Trên con thuyền chung của nhân loại

01/04/2020 - 15:55

PNO - Cảnh Đức Giáo hoàng Francis ban phép lành trước Quảng trường Thánh Peter (ngày 15/3) hay buổi ban ơn Toàn xá (Urbi et Orbi) ngày 27/3 vừa qua đơn độc dưới cơn mưa bao phủ thành Rome, chắc chắn sẽ là những hình ảnh được nhắc nhiều trong lịch sử Giáo hội Công giáo nói riêng và lịch sử nhân loại nói chung, khi đề cập đến những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vào thời kỳ chúng ta đang sống.

Trong lịch sử nhân loại, dịch bệnh và tôn giáo đã có một mối tương liên lạ lùng với nhau. Dịch bệnh cần đến những đám đông để phát tán, và tôn giáo lại có sẵn những nhân quần đồng nhất tâm linh trong các thực hành nghi thức để cung cấp điều kiện lý tưởng cho bệnh dịch lây lan. 

Điều trớ trêu, trong khi người có tín ngưỡng, tôn giáo thường coi việc tụ tập cầu nguyện là một giải pháp thoát khỏi bệnh tật, thì đó lại chính là những điểm nóng để bệnh dịch hoành hành. Dịch bệnh, bằng một cách thức thực chứng và lạnh lùng, sẽ quay trở lại thách thức niềm tin cải thiện tình hình của tôn giáo. 

Hơn 10.000 tín đồ tập trung cầu nguyện để đuổi  dịch  COVID-19 ở  Bangladesh
Hơn 10.000 tín đồ tập trung cầu nguyện để "đuổi" dịch COVID-19 ở Bangladesh

Trong đại dịch Cái Chết Đen (do bệnh dịch hạch - Yersinia pestis - gây ra giữa thế kỷ XIV) làm chết gần 2/3 dân số châu Âu, nhiều người có tôn giáo đã lý giải căn nguyên là bởi sự không hài lòng của thượng đế với tội lỗi thế gian. Điều này dẫn đến việc nhà vua nước Anh Edward III hoảng hốt, thay đổi lối sống, ăn chay cầu nguyện, và các giám mục ở London cũng làm theo nhà vua.

Tại Rome, đã có những nghi lễ khổ hạnh biểu thị sự ăn năn sám hối, thậm chí, trong các giáo đường, tín đồ tự dùng roi quất vào lưng mình rướm máu để đền bù tội lỗi. Với truyền thống y học nhuốm màu tâm linh Hồi giáo, vào thời Cái Chết Đen hoành hành, đã có những cuốn kinh Ả rập ra đời, khuyên tín đồ đốt kinh lấy nước uống, tụ tập tụng niệm một bài kinh 11 lần hay đến đền thờ hát vang những bài ca tụng tiên tri Muhammad thì sẽ được bảo vệ khỏi ung nhọt của dịch hạch… 

Mặc dầu vậy, bằng nhiều phương cách và nghi thức của nhiều tôn giáo thời điểm đó, thì đại dịch Cái Chết Đen kinh hoàng đã quét lưỡi hái tử thần khắp các đô thị, làng mạc từ Á sang Âu, lấy đi mạng sống gần 200 triệu người, và chấm dứt lịch sử Trung cổ; để lại nỗi ám ảnh tang tóc trong lịch sử nhân loại. Trận đại dịch này cũng đã tấn công thẳng vào “hệ thần kinh” của Giáo hội Công giáo. Tỷ lệ tử vong trong giới tu sĩ trong thời Cái Chết Đen đã lên đến 50%, tỷ lệ tử vong ngay trong cung điện của Giáo hoàng ở Avignon lên đến 25%.

***
Trong thời hiện đại, hình ảnh Đức Giáo hoàng Francis quỳ một mình dưới mưa, trước cây thánh giá San Marcello được cho là thiêng liêng ở thành Rome, để cầu nguyện cho những gia đình cách ly xã hội (social distancing) tìm thấy nguồn sáng trong hiểm nguy bệnh tật, nghèo đói, và mong cho nhân loại đang ở chung trên một con thuyền sớm thoát khỏi cơn phong ba, đã khiến những ai có niềm tin cũng phải chạnh lòng. 

Đức Giáo hoàng Francis trong buổi ban ơn Toàn xá (Urbi et Orbi) ngày 27/3
Đức Giáo hoàng Francis trong buổi ban ơn Toàn xá (Urbi et Orbi) ngày 27/3

Sự việc bệnh nhân siêu lây nhiễm từ những buổi lễ của giáo phái Tân Thiên Địa ở Hàn Quốc, hay nghi lễ của Hồi giáo tại Malaysia… là những bài học được trả giá quá đắt, để những lãnh tụ tôn giáo hướng về tín đồ của mình với trái tim chia sẻ và hiệp thông trong điều kiện “cách ly xã hội”.

Với sự phát triển của hệ thống tri thức liên ngành, con người có tôn giáo hôm nay không còn hiểu dịch bệnh là cơn thịnh nộ của thượng đế hay một Thần linh nào, mà chính là hệ quả của sự mất cân bằng trong giới tự nhiên, là sự phản ứng của môi trường sinh thái trước những khuynh hướng phát triển hãnh tiến của con người. 

Dù cho các tôn giáo có thể hiểu đại dịch không theo quan điểm sinh thái nói trên, nhãn quan của người có tôn giáo có thể diễn dịch ngôn ngữ hay thông điệp đấng mình tôn thờ trong sự kiện đại dịch theo hệ thống tín lý và giáo lý riêng, nhưng điều quan trọng nhất lúc này mà các tôn giáo lớn trên toàn cầu đã đạt được, đó chính là chia sẻ một điểm chung, hài hòa với các nguyên tắc và giá trị phổ quát của cộng đồng. Các tôn giáo cũng đã đặt số phận của mình trên con thuyền chung của nhân loại.

Việc các tôn giáo đang có những điều chỉnh, tạm ngưng các thực hành tôn giáo cộng đồng, hướng tín đồ vào việc kinh nguyện trực tuyến, hay thực hành nghi thức tại gia, không phải là một hy sinh đời sống tâm linh, mà là đạt đến sự liên đới trong đời sống tinh thần xã hội. Qua đó, những giá trị đức tin được đặt song hành với những tri thức khoa học của thời đại. 

Sự cách ly cũng đặt người có niềm tin tôn giáo trở về với một điều kiện tự tại trong cuộc hành trình nội tâm, từ đó nhìn thấy nhiều ý nghĩa tốt đẹp trong đời sống tinh thần, kể cả khả năng mở ra những cuộc đối thoại tâm linh sâu rộng mà có thể điều kiện thực hành nghi thức đám đông không chắc có được. 

 Nguyễn Vĩnh Nguyên

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • maisau 03-04-2020 16:11:09

    Bài viết quá đúng, với dịch bệnh lây nhiễm cao thì chỉ có cách ly cộng đồng mới mong sống sót trong lúc này, chẳng có thần thánh nào giúp ta trong lúc này cả. Muốn có sức khoẻ , cần nhất là lối sống khoa học vệ sinh trong ăn uống sinh hoạt như rửa tay thường xuyên, làm sạch nhà cửa, ăn chín uống sôi, không vứt bừa bãi rác thải ra môi trường. Chính môi trường bẩn là tác nhân cho dịch bệnh phát triển ngày càng nguy hiểm mà chúng ta cho dù y tế hiện đại đến đâu cũng vẫn phải chạy theo mà không bao giờ có thể chủ động được.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI