Trẻ vô ý thức nơi công cộng, lỗi tại cha mẹ

05/10/2024 - 11:04

PNO - Ngay cả việc hái hoa hái trái cũng cần phải học. Học để biết cách hái làm sao để hoa trái cảm ơn mình.

Buổi chiều mát trời, tôi có thói quen ra công viên gần nhà đi bộ tập thể dục. Gọi là “đi thể dục” nhưng lần nào tôi cũng bị hút mắt vào những bụi hoa hồng trĩu bông giữa công viên, và thể nào cũng dừng lại ngắm ít phút.

Trên mảnh đất màu mỡ dưỡng chất, nắng mưa chan hòa, từng khóm hồng khỏe mạnh vươn ra những chùm hoa phơi phới, nặng trĩu cành. Màu sắc rực rỡ, hương thơm thoang thoảng từ những cánh hồng làm mê mẩn bước chân người.

Dạy cho trẻ yêu thiên nhiên từ việc trồng cây, con sẽ biết trân quý hơn sức lao động mình (ảnh minh họa)
Dạy trẻ yêu thiên nhiên từ việc trồng cây, con sẽ biết trân quý hơn sức lao động mình (ảnh minh họa)

Là người yêu cây, tôi cũng trồng một khu vườn nhỏ trên sân thượng nhưng chăm chút kiểu gì cũng không "sai hoa" như ở nơi này, nên mỗi lần đến, tôi lại thầm biết ơn người chăm chút cho những bụi hồng khoe sắc rực rỡ ấy.

Khoa học đã chứng minh, ngắm hoa giúp bộ óc thư giãn, tinh thần trở nên tốt hơn. Diệu kỳ hơn nữa, kết nối với thiên nhiên, hoa lá dưới ánh nắng còn có tác dụng chữa lành đối với người trầm cảm. Với tôi, giây phút thả bộ trong khuôn viên có cây xanh, hoa lá giúp tôi nạp lại năng lượng sau những giờ làm việc mệt mỏi. Sống giữa đô thị mà có mảnh xanh mát mắt như vậy thật thích.

Có điều, thỉnh thoảng tôi bắt gặp những hình ảnh không đẹp. Đó là sự mất ý thức của người thưởng ngoạn. Có những bàn tay xinh xắn không ngại ngần đưa vào, bứt gọn nhẹ cành hồng như thể đang ở nhà mình. Mà kể cả ở nhà mình, tự mình trồng, mình chăm sóc để cây ra được bông hoa, chưa chắc mình đã nỡ lòng ngắt không thương tiếc như vậy. Đó là chưa nói đến ý thức nơi công cộng không biết chủ nhân của bàn tay xinh xắn kia đã bỏ nơi đâu?

Có lần, tôi ngỡ ngàng hơn nữa khi chứng kiến một đứa trẻ vừa lẫm chẫm biết đi đã “xông pha” vô cả vườn hoa, thoải mái nắm lấy những bông hoa mềm mịn mà giật. Tôi nhìn quanh xem cha mẹ của đứa trẻ ở đâu thì thấy người đàn ông đang ngồi ghế đá cách đó vài mét, trên tay là chiếc ba lô trẻ em. Anh ta có dõi theo con, nhưng chẳng mảy may quan tâm gì đến hành động phá hoại của con trẻ. Anh ta không biết hành động đó là vô ý thức nơi công cộng, hay biết mà vẫn cố ý để con chơi? Tôi không rõ.

Ý nghĩ cần phải lên tiếng trong tôi trỗi lên mãnh liệt. Trẻ em còn nhỏ nên không biết gì, mình là người lớn biết chuyện, cần phải bảo ban trẻ. Nhưng khi những bước chân của tôi lại gần thì một người phụ nữ có lẽ là mẹ của bé cũng từ xa đi tới.

Điều khiến tôi ngỡ ngàng đến té ngửa là thay vì nhắc nhở không cho con trẻ hái hoa, người mẹ trẻ ấy còn cổ vũ con bằng cách tự đưa tay ngắt những bông hoa to nhất, rồi tung lên trời trong tiếng nói cười lanh lảnh. Đứa trẻ đương nhiên bắt chước làm theo.

Tôi “đứng hình” không nói được câu nào khi chứng kiến cảnh khó chấp nhận ấy. Cũng may, cả 2 mẹ con chỉ chơi trò “tung bông” 1 lần, rồi rời đi theo tiếng gọi giục của ông bố trẻ ngồi gần đó. Tôi nghĩ “cũng may” là bởi vì nếu tôi lên tiếng, không biết có giải quyết được vấn đề hay lại nhận được phản ứng khắc nghiệt.

Cha mẹ nên dạy cho trẻ từ những điều nhỏ nhặt nhất (ảnh minh họa)
Cha mẹ nên dạy cho trẻ từ những điều nhỏ bé nhất (ảnh minh họa)

Tôi nhớ có cháu gái tôi ở dưới quê đưa con lên chơi. Buổi chiều mát, tôi đưa 2 mẹ con lên sân thượng chung cư hóng gió. Ở đó, người ta trồng những mảnh vườn bé bé xinh xinh để có không gian thư giãn, ngắm cây. Và cháu nhỏ nhà tôi cũng có sở thích tương tự em bé kia: tìm những chậu có hoa ngang tầm với rồi ra sức… giật.

Tôi hốt hoảng can ngăn, nhẹ nhàng nói với mẹ cháu rằng: “Ở đây không như quê mình, trồng được chậu cây quý lắm nên đừng tự tiện bứt”. Mặc dù tôi đã cố lựa lời, vì cũng ít khi cháu đến chơi nhà, lại nặng nhẹ vì những chuyện không đáng, vậy mà vẫn không tránh được phản ứng khó chịu. Cháu nói rằng “có bông hoa thôi mà...”. Lần ấy, tôi thất vọng ra mặt, nhưng rồi cũng qua nhanh, chẳng thể vì bông hoa mà sứt mẻ tình dì cháu được.

Trẻ em như tờ giấy trắng, như búp trên cành, nhưng người làm cha làm mẹ thì đã ở độ tuổi trưởng thành mọi mặt, không thể hồn nhiên như một đứa bé lên 3 như vậy.

Tôi có nghe podcast phỏng vấn một giáo sư, ông ấy đề cập đến vấn đề về cách dạy con từ trong gia đình, có đoạn tôi nhớ mãi: “Ngay cả việc hái hoa hái trái cũng cần phải học. Học để biết cách hái làm sao để hoa trái cảm ơn mình”.

Từ những điều tưởng là nhỏ bé, nhưng con trẻ cũng cần được người lớn tận tình chỉ bảo, để con có nhận thức đúng đắn ngay từ nhỏ.

An Na

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI