đau bệnh, anh chị tất tả vào ra bệnh viện. “Chú ngựa sắt 3 chân” cần mẫn ấy cũng từng cùng anh len lỏi giữa chợ đêm để mua từng bó rau chở về cho vợ bán kịp buổi chợ sớm hôm sau. 

Tren hanh trinh yeu cua ho, chua bao gio co hai tu 'hoi han'
Anh Nguyễn Công Sang và chị Nguyễn Thị Tình

Vượt qua bao nhiêu sóng gió cuộc đời, đến nay, họ đã cùng nhau đi một chặng đường tuy chưa quá dài nhưng có đủ mọi cung bậc vui buồn, có nước mắt, niềm vui, nụ cười và hi vọng. Trên hành trình ấy, thứ giúp họ chưa một lần buông tay nhau, chính là Tình Yêu.

Tình yêu nảy mầm từ những nghị lựa sống mạnh mẽ

Anh chị gặp nhau khi anh đang là trưởng phòng nhân sự của một công ty may dành cho người khuyết tật ở Đồng Nai, còn chị đến xin việc làm thêm để tiết kiệm tiền đi học lớp kế toán buổi tối tại Thủ Đức. Làm việc chung chỉ một thời gian ngắn, anh thầm cảm mến chị bởi sự nhiệt tình xông xáo, mọi công việc anh giao chị đều hoàn thành rất nhanh. 

Khi đã trở thành bạn bè thân thiết, anh càng cảm phục hơn khi biết chị phải tự mình kiếm tiền để trang trải cuộc sống và theo đuổi ước mơ học hành nơi đất khách quê người, bởi cha mẹ chị đã qua đời từ khi chị mới lọt lòng. Họ hàng khó khăn chẳng thể cưu mang được mãi, nên từ năm 8 tuổi chị đã phải sống trong trung tâm bảo trợ xã hội.

Năm đó, anh chọn đúng ngày Phụ nữ Việt Nam để ngỏ lời yêu chị tại một quán cà phê lãng mạn, có nến và hoa do anh cất công chuẩn bị từ trước. Anh bảo, có lẽ khi ấy chị “đổ” anh cũng do cảm phục ý chí vươn lên mạnh mẽ của anh.

Không may bị liệt một chân sau trận sốt bại liệt khi còn nhỏ nhưng chưa bao giờ anh nghĩ mình là người khuyết tật. Anh vẫn theo đuổi đam mê, cố gắng học hành và luôn nỗ lực hết mình trong mọi công việc mình đảm nhận.

Tren hanh trinh yeu cua ho, chua bao gio co hai tu 'hoi han'
Anh Sang và chị Tình hạnh phúc trong mùa xuân vừa qua

Anh chị đã tìm thấy sự đồng điệu trong tâm hồn, từ nghị lực sống mạnh mẽ, nỗ lực quên mình để có thể làm chủ cuộc đời và sống thật ý nghĩa.

Kể từ hôm ấy, chị - cô gái nhỏ nhắn với nước da trắng trẻo và đôi mắt biết cười - đã chính thức trở thành người yêu của anh, chàng trai rắn rỏi, giàu nghị lực với gương mặt cương nghị và ánh nhìn ấm áp.

Những trở ngại đầu tiên

“Tình yêu là chuyện của hai người”, nên không phải lúc nào những người xung quanh cũng hiểu.

Nếu như gia đình anh rất thương và cảm thông cho hoàn cảnh của chị thì trái lại, họ hàng thân thích của chị lại ra sức phản đối khi biết chị yêu anh. Có người còn nặng lời trách cứ, những mong chị “tỉnh ngộ”: “Nó có cái gì đâu mà mày yêu! Còn bao nhiêu người lành lặn hơn nó sao mày không chọn?”

Chị đã khóc rất nhiều, nhưng không phải khóc vì yếu đuối hay không dám cùng anh đi tiếp. Chị khóc vì không thể làm cho những người xung quanh hiểu được anh như chị. Nhưng dù thế nào, chị vẫn cương quyết bảo vệ tình yêu của mình.

Mỗi buổi chiều sau giờ làm, anh lại chở chị đến tận trường học ở cách công ty gần hai mươi cây số, rồi chờ chở chị về trên chiếc "siêu xe" ba bánh của mình. Không phải không có những chàng trai “có điều kiện” hơn anh để mắt đến chị, nhưng với chị, chẳng có ai khiến chị cảm thấy hạnh phúc và bình yên như khi ngồi sau bờ vai rộng và ấm áp của anh trên chiếc xe ba bánh ấy. 

Nắm tay nhau đi qua ngày gian khó

Hơn một năm sau ngày nói lời yêu, anh chị về chung nhà bằng một đám cưới ấm áp. Nhưng cuộc sống hôn nhân cũng mang đến nhiều thử thách, đứa con đầu ra đời bị thiếu máu nên anh chị từng phải coi bệnh viện Nhi là nhà trong hàng tháng trời. Sau khi chị sinh bé thứ hai, anh chị quyết định chuyển lên Buôn Ma Thuột. Ở đây, anh được làm đúng nghề thiết kế đồ họa ở công ty in Đắk Lắk. 

Tren hanh trinh yeu cua ho, chua bao gio co hai tu 'hoi han'
Hiện anh chị đã có một tổ ấm nho nhỏ tại phường Thành Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột

Thời gian này công việc mới chưa ổn định, chị kẹt con nhỏ khó xin việc nên anh phải cáng đáng cả gia đình. Có những tháng, anh làm việc 16 tiếng mỗi ngày liên tiếp. Cứ hết giờ làm ở công ty, anh lại vội vã đến làm thêm ở tiệm internet đến 12 giờ đêm mới về. Nhớ lại những ngày tháng khó khăn ấy, anh chị vẫn muốn rơi nước mắt bởi tằn tiện chi tiêu lắm mà sữa cho con vẫn tháng có, tháng không. 

Khi bé thứ hai đủ tuổi đi nhà trẻ, chị nghĩ ra việc ra chợ bán rau để chia sẻ gánh nặng cùng chồng. Cứ 2-3h sáng, anh lại lặn lội trên chiếc xe quen thuộc ra chợ đầu mối lấy rau về cho chị bán. Cứ thế, anh chị nắm tay nhau đi qua những ngày tháng khó khăn ấy, trải qua đủ mọi công việc để có thể nuôi sống gia đình. 

Đến giờ, chị đã được nhận vào làm kế toán cho một công ty dịch vụ ăn uống, công việc của anh cũng ổn định, hai vợ chồng đã có một tổ ấm nhỏ cho riêng mình sau ba năm lập nghiệp ở miền đất mới nhờ chăm chỉ tích cóp, vay thêm ngân hàng và cả sự giúp đỡ của người thân, bạn bè. Cậu con cả Phi Long năm sau vào lớp một, cô bé Tú Anh xinh xắn giống mẹ nay cũng đã học lớp mầm. Tổ ấm nhỏ bé ấy lúc nào cũng rộn tiếng cười đùa âu yếm. 

Không biết đến hai từ “hối hận”

Sáu năm bên nhau dưới một mái nhà, tất nhiên không thể tránh khỏi lúc giận hờn. Nhưng chị với anh giống nhau ở điểm, dù cơ cực đến đâu cũng chẳng bao giờ than vãn, buông xuôi hay đổ cho số phận kém may mắn. 

Và trong từ điển hôn nhân của họ, chưa bap giờ xuất hiện hai từ “hối hận”. Với anh Sang và chị Tình, điều đáng trân trọng nhất của họ chính là quá khứ, nhìn quá khứ để phấn đấu cho tương lai. Nếu họ không tìm thấy nhau, không nắm chặt tay nhau từ thuở ban đầu, thì làm sao có được tổ ấm sáng đèn với hai thiên thần hôm nay? 

Và cứ thế, mỗi ngày trôi qua, dưới mái nhà nhỏ đơn sơ ấy lại vang lên những tiếng cười đùa ấm áp. Họ cùng nhau nuôi con, dạy con, chẳng phân chia việc của đàn ông hay của đàn bà. Họ cũng xem nhau như “đôi bạn thân” trong công việc, ai cần gì người kia lại sẵn sàng giúp đỡ. Hỏi anh về bí quyết giữ gìn tổ ấm, anh bảo, chỉ đơn giản là tình yêu chân thành, sẻ chia và sự tôn trọng lẫn nhau.

Phải rồi, nói cho cùng vợ chồng chỉ cần có thế là đủ để nắm tay nhau đi hết cuộc hành trình dài nhất mang tên “đời người” mà chẳng phút giây nào hối tiếc.

Thảo Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI