Trẻ vị thành niên: Mắc bệnh qua đường tình dục vì muốn “làm người lớn”

21/11/2023 - 05:57

PNO - Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), có tới trên 30% trẻ trong nhóm từ 13 đến 17 tuổi đã từng quan hệ tình dục, độ tuổi quan hệ tình dục lần đầu cũng đang có xu hướng trẻ hóa. Đó cũng là nguyên nhân khiến bệnh tình dục trong nhóm tuổi này tăng.

Bác sĩ  Đoàn Văn Lợi Em  khám và  tư vấn về tình dục  an toàn  cho một nữ  bệnh nhân trẻ - ẢNH: V.T.
Bác sĩ Đoàn Văn Lợi Em khám và tư vấn về tình dục an toàn cho một nữ bệnh nhân trẻ - Ảnh: V.T.

Nhiễm bệnh vì “muốn làm người lớn”

Trong khi chờ đến lượt tái khám bệnh lậu tại Bệnh viện (BV) Da liễu TPHCM, em N.T.N. (16 tuổi, ở TPHCM) thủ thỉ: “Các bạn biết em chưa từng quan hệ thì cười ồ lên, trêu chọc làm em rất xấu hổ. Sau đó, các bạn nói “giải ngố” cho em. Ban đầu, em rất quyết tâm làm người lớn. Các bạn kêu đi mua dâm, em sợ HIV không đi, rồi các bạn rủ em đi mát xa...”. N. cho biết cha mẹ em đều là giáo viên, luôn hướng em và chị gái học thật giỏi chứ không cho phép có người yêu hay... hỏi những chuyện nhạy cảm. Từ khi học lớp Chín, em đã thấy mình có sự thay đổi nhưng chỉ tự tìm hiểu qua sách vở, trên mạng chứ không dám hỏi người lớn trong gia đình.

“Em phải chứng minh cho các bạn ấy biết, em không phải là mọt sách. Nhưng em chỉ nói thế thôi, cho tới khi các bạn thách em xem phim người lớn” - vừa nói, N. vừa liếc nhìn sang mẹ rồi cúi gằm mặt xuống. Nhóm bạn của N. lấy cớ tổ chức học nhóm để tìm cách cho N. “làm người lớn”. “Em định đi mát xa 1 lần để khỏi bị trêu ghẹo nữa. Không ngờ, ngay lần đó em mắc bệnh lậu” - N. nói.

Còn em P.D.K. (17 tuổi, ở Cần Thơ lên TPHCM học cấp III) thì khá tò mò về quan hệ đồng giới. Xa nhà, K. được thoải mái sống với giới tính của mình. Em có người yêu là bạn nam học ở trường gần đó. “Yêu nhau được hơn 1 tháng, em với bạn trai đã quan hệ. Lúc đó cả 2 đều không mắc bệnh, cho đến khi em chia tay và quen bạn trai khác” - K. cho biết.

Cho đến một ngày, ở vùng hậu môn có một khối u nhỏ nên K. rất lo lắng và đến khám ở một phòng khám tư. Bác sĩ nói K. bị viêm loét do tổn thương vùng kín, cho thuốc về uống và bôi trong 7 ngày nhưng không đỡ. Đến khi không chịu nổi, K. vào BV Da liễu TPHCM khám mới biết mình bị sùi mào gà hậu môn và ống hậu môn, phải nhập viện điều trị. “Em khủng hoảng vô cùng, cũng sợ mình bị nhiễm HIV nữa. May mắn, gần 1 tuần sau, sức khỏe em khá hơn nên được xuất viện. Hiện em chỉ tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ” - K. kể.

Quan hệ tình dục sớm, trong khi thiếu kiến thức về tình dục an toàn, sức khỏe sinh sản dẫn đến dễ lây nhiễm bệnh liên quan đến đường tình dục, cũng như mang thai ngoài ý muốn, ảnh hưởng cả về thể chất lẫn tinh thần của trẻ.

Cha mẹ cần quan tâm, chia sẻ với con

Bác sĩ chuyên khoa 2 Đoàn Văn Lợi Em - Trưởng khoa Lâm sàng 3 BV Da liễu TPHCM - cho biết, từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tháng có đến 156 lượt trẻ dưới 18 tuổi mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục được cha mẹ, người nuôi dưỡng đưa đến khám bệnh. Trong đó, trẻ từ 16-18 tuổi mắc bệnh sùi mào gà, giang mai chiếm đa số. Một số ít trường hợp nhiễm HIV do quan hệ tình dục không an toàn.

Phần lớn các trường hợp bệnh được cha mẹ phát hiện ở con những dấu hiệu bất thường, kịp thời đưa con đi khám đúng chuyên khoa, phối hợp với bác sĩ trong điều trị cho trẻ. Tuy nhiên vẫn còn một số phụ huynh cố tình phủ nhận bệnh của con, cho rằng đã quản lý con rất chặt chẽ, không thể nào trẻ quan hệ, có bệnh mà gia đình không biết. Việc thiếu sự quan tâm, chia sẻ từ người thân khiến trẻ càng sợ hãi, chán nản, trốn tránh điều trị làm bệnh càng nặng nề hơn. Nguy hiểm hơn, vẫn có phụ huynh cho rằng con mình còn nhỏ, không thể quan hệ và mắc bệnh. Điều này cho thấy sự thiếu sót, cũng như xem nhẹ việc giáo dục giới tính đối với con cái.

“Ở tuổi vị thành niên, trẻ có nhiều sự thay đổi tâm sinh lý nên nhu cầu tìm hiểu về quan hệ tình dục là bình thường. Tuy nhiên, hầu hết trẻ không được giáo dục giới tính đầy đủ, thiếu kiến thức về tình dục an toàn. Có trẻ liên tục cho rằng bản thân không mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục vì… đã uống thuốc tránh thai trước và sau khi quan hệ. Điều này cho thấy trẻ đã nhầm lẫn giữa biện pháp tránh thai và biện pháp bảo vệ” - bác sĩ Lợi Em nói.

Ông cũng nhận định phần lớn trẻ vị thành niên rất tò mò nhưng có tần suất quan hệ tương đối ít, quan hệ là muốn trải nghiệm. Thiếu kiến thức, sợ bị phát hiện, một số em chọn bạn tình là gái mại dâm để thử cảm giác làm người lớn, nguy cơ mắc bệnh tăng cao đáng kể chỉ sau 1 lần quan hệ. Thậm chí đã có trẻ nhiễm HIV từ bạn tình.

“Mặc dù chưa có số liệu chính thức, nhưng theo chúng tôi quan sát khi trẻ được đưa đến khám bệnh thì các em không chỉ có 1 mà là nhiều bạn tình. Một số trường hợp cá biệt, có thể lên đến 7-8 bạn tình. Những “đối tác” này hầu hết được làm quen từ các hội nhóm tìm kiếm bạn tình trên mạng xã hội, hoặc ứng dụng hẹn hò. Trong đó, có đến một nửa trẻ vị thành niên quan hệ đồng giới, có các hành vi gây nguy cơ lây bệnh cao hơn so với những đứa trẻ khác” - bác sĩ Lợi Em chia sẻ.

Ảnh hưởng sức khỏe, tâm lý lâu dài

Các bác sĩ cho biết không chỉ dễ mắc các bệnh như lậu, giang mai, sùi mào gà..., quan hệ tình dục không an toàn còn khiến trẻ có thể mắc các bệnh nguy hiểm khác gồm HIV, viêm gan B... Ngoài ra còn dễ gặp các biến chứng nặng nề như viêm vùng chậu, viêm tinh hoàn, chít hẹp đường sinh dục gây vô sinh, hoặc tiến triển thành tổn thương ác tính như ung thư cổ tử cung, ung thư dương vật, vòm họm trong trường hợp nhiễm các type HPV nguy cơ cao.

Mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục khi tuổi còn trẻ sẽ ảnh hưởng tâm lý của người bệnh cả hiện tại và tương lai. Người bệnh nghĩ rằng việc mắc những căn bệnh xã hội là nỗi xấu hổ, bị ám ảnh, trở nên mặc cảm, tự ti, tự cô lập bản thân với gia đình và xã hội. Một số trường hợp về sau còn rơi vào cảm giác sợ quan hệ tình dục do sợ bị tái nhiễm hoặc sợ lây lan cho bạn tình, lo lắng bạn tình phát hiện mình đã từng bị nhiễm bệnh.

Do đó, cha mẹ, người thân cần xây dựng mối quan hệ gia đình bền chặt để trẻ có thể tin tưởng chia sẻ các suy nghĩ thầm kín, những “nhu cầu khó nói”. Phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm ngừa vắc xin HPV, viêm gan B… Khi trẻ có biểu hiện bất thường trên da, vùng sinh dục hoặc có những thay đổi về cảm xúc, hành vi như sợ sệt, lo âu, khó ngủ, chán ăn… nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.

Bệnh đường tình dục ở người trẻ tăng ở nhiều nước

Tạp chí The Lancet Child & Adolescent Health đã công bố nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy số người trẻ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) ở nước này tăng một cách đáng lo ngại. Theo đó, sau một thời gian ổn định thì từ năm 2013-2022, số ca mắc STD ở Mỹ đạt mức 2-4 triệu ca mắc mới hằng năm. 3 loại bệnh STD phổ biến là nhiễm chlamydia, lậu và giang mai. Người trẻ từ 15-24 tuổi chiếm 53% ca STD mới trong năm 2020, trong đó 62% trường hợp nhiễm mới chlamydia là ở người vị thành niên; bệnh lậu và giang mai tăng cao nhất ở nữ giới từ 15-24 tuổi.

Lý giải tình trạng này, theo CDC, do người trẻ thiếu nhận thức và hạn chế trong tiếp cận dịch vụ sức khỏe. Cụ thể, người trẻ thuộc thành phần kinh tế - xã hội thấp, người có nhiều bạn tình và người sử dụng phương tiện tránh thai không thường xuyên hoặc không đúng cách sẽ có nhiều nguy cơ nhất mắc STD. Trong năm 2020, khi được hỏi, chỉ 51% người trẻ cho biết có sử dụng bao cao su khi quan hệ.

Thực trạng này cũng xảy ra ở nhiều nước. Theo thống kê mới nhất, CDC Thái Lan ghi nhận 9.230 ca nhiễm HIV mới trong năm 2022 và một nửa số này là người từ 15-24 tuổi. Đối với giang mai và lậu, năm 2022 có 14.534 người mắc, chỉ 80% người trẻ thừa nhận có dùng bao cao su khi quan hệ.

Tại Singapore, trong năm qua có 421 người trẻ 10-19 tuổi mắc STD. Đây là con số cao nhất kể từ năm 2007. Nguyên nhân ngoài việc không sử dụng biện pháp an toàn khi quan hệ còn do người trẻ Singapore bắt đầu cuộc sống tình dục sớm hơn, có nhiều bạn tình và quan hệ bừa bãi. 

Vô Thường

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI