Trên báo một đằng, dưới khai một nẻo

09/10/2013 - 20:01

PNO - PN - Thời gian qua, dư luận râm ran về những số liệu thống kê, báo cáo dịch sốt xuất huyết của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho Viện Pasteur TP.HCM. Báo cáo này có những con số hết sức “lạ”.

edf40wrjww2tblPage:Content

 Nhiều báo cáo “ngược”

Số thứ tự của các báo cáo dịch bệnh theo thời gian của Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) được ghi hết sức tùy tiện. Cụ thể như ngày 27/9/2013, ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc TTYTDP TP.HCM ký ba loạt báo cáo tình hình dịch bệnh gồm các báo cáo tình hình dịch bệnh truyền nhiễm theo tuần, các báo cáo bệnh truyền nhiễm theo tháng và các báo cáo sốt xuất huyết (SXH) theo tháng.

Điều khó hiểu là báo cáo tình hình dịch bệnh truyền nhiễm của ba tháng Sáu, Bảy, Tám năm 2013 được đánh số thứ tự giảm dần, số 1.564 (tháng Sáu), 1.563 (tháng Bảy); 1.562 (tháng Tám). Lỗi “cài số de” cũng tương tự ở báo cáo bệnh truyền nhiễm theo từng tuần, từ tuần 32 đến tuần thứ 38 của năm 2013 (tức từ thời điểm 5/8/2013 đến 22/9/2013).

Ví dụ, tuần 32 có số thứ tự 1.571, nhưng tuần 33 có số 1.570. Theo quy định, các báo cáo này là phải báo cáo theo từng tuần, tháng khác nhau mà số văn bản lại sát nhau và được ký trùng một ngày, 27/9/2013!

Trước đó, sáu tháng đầu năm 2013, số ca SXH tại H.Hóc Môn được chính địa phương này ghi nhận lên tới 190 ca. Trong khi báo cáo dịch bệnh SXH do TTYTDP TP.HCM cho Viện Pasteur TP.HCM là ở H.Hóc Môn chỉ có 83 ca, chênh lệch tới 107 ca.

Tren bao mot dang, duoi khai mot neo

Ảnh minh họa: Nam Anh.

Trước việc TTYTDP TP.HCM chỉ lấy số ca bệnh ở các bệnh viện (BV) lớn của TP để báo cáo cho Viện Pasteur TP.HCM chứ không lấy thông tin số ca bệnh từ BV quận/huyện, hay số ca bệnh ghi nhận trong cộng đồng địa phương để báo cáo, trong tháng 8/2013, Viện Pasteur TP.HCM lẫn Sở Y tế TP.HCM đã liên tục gửi công văn cho TTYTDP TP.HCM để “nhắc nhở”. Riêng Viện Pasteur TP.HCM gửi tới ba công văn trong tháng 8/2013.

Trong công văn số 1.536, Viện Pasteur TP.HCM khẳng định: “TTYTDP TP đang báo cáo sót một số lượng lớn ca SXH Dengue nhập viện tại các BV quận, huyện. Cụ thể là hàng tuần BV H.Hóc Môn tiếp nhận và điều trị nội trú 10 ca SXH Dengue nhưng TTYTDP không cập nhật”. Từ báo cáo sót ở H.Hóc Môn, Viện Pasteur suy luận: “Tình trạng này (báo cáo sót - PV) cũng có thể tương tự ở những quận, huyện khác. Vấn đề quan trọng này đã được Viện Pasteur đề cập vào tháng 7/2013, nhưng đến ngày 16/8/2013 vẫn chưa được TTYTDP TP.HCM khắc phục”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc TTYTDP TP.HCM lý giải: “Việc báo cáo tình hình dịch bệnh là hết sức quan trọng. Do đó, thời gian qua, TTYTDP TP.HCM vẫn báo cáo lên Viện Pasteur bằng email hàng tuần, hàng tháng. Tuy nhiên, theo quy định, sau khi báo cáo hàng tuần thì vẫn phải báo cáo bằng văn bản. Nhưng vì phần quá nhiều việc, nhân sự không đủ và vì đây chỉ là phần thủ tục để coi như chính thức số liệu mình báo cáo trước đây bằng thư điện tử nên TTYTDP TP.HCM đã gom lại ký cùng một ngày. Việc hàng loạt số báo cáo bị đánh thứ tự thụt lùi chỉ là lỗi nhỏ của khâu hành chính chứ không gây ra sai sót nghiêm trọng”.

Ông Nguyễn Đắc Thọ và ông Nguyễn Trí Dũng đều cho rằng: Việc báo cáo các bệnh truyền nhiễm, SXH theo thông tư 48-2008/BYT là chưa phù hợp đối với TP lớn như TP.HCM. Bởi TP.HCM có khoảng 30 BV quận huyện, khó mà báo cáo đầy đủ. Thực tế cho thấy ngoài một số BV lớn của TP làm tốt việc báo cáo số liệu dịch bệnh thì còn không ít BV “năm thì mười họa” mới báo cáo, hay báo cáo không đầy đủ thì cũng đành “bó tay”. Thời gian qua, chúng tôi cũng đã thường xuyên nhắc nhở, yêu cầu các BV phải chấn chỉnh.

Riêng số liệu báo cáo giữa TTYTDP TP và TTYTDP H.Hóc Môn khác nhau là do chưa thống nhất nguồn số liệu. Trong khi đó, TTYTDP H.Hóc Môn ghi nhận ca SXH từ BV H.Hóc Môn, từ cộng đồng. Đứng về góc độ chuyên môn việc ghi nhận từ cộng đồng không dùng để báo cáo được (vì có những ca bệnh chỉ là dạng nghi ngờ). “Số liệu không sai mà ở đây là chưa có sự đồng nhất về nguồn số liệu”, TTYTDP TP.HCM khẳng định.

Phần mềm còn khiếm khuyết?

Bộ Y tế đã có quy định về việc sử dụng phần mềm báo cáo dịch bệnh. Nếu phần mềm không hợp lý thì tại sao TTYTDP TP.HCM không kiến nghị, đề xuất? Đằng này, số liệu báo cáo của trung tâm thấp hơn thực tế khiến dư luận thắc mắc, có hay không việc TTYTDP TP.HCM cố tình sử dụng số liệu thấp để “giấu dịch”, gây khó khăn trong đánh giá, xử lý dịch?

“Chưa thực hiện phần mềm của Bộ, theo cá nhân tôi, phần mềm này còn khiếm khuyết, không phù hợp với tình hình của TP.HCM nên khó áp dụng”, ông Nguyễn Đắc Thọ nói. Tuy nhiên, ông Thọ cũng khẳng định: “Nói gì thì nói, TP.HCM sẽ áp dụng phần mềm này kể từ 2014”.

Rõ ràng, việc báo cáo số liệu khác với thực tế đã khiến công tác giám sát dịch SXH tại TP.HCM khó khăn. Theo Viện Pasteur TP.HCM, tính đến cuối tháng Tám, TP.HCM là địa phương có số ca mắc SXH cao nhất khu vực phía Nam. Trong đó, H.Hóc Môn là một trong các huyện có tình hình SXH phức tạp nhất thành phố. Công tác đánh giá hiệu quả xử lý dịch chưa thực hiện triệt để, thậm chí, ngay sau xử lý, số ca mắc vẫn liên tục xuất hiện.

Tiến Đạt

TS Trần Đắc Phu, Cục phó Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế): Chưa nhận được phản ánh nêu khó khăn trong thống kê

Việc thực hiện thống kê số liệu mắc SXH được Bộ Y tế chấp nhận cả cách thống kê mới và cũ, tức là bằng văn bản hay excel. Vấn đề quan trọng nhất là xác định chính xác đúng ca mắc SXH để điều trị. Hiện nay, Bộ chưa nhận được phản ánh của địa phương nào về việc khó khăn trong cách thống kê. Nếu địa phương nào thắc mắc hoặc gặp khó khăn gì cần báo cáo ngay.

Số liệu không thể chính xác 100% nên việc thống kê chỉ mang tính tương đối. Tuy nhiên, quan trọng là các ca bệnh được xác định chính xác và điều trị tốt. Việc báo cáo vẫn theo các bước từ dưới báo lên.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội: Thống kê ca mắc SXH theo từng ca bệnh

Hà Nội thống kê số bệnh nhân SXH theo từng ca bệnh. Số liệu báo cáo sẽ do thành phố quản lý. Với mỗi ca bệnh, chúng tôi có bệnh án, giám sát cụ thể. Khi bệnh nhân có triệu chứng bệnh thì chúng tôi sẽ điều tra, theo dõi và xác định bệnh. Triệu chứng ban đầu của SXH giống một số bệnh khác như sốt siêu vi… Sau khi xác định chính xác bệnh SXH, bệnh nhân sẽ được theo dõi, điều trị theo đúng phác đồ. Như vậy, số liệu ca mắc SXH sẽ chính xác, không bị bỏ sót. Hiện chúng tôi hài lòng với cách quản lý này vì không gặp khó khăn nào.

Bảo Thoa (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI