PNO - Cuộc mưu sinh của đời người nào có chỗ cho chữ bất di, nhưng một cái tết ấm áp cùng người thân sẽ khởi đầu cho một hành trình mới tốt hơn, chắc chắn thế - hay ít nhất trong những ngày cuối năm này, trên chuyến tàu tết này, người ta tin thế.
Trên con tàu về quê hương, những tâm tình, bao mảnh đời hiển hiện - Ảnh: Minh An
Cho đến khi tàu hụ hồi còi dài và lăn bánh, vẫn còn vài người đang kê kê xếp xếp những túi đồ, lèn chúng vào dưới lòng ghế để lối đi được dôi ra đôi chút không gian. Đó là chiếc vali nhỏ chứa mấy bộ đồ mới, túi đồ ăn mang theo “cho chắc bụng”, chiếc xe thể thao đồ chơi của thằng nhóc con…
Bao giờ cũng vậy, kể từ 15 tháng Chạp, những chuyến tàu đã bắt đầu khác. Nói đúng hơn, người đi tàu đã khác. Đồ đạc nhiều hơn, dáng dấp hối hả hơn, nét mặt háo hức hơn. Người ta nói, muốn biết một ai đó đã đi qua 1 năm như thế nào, thất bát hay vẹn ý, cứ nhìn vào người đó trên chuyến tàu tết. Được năm dư dả, thể nào cũng lỉnh kỉnh túi nhỏ túi to, lớp cho mẹ cha lớp cho đám cháu, lớp biếu họ hàng. Đôi mắt cười nhiều hơn, câu chào hỏi đồng hương gặp trên tàu cũng rôm rả lạ thường.
Thường câu chuyện bắt đầu từ những người già. Họ ngồi đó, “rà tần sóng” của người cùng toa rồi bắt đầu câu chuyện của mình. Nó thường khởi đi bằng những câu hỏi: “Nhà ở khúc nào?”, “Ở quê còn nhiều người hông?”… Câu chuyện sau đó sẽ lan đến hàng ghế tiếp theo, rồi có khi là tiếp theo nữa… Toa tàu không lúc nào ngớt tiếng hỏi han. Tết rồi, 1 năm bon chen nơi phố thị đã ở lại sau lưng.
Sau đại dịch, câu chuyện phiếm trên các toa tàu đã thêm vào rất nhiều nội dung mới. Người thì mất việc cả nửa năm, chỉ vừa tìm được việc mới vài tháng. Hành lý về nhà năm nay cũng nhẹ đi một ít. Kẻ không mất việc nhưng công ty giảm đơn hàng, mà thu nhập của nhân viên dựa chính vào số lượng sản phẩm, nên ngày về chỉ có thể mua được chút bánh và bộ áo mới cho thằng con… Kể cho nhau nghe chuyện vất vả cũng là một cách trút xuống nhọc nhằn. Rồi mách nhau chỗ kia đang tuyển người, qua tết vô gửi hồ sơ xem sao. “Có sao đâu mấy cô mấy bác, còn thở là còn gỡ mà, sợ gì” - câu nói của một cậu thanh niên khiến cả toa cười rộ, kéo theo hàng loạt tiếng “đúng, đúng”.
Với những người tha hương, điều thích nhất chính là không khí này. Câu chuyện, âm điệu, giọng nói và con người cùng cảnh sắc khiến người ta có cảm giác được thả lỏng. Nhất là khi sau những đoạn nhà cửa san sát của phố thị, 2 bên mạn tàu bắt đầu xuất hiện màu xanh của cây cối, những chồi non vừa nhú, những thửa ruộng bắt đầu chuyển sắc… cho thấy rõ một mùa đông đã qua và mùa xuân ngấp nghé hiện diện. Ai đó lại xếp xếp túi hành lý đã có phần xộc xệch vì sự chuyển động của tàu, thả câu bâng quơ: “Nói gì thì nói, tết là phải về nhà”.
Ai cũng biết, về rồi sẽ lại đi. Cuộc mưu sinh của đời người nào có chỗ cho chữ bất di nhưng một cái tết ấm áp cùng người thân sẽ khởi đầu cho một hành trình mới tốt hơn, chắc chắn thế - hay ít nhất trong những ngày cuối năm này, trên chuyến tàu tết này, người ta tin thế. Thế nên, toa tàu tết có rộng đi vì túi bánh, chiếc giỏ của mỗi người năm nay có nhỏ hơn mọi năm thì sự hân hoan vẫn đầy ắp như cũ. Trong niềm hân hoan đó, không hẳn ai cũng nhận diện được mình kỳ vọng điều gì ở năm mới nhưng kể từ lúc đi qua cửa ga tàu, trút bỏ sự bồn chồn đợi chờ tàu đến, niềm tin về một điều gì đó sáng sủa hơn đã được nuôi dưỡng trong lòng.
Năm mới, mọi điều sẽ mới.
(*) Lời bài hát Tàu về quê ngoại, sáng tác: Phạm Thế Mỹ