Lời tòa soạn: Gió Biển Đông vẫn thổi, căng nương theo đó là những cánh buồm của hậu duệ hùng binh Hoàng Sa một thời đến thuở “ban đầu dân quốc” 2/9/1945 rồi không một phút dừng tay chèo đến bây giờ và mãi mãi ngàn sau. Con cá để ăn, ngọn gió để thở và từng con sóng là những cột mốc xanh nhuộm máu bao thế hệ người Việt, thấm tận tâm can, lặn vào gen, bất biến. Cuộc sống của người Việt, dẫu đang chao lệch bởi đại dịch tàn phá, vẫn không tắt ngọn đèn ngóng biển, vẫn không ngừng dõi theo và chắn che những cơn gió ngạo ngược, xảo quyệt từ phương Bắc tràn xuống, không một phút giây lơ là. Khi Trung Quốc càng ngày càng muốn đóng cái cột “thiên tử” xuống Biển Đông, thì ta càng kiên gan, bởi câu “Nam quốc sơn hà…” như một lời nguyền truyền nhau không dứt…
|
Giáo sư - tiến sĩ - luật sư Nguyễn Bá Diến |
Nhà cầm quyền Trung Quốc đã thể hiện sự vô pháp vô thiên của mình như thế nào? Đâu là cội nguồn của dã tâm bành trướng đó? Báo Phụ Nữ TPHCM đã nhận được sự chia sẻ từ các chuyên gia luật quốc tế, các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử Trung Quốc, các nhà nghiên cứu chiến lược, lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa…
Có sức mạnh cứng, nhưng sức mạnh mềm thì không
Có thể gọi những hành động gây hấn gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông là hết sức ngang ngược. Những hành động đó không mới nhưng lại thể hiện bước tiến mới với mong muốn lấp liếm những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc: xâm lược hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và từng bước hiện thực hóa âm mưu độc chiếm Biển Đông. Hành vi này đã bị nghiêm cấm trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc (LHQ), bị nghiêm cấm trong Tuyên bố ngày 24/10/1970 của Đại hội đồng LHQ về các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế.
Nghị quyết 3314 năm 1974 của Đại hội đồng LHQ định nghĩa: “Hành vi xâm lược là hành vi dùng lực lượng vũ trang để đánh chiếm, xâm phạm một phần hoặc toàn bộ lãnh thổ của quốc gia khác, hoặc can thiệp vào nền độc lập chính trị của quốc gia khác”. Hành vi xâm lược bị coi là hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Vì vậy, mọi hành vi xâm lược đều bị nghiêm cấm dưới bất kỳ hình thức và phương thức nào, kể cả gián tiếp hoặc trực tiếp. Do đó, hành vi xâm lược được coi là tội ác quốc tế.
Hành vi xâm lược cũng được coi là một trong bốn tội ác chống lại loài người, điều này đã được ghi trong Công ước Roma năm 1998 về thành lập Tòa án Hình sự quốc tế. Hành vi xâm lược đã bị nghiêm cấm từ lâu trong luật pháp quốc tế. Một quốc gia dùng vũ lực xâm lược lãnh thổ của quốc gia khác thì không chỉ quốc gia đó mà cả những cá nhân (là lãnh đạo, tướng lĩnh, binh sĩ, quan chức…) của quốc gia xâm lược cũng phải chịu trách nhiệm pháp lý quốc tế. Việc thụ đắc lãnh thổ, đặc biệt thụ đắc quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa của Việt Nam bằng vũ lực là hành vi bất hợp pháp, vô giá trị và Trung Quốc phải chịu trách nhiệm pháp lý quốc tế về điều đó.
|
Bắc Kinh tích cực xây dựng cơ sở hạ tầng và vũ khí tại khu vực Trường Sa của Việt Nam |
Với cương vị là Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Trung Quốc càng phải gương mẫu hơn ai hết trong việc tuân thủ Hiến chương LHQ, các nguyên tắc và quy phạm của luật pháp quốc tế. Thế nhưng, trong gần nửa thế kỷ qua, Trung Quốc liên tục vi phạm các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế, giẫm đạp lên những nguyên tắc của Hiến chương LHQ, của Công ước LHQ về Luật Biển UNCLOS năm 1982, của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)…
Một trong những yếu tố cốt lõi làm nên “sức mạnh mềm” của một quốc gia là sự thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền và bình đẳng giữa các quốc gia, tôn trọng nguyên tắc cấm dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Trung Quốc lâu nay đều làm ngược lại thì làm sao họ có được hình ảnh và giá trị trong trái tim nhân loại yêu chuộng hòa bình và công lý? Vì vậy, Trung Quốc lấy đâu ra “sức mạnh mềm”, nhất là khi thế giới đã thức tỉnh trước những chiêu trò ru ngủ, lừa mị và những hành động hung hăng, gặm nhấm trên thực địa của Trung Quốc?
Ngang ngược từ bàn đàm phán đến thực thi cam kết
Trong cam kết chính trị, giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002 đã có DOC, trong đó có nội dung rất quan trọng: các bên tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Các bên cam kết giải quyết mọi tranh chấp trên biển bằng những giải pháp hòa bình thông qua thương nghị đàm phán hòa giải trung gian, dựa trên luật pháp quốc tế. Các bên không làm phức tạp thêm tình hình.
Năm 2012, các nước ASEAN mong muốn cùng Trung Quốc đàm phán để thay thế DOC bằng COC (bộ luật ứng xử trên Biển Đông). Nhưng đến nay, COC vẫn chưa được thông qua. Ngay khi DOC vẫn đang còn hiệu lực, trên thực tế, Trung Quốc không hề tuân thủ các nguyên tắc lớn, cơ bản của DOC. Trung Quốc đã giẫm đạp lên chính những nguyên tắc mà họ đã cam kết.
|
Bức ảnh chụp ngày 5/5/2016 cho thấy thành viên Hạm đội Biển Nam Trung Quốc tham gia một cuộc tập trận tại Biển Đông |
Năm 2018, thủ tướng Trung Quốc tuyên bố, trong ba năm tới, COC sẽ phải được ký kết. Nhưng đến năm 2020 này, vẫn chưa thấy một văn bản chính thống nào được tất cả các bên chấp thuận. Trong quá trình đàm phán xây dựng COC, dù chưa công bố công khai, nhưng thế giới và các nước ASEAN cũng đã biết rõ tâm địa của Trung Quốc.
Trung Quốc hoàn toàn không thực tâm muốn xây dựng một COC văn minh, lành mạnh dựa trên luật pháp quốc tế. Những đòi hỏi của họ hết sức ngang ngược. Họ đòi COC không được nộp lưu chiểu ở LHQ (đồng nghĩa với việc COC không có giá trị và ràng buộc pháp lý); đòi các quốc gia trong ASEAN không được hợp tác chung với bên ngoài; họ còn đòi không được đụng đến các đảo mà họ đã chiếm đóng phi pháp ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cho dù về pháp lý, những đảo và quần đảo này là của Việt Nam.
Với những đòi hỏi ngang ngược đó, dĩ nhiên Việt Nam và các quốc gia ASEAN không chấp nhận. Việt Nam và các nước ASEAN đều nhận thức rõ ràng rằng, COC trước hết phải dựa trên luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, đặc biệt phải bảo đảm được mục tiêu tối thượng là chủ quyền quốc gia, bảo vệ được quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đó là nguyên tắc tối thượng, không thể đánh đổi.
Việc khởi động COC từ năm 2013 nhưng đến nay vẫn chưa ký kết còn là cách Trung Quốc câu giờ để tiếp tục hoàn thiện việc “đảo hóa” các thực thể nhân tạo, tiếp tục quân sự hóa trên các thực thể này ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà họ đánh cướp của Việt Nam, để lừa mị rằng Trung Quốc là một quốc gia yêu chuộng hòa bình, sẵn sàng hợp tác với các nước ASEAN.
Giáo sư - tiến sĩ - luật sư Nguyễn Bá Diến
- Chủ tịch Viện Nghiên cứu khoa học biển và hải đảo, Chủ tịch hội đồng
Công ty Luật VNJUST, Giám đốc Trung tâm Luật Biển và Hàng hải quốc tế
Ngọc Minh Tâm (ghi)
Chiều qua, 20/8, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã nhắc lại lập trường của Việt Nam khi được yêu cầu bình luận việc tàu Hải cảnh của Trung Quốc - trong vòng một tháng qua đã đi vào thềm lục địa của Việt Nam và thăm dò quanh lô dầu 06.01: “Mọi hoạt động của các bên ở Biển Đông cần tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia liên quan tại các vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước của LHQ về Luật Biển 1982”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao thông tin thêm: các lực lượng chức năng của Việt Nam luôn giám sát chặt chẽ mọi động thái trên Biển Đông và thực thi pháp luật một cách hòa bình, hợp pháp trong vùng biển của Việt Nam để bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.
|
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng |
Thực tế hai năm gần đây, tàu thăm dò địa chất và tàu cảnh sát biển của Trung Quốc liên tiếp đi vào lãnh hải của không chỉ Việt Nam mà còn của các nước trong khu vực Biển Đông, cản trở các hoạt động khai thác dầu khí hợp pháp. Tháng 7/2019, tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 và nhóm tàu hộ tống của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông. Tháng 4/2020, tàu Hải Dương 8 này còn tới khu vực phía nam Biển Đông khảo sát, gần vị trí hoạt động của tàu khoan West Capella do Công ty dầu khí Petronas của Malaysia thuê. Indonesia, Malaysia và Philippines và hai nước ngoài khu vực Biển Đông là Mỹ và Úc cũng đã chỉ trích những hoạt động gây hấn, quấy rối của Trung Quốc trong lãnh hải của các nước.
M.Tâm