Trên 70 tuổi, phỏng 30%, dễ tử vong

12/09/2020 - 07:25

PNO - Mỗi năm, Khoa Phỏng - Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM tiếp nhận khoảng 20 trường hợp tai nạn phỏng ở người lớn tuổi. Trong số bệnh nhân này, người có thể vượt qua rất ít.

 

Nhân viên y tế theo dõi sức khỏe bệnh nhân bị phỏng lửa gần như toàn cơ thể - Ảnh: Phạm An
Nhân viên y tế theo dõi sức khỏe bệnh nhân bị phỏng lửa gần như toàn cơ thể - Ảnh: Phạm An

Tai nạn phỏng trong sinh hoạt ở người lớn tuổi

Bà T.T.K. (82 tuổi, ở tỉnh Bình Định) dù được con cháu chăm sóc tận tình nhưng vẫn thích tự mình vào bếp nấu ăn. Theo thói quen, bà sử dụng bếp dầu thay vì bếp gas hay bếp điện của gia đình. Không may, trong lúc nấu canh, bếp hết dầu, bà K. lấy chai dầu ra châm thêm thì sơ ý té ngã làm đổ dầu ra ngoài.

Lửa từ bếp bén dầu, cháy lớn khiến bà phỏng nặng. Nghe bà kêu cứu, cả nhà chạy đến, nhanh chóng dập lửa, đưa bà vào Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Bình Định cấp cứu. Sau 10 ngày cứu chữa, do vết thương của bà K. quá nặng, bác sĩ chuyển bà vào BV Chợ Rẫy TP.HCM.

Tiến sĩ - bác sĩ Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Phỏng - Phẫu thuật tạo hình BV Chợ Rẫy, cho hay bà K. bị phỏng độ 2, 3, diện tích 34% cơ thể. Tuy bà tỉnh, sốt nhẹ, nhưng vết thương phỏng đã nhiễm trùng, hoại tử, rơi vào sốc phỏng, kèm theo cao huyết áp nên tiên lượng gần như tử vong.

Dù vậy, sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định điều trị tích cực cho bà, truyền kháng sinh hạn chế mức độ nhiễm trùng, nâng đỡ thể trạng, tinh thần cho bà K., sau đó phẫu thuật cắt lọc mô hoại tử… Tiếp theo, các bác sĩ thực hiện ghép da tự thân cho bà K. May mắn năm lần phẫu thuật đều diễn tiến thuận lợi, bà K. khỏe lại và xuất viện về nhà.

Nhập viện sau bà K. không lâu, ông P.P. (66 tuổi, ở tỉnh Quảng Ngãi) vẫn còn phải điều trị tích cực, kiểm soát nhiễm trùng bởi vô ý bị phỏng lúc đang dùng rơm nấu ăn. Theo người nhà ông P., gia đình làm nông nên sau mỗi mùa vụ sẽ trữ rơm thay củi. Cuối tháng Tám, ông nấu cơm như mọi ngày, trong lúc lấy thêm rơm để đốt, ông P. thấy chóng mặt rồi lảo đảo té vào bếp lò đang cháy rực. Rơm quá nóng khiến ông bị phỏng nặng vùng mặt, đầu, tay phải… Ông được đưa đến BV đa khoa tỉnh Quảng Ngãi với tiên lượng nặng, BV tiếp tục chuyển ông đến BV Chợ Rẫy TP.HCM điều trị.

Lúc này, ông P. được bác sĩ chẩn đoán phỏng độ 2, 3, diện tích 34% cơ thể, phỏng sâu độ 3 vùng mặt, vết thương đã hoại tử, sốc nhiễm trùng. BV tiến hành điều trị tích cực cho ông, phẫu thuật cắt lọc mô hoại tử nhưng ông P. vẫn còn phải đối mặt với nhiều cuộc mổ tiếp theo trong thời gian tới.

Đa số người lớn tuổi bị phỏng thường tử vong

Theo bác sĩ Hiệp, bà K. là bệnh nhân để lại cho ông nhiều ấn tượng, hơn 5 năm qua, với người lớn tuổi phỏng lửa mức độ nặng, hình như chỉ có bà vượt qua được “lưỡi hái tử thần”. 

Nhớ lại quá trình hơn một tháng điều trị cho bà K., bác sĩ Hiệp vẫn còn xúc động: “Có những giai đoạn chúng tôi rất chần chừ và khó khăn khi xử lý vết thương cho bà, nhất là giai đoạn ghép da. Nếu lấy chính da của bà, ê-kíp lo ngại bà không chịu nổi bởi quá nhiều tổn thương do phỏng. Người con trai đồng ý hiến tặng da cho mẹ nhưng lấy da của anh ấy, nếu bà K. không qua khỏi thì ê-kíp vô tình làm đau thêm một người. Cuối cùng, chúng tôi thống nhất lấy da của bà K. và sẽ cố gắng nâng đỡ bà hết mức có thể.

Phải nói ý chí và nghị lực của bà K. rất lớn. Thông thường, những bệnh nhân hơn 70 tuổi bị phỏng mức độ nặng như vậy sẽ không thể vượt qua, nhưng bà K. mạnh mẽ trải qua hai lần phẫu thuật cắt lọc mô hoại tử, ba lần mổ ghép da tự thân và hồi phục thần kỳ. Hiện tại, bà có thể tự đi lại, sinh hoạt, tuy nhiên khi các vết thương lành, bà cũng sẽ chịu các sẹo co rút”.

Bác sĩ Hiệp cho biết, người lớn tuổi thường các vận động tay, chân đã yếu, phản ứng chậm với các tình huống bất ngờ, nhất là với người có bệnh lý nền, các bệnh về khớp thì càng gặp nhiều nguy cơ phỏng hơn nếu đám cháy xảy ra. Tại Khoa Phỏng - Phẫu thuật tạo hình, tai nạn phỏng do sinh hoạt chiếm khoảng 50% trong tổng số các bệnh nhân đang được điều trị.

Cùng một tai nạn phỏng, cùng một diện tích phỏng trên cơ thể, nhưng người càng lớn tuổi thì hậu quả phải hứng chịu càng cao. Đặc biệt người trên 70 tuổi, chỉ cần phỏng khoảng 30% cơ thể trở lên là gần như không còn hy vọng sống bởi sức chịu đựng, đề kháng cũng như miễn dịch đã hạn chế.

“Mỗi năm, BV tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân lớn tuổi bị phỏng do sinh hoạt. Trong đó, bệnh nhân vượt qua được rất ít. Suốt 5 năm qua, mặc dù các phương pháp, phác đồ điều trị phỏng đã có nhiều tiến bộ, nhưng có lẽ ở bệnh nhân phỏng như bà K. thì chỉ có bà phục hồi, còn lại đều tử vong rất xót xa”, bác sĩ Hiệp nói

Khi phát hiện một người bị phỏng, nên cách ly nạn nhân với nguồn gây phỏng ngay. Tùy theo vết phỏng và nguyên nhân gây phỏng, phải làm sạch vết thương, ngâm phần bị phỏng vào nước sạch để giảm nhiệt, băng bó để giữ vết thương không nhiễm trùng rồi đưa đến BV gần nhất để cấp cứu. Tuyệt đối không chà xát, đắp lá, hay dùng nước mắm, nước trà vào vết thương sẽ vô tình làm nơi phỏng nặng nề hơn.

Phạm An

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI