Chiều ngày 2/3, đại diện YouTube đã thông báo với Cục phát thanh – Truyền hình – Điện tử (bộ TT-TT) đã gỡ bỏ hết các clip có chèn nội dung hướng dẫn trẻ em tự sát, được gọi là “Thử thách Momo”.
Đây là những clip được phát hiện bởi một nhóm phụ huynh, sau đó cảnh báo đến nhiều người khác. Phải đến khi sự cảnh báo này được chia sẻ rộng, nhiều phụ hunh mới giật mình kiểm tra lại các clip, các nội dung mà lâu nay con mình xem.
|
Ảnh đại diện gớm giếc của nhân vật Momo |
Cho đến nay, người ta vẫn chưa tìm thấy bằng chứng nào của Momo liên quan đến các cuộc tự sát của trẻ em, theo các bài viết mới nhất của Washington Post, The Sun… Trước đó, truyền thông phương Tây cho biết, ở Mỹ, có bé trai 5 tuổi tự lấy kéo cắt da đầu mình theo gợi ý của Momo, hay một cô bé 7 tuổi bỗng dưng hoảng loạn, thường xuyên đập đầu vào tường đến tứa máu sau khi xem “thử thách Momo”…
Ở Việt Nam, gần như chưa có phụ huynh nào trực tiếp xem được "thử thách" này, nhưng sự hoảng loạn là có thật. Hoảng loạn vì một sản phẩm độc hại cụ thể, hoảng loạn vì môi trường giải trí của con mình hoá ra tiềm ẩn nhiều thứ độc hại đến thế mà mình bấy lâu không biết. Bởi, những thứ độc hại tương tự vẫn còn nhan nhản trên môi trường số mà trẻ tiếp cận mỗi ngày, mặc cho những cam kết nghe qua rất tuyệt đối của đơn vị cung cấp. Mới đây nhất là các clip được đặt các tiêu đề dành cho trẻ em nhưng bên trong đó là đầy rẫy hình ảnh “khoe hàng’ tục tĩu.
Khi phát hiện ra các clip này, rồi đến câu chuyện về “thử thách Momo”, không ít phụ huỳnh phẫn nộ rồi tự trách. Trước đó, không ai ngờ rằng sau nhiều biện pháp lọc, chặn các trang web thiếu an toàn, chỉ giữ lại mỗi YouTube Kids (kênh dành cho trẻ em với những sản phẩm phụ vụ cho nhu cầu giải trí và phát triển trí não của trẻ- như lời trang chia sẻ toàn cầu YouTube tuyên bố) nhưng các nội xấu, độc hại, gây chết người theo nghĩa đen như thế vẫn xuất hiện.
Gần như, bất kỳ gia đình nào có con nhỏ cũng phải đối diện với câu hỏi nên cho con mình xem gì, kênh nào?... “Nhu cầu về các sản phẩm giải trí đối với trẻ con, thực tế còn bức thiết hơn cả người lớn, bởi người lớn còn có thể tự tạo những cuộc tán gẫu, những cuộc gặp bạn bè… khi cần chia sẻ hay stress, nhưng trẻ con thì không. Dường như mọi nhu cầu giải trí của trẻ đều chỉ dựa vào các sản phẩm giải trí, mà nay hầu hết là được lưu hành trên mạng”- chị Phương Hà (quận Bình Thạnh, TP.HCM) nói.
|
Những clip tục tĩu được đặt tiêu đề gây hiểu nhầm là dành cho trẻ em |
Chị cho biết, cũng như nhiều phụ huynh khác, những lúc bận cơm nước hoặc việc nhà, chị đều yên tâm thảy cho con mình chiếc điện thoại, ipad trong sự đinh ninh rằng chương trình được cài trong ấy sẽ không gây tác hại nào cả, bởi trước đó chị đã bỏ ra cả buổi để “lọc”, chặn các kênh không phù hợp. Một cách khác, các bậc phụ huynh đã phó thác sự an toàn của con mình cho bên thứ ba, là YouTube. “Tôi đã cẩn thận, mở từng clip ra xem đó là về nội dung gì rồi mới cho con xem, nhưng ai có thể ngờ được thứ độc hại ấy chèn vào giữa các sản phẩn vốn vô hại”, một phụ huynh than thở trên các diễn đàn. Chị đã “rất cẩn thận”, nhưng tiếc rằng chị không đủ thời gian để xem các clip mà chị dành cho con mình ấy đến phút cuối. Bận, cộng với lòng tin về độ lọc an toàn của bên cung cấp, nhiều phụ huynh đã thiếu đi động tác theo dõi, giám sát thường xuyên và chặc chẽ nội dung mà con mình xem.
Anh Phan Hoàng (giáo viên một trường tiểu học quận Tân Phú), một ngày đẹp trời tá hoả vì đứa con trai 5 tuổi bỗng chỉ tay vào mặt mẹ mình, kêu: “Con kia!”. Đó chính là cách xưng hô trong sản phẩm của một nhóm hài trên mạng mà con anh rất thích xem, vợ chồng anh cũng biết cháu có xem các clip đó nhưng nghĩ rằng không sao, clip hài nên chắc… vô hại.
“Mà đâu chỉ có vậy. Tôi có chị bạn, đứa con gái nhỏ 3 tuổi của chị bỗng dưng ít nói dần sau khi chị lên chức tổng giám đốc. Cho đến khi chị giật mình nhận ra sự bất thường của con và mang con đến bác sĩ, chị mới hay rằng cháu mất dần phản xạ tương tác ở đời thực, do suốt ngày chỉ xem các clip trên mạng. Chị than thở, cứ nghĩ rằng đã chọn lọc các clip cho con kỹ càng là đủ, dè đâu…”- anh Phan Hoàng chia sẻ.
Clip một thanh niên Hàn Quốc thử gọi cho Momo:
Theo một kỹ sư công nghệ, biện pháp để ngăn chặn các clip độc hại là… không có biện pháp nào cả. “Về mặt lý thuyết, có thể chặn các clip bằng từ khoá, chặn kênh… nhưng thật ra cách đó không có hiệu quả. Trên các kênh, các sản phẩm được cập nhật liên tục và không theo lịch nào, sự giám sát của cha mẹ chắc chắn không theo kịp. Hơn nữa, như “thử thách Momo” đang gây sợ hãi kia, nó được cho là chèn vào giữa clip dành cho trẻ em, trong khi ít có cha mẹ nào ngồi kiểm tra kỹ từng clip từ đầu đến cuối”- một nhân viên công nghệ cho hay.
Cũng theo anh, chỉ có một cách để đảm bảo an toàn cho con trước sự tấn công của nội dung xấu, là các phụ huynh sau khi kiểm tra clip, tải các clip sạch đó về máy chứ không cho con xem trực tiếp trên ứng dụng. “Nhưng, cách tốt nhất là cha mẹ nên ngồi xem cùng con”- anh nói. Xem cùng con, ngoài việc có thể phát hiện kịp thời những yếu tố xấu, lại vừa có thể trò chuyện, bàn luận cùng con những chi tiết trong clip. Điều đó không chỉ giúp cha mẹ gắn kết với con hơn, còn có thể giúp con có được thói quen phân tích qua những câu đố.
Nói một cách khác, chẳng có công cụ lọc nào an toàn cho trẻ, ngoại trừ cha mẹ. Với các kênh giải trí trên mạng, một khi lợi nhuận là yếu tố quyết định sự phát triển và tồn tại, thì đòi hỏi chữ “vì trẻ em” một cách tuyệt đối chính là tìm kiếm điều không có thực.
"Thử thách Momo" được cho là một trò chơi xuất phát từ Anh quốc. Ban đầu, trẻ em nhận được sự liên lạc của một nhân vật tự xưng là Momo với ảnh đại diện là một người phụ nữ đầu người mình gà, khuôn mặt gớm ghiếc… Khi gọi điện cho nhân vật, người chơi sẽ chỉ nghe những âm thanh kỳ lạ, ma quái. Ngoài ra, thông qua tin nhắn, Momo hướng dẫn trẻ em tự sát, có khi là cắt cổ tay, có khi là treo cổ, nhảy lầu… Theo nhiều phương tiện truyền thông, clip “thử thách Momo” gần đây được phát hiện chèn vào giữa các sản phẩm giải trí dành cho trẻ như Fortnight, Peppa Pig… được phát trên YouTube Kids.
|
Nghĩa Khánh