PNO - PN - Bước vào ngưỡng cửa đầu cấp như lớp 1, lớp 6, do thay đổi môi trường, nhiều trẻ trở nên sợ đi học. Thậm chí chuyện “đi học” còn khiến các em ngủ mớ, tè dầm thường xuyên như mắc một bệnh lý.
edf40wrjww2tblPage:Content
Nghe đi học là… chạy trốn
Đến giờ, cô giúp việc gọi dậy đi học, bé H.T.T.Q. (bảy tuổi, ngụ Q.3, TP.HCM) khóc thét lên. Nhiều khi bé chui vào tủ quần áo để trốn. Xe chở bé đến cổng trường, lập tức bé nhảy xuống xe tìm đường... chạy trốn. Ngày nghỉ, Q. ăn sáng rất vui vẻ, nhưng cứ đến ngày đi học là ăn rất chậm, vừa ăn vừa ói, chỉ thích mặc áo quần ở nhà chứ không chịu thay đồng phục... Hành vi này cứ lặp đi lặp lại nhiều lần nên người nhà đưa bé Q. đến Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 khám. Bác sĩ Khoa Tâm lý của BV chẩn đoán Q. mắc chứng rối loạn lo âu với biểu hiện sợ đi học.
Chứng “sợ đi học” không phải là hiếm. Chị Diễm Chi, phụ huynh học sinh Trường Hermann Gmeiner (Q.Gò Vấp) cũng từng gian nan tìm cách gỡ rối khi cậu con đầu vào lớp 6. “Con tôi là học sinh giỏi ở tiểu học, rất mê môn tiếng Anh, nhưng vừa bước vào lớp 6, phải học đến 13 môn, cháu bị “dội” ngay, không thích nghi được với môi trường và cách học ở bậc THCS nhưng không nói cho cha mẹ biết. Cháu lo lắng rồi hình thành hành động phản kháng, bất cần, chẳng hạn thầy cô kêu làm gì là không làm, cổ tay bị cứng viết bài không kịp cũng không lên tiếng, đến môn tiếng Anh yêu thích cũng không quan tâm làm bài. Từ một đứa trẻ năng động, lanh lợi ở bậc học dưới, con tôi trở nên ù lì, trong giấc ngủ hay bị giật mình. Chỉ hai tháng đầu nhập học vào lớp 6, con tôi sụt mất 2kg, mắt thâm quầng. May nhờ cô chủ nhiệm và thầy cô bộ môn phối hợp với cha mẹ gỡ rối nên cháu cũng vượt qua cơn khủng hoảng môi trường mới”, chị Diễm Chi kể.
Theo các giáo viên (GV) dạy lớp đầu cấp thì năm học nào cũng có vài em trong lớp bị sốc tâm lý khi thay đổi môi trường. Cô Võ Thị Thanh Hải, GV Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.2) chia sẻ: "Học sinh đầu cấp thường dễ bị “sốc”. Ở trường mầm non, bé được cô chăm sóc bao bọc, hoạt động chủ yếu trên lớp là vui chơi ca hát… Nhưng khi lên lớp 1, các bé phải học bài, viết bài, làm bài, làm quen với nền nếp sinh hoạt mới, học tập theo giờ và không được ngủ muộn đi học trễ tùy ý như hồi học mầm non. Cô giáo mầm non chủ yếu là chăm nom trẻ thì ở tiểu học, cô chủ yếu phụ trách công tác giảng dạy. Trẻ đột ngột phải vào nền nếp, nên nhiều trẻ chưa được làm quen cảm thấy sợ sệt, phản ứng khi nghe đến đi học. Tình trạng này có khi kéo dài trong vài tháng".
Đứng ở góc độ y học, bác sĩ Phạm Minh Triết - Trưởng khoa Tâm lý, BV Nhi Đồng 1 TP.HCM - phân tích: những trẻ mắc chứng rối loạn lo âu nhẹ thì khi đến trường, trẻ chỉ khóc chút xíu rồi nhập cuộc được với môi trường học tập. Nhưng với những ca nặng, vào ban đêm khi lên giường đi ngủ trẻ thường khóc, không chịu ngủ, tìm đủ mọi cách để được nghỉ học như: không chịu mặc đồng phục, chui rúc xuống gầm giường, tủ quần áo để trốn, giả vờ ho, ói, than đau bụng. Trên đường đi học thì khóc lóc, có trẻ nhảy xuống xe, vừa thấy cổng trường liền nôn ói, tiểu ra quần.
Giáo viên cần theo sát tình hình học tập, tác phong từng học sinh để giúp các em quen với nền nếp mới
Bố trí giáo viên kinh nghiệm để giúp học sinh
Từ đầu năm đến nay, Khoa Tâm lý, BV Nhi Đồng 1 đã tiếp nhận đến 25 trẻ, BV Nhi Đồng 2 tiếp nhận 22 trường hợp trẻ mắc chứng rối loạn lo âu do sợ đi học. Tháng Tám - Chín, khi trẻ đồng loạt nhập học chính thức, là thời điểm chứng này ở trẻ rộ lên. Trẻ bị rối loạn lo âu thường thở nhanh, tim đập nhanh, tăng hệ thần kinh giao cảm nên dễ mắc tiểu.
Bác sĩ Triết cho biết: trẻ bệnh nặng hay nhẹ phụ thuộc vào tần suất và cường độ mắc bệnh. Trẻ được chẩn đoán mắc bệnh khi hành vi sợ đi học kéo dài liên tục trong hai tuần và hầu như ngày nào cũng xảy ra. Nếu bệnh rối loạn lo âu kéo dài không được điều trị, trẻ có thể chuyển sang rối loạn dạng cơ thể thật sự như nhức đầu, đau bụng, ói. Việc điều trị cho trẻ hiện nay là tìm nguyên nhân gây ra chứng lo âu và điều trị tâm lý trước, tập những bài tiếp cận với lớp học, những người xa lạ…
Nguyên nhân khiến trẻ mắc chứng rối loạn lo âu có thể do tự bản thân trẻ, gia đình hoặc trường học, nhưng sâu xa là do trẻ không thích nghi được với môi trường, nhất là những trẻ lần đầu tiên đi nhà trẻ hoặc vào lớp 1 chưa quen tính tự lập. Khi ở nhà, trẻ thường được cha mẹ, người giúp việc phục vụ tất cả mọi thứ. Đến khi đi học, trẻ phải tự ăn, tự đi vệ sinh… nên nhiều trẻ bị sốc và lo lắng. Hiện tượng này thường xảy ra với những trẻ sống ở thành phố. Biểu hiện nặng hơn khi trẻ là con một, được cưng chiều.
Ngoài ra, trẻ sợ đi học còn do không được cha mẹ quan tâm, ít dành thời gian cho con cái nên trẻ thường bày trò để được quan tâm hơn. Hay cũng do cha mẹ của trẻ đã ly thân nên trẻ rất sợ đi học vì nghĩ khi đến lớp thì cha hoặc mẹ đang sống với mình sẽ bỏ đi. Với những trẻ chuyển cấp từ cấp I lên lớp 6 lại thường lo lắng vì lạ lẫm với môi trường mới hoặc do từng bị bạn bè bắt nạt, học kém, thường bị cô la rầy… nên cũng sợ đi học.
Cô Hà Thị Kim Sa - Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Hồng Hà, lý giải: "Khi mới vào lớp 6, nhiều học sinh bỡ ngỡ lắm. Các em phải làm quen với giờ học theo tiết, kiểu học cũng đòi hỏi tư duy nhiều hơn. Vì vậy, nhiều em không theo kịp rồi dẫn đến bị khủng hoảng. Vì vậy, ban giám hiệu phải bố trí GV nhiều kinh nghiệm, tận tình để phụ trách học sinh đầu cấp. GV chủ nhiệm phải theo sát tình hình học tập, tác phong của từng em để nhắc nhở giúp đỡ các em quen với nếp mới".
Theo kinh nghiệm của cô Vũ Thị Tân, GV trường Hermann Gmeiner, khi các cháu vào lớp 6, không chỉ chịu ảnh hưởng bởi sự thay đổi môi trường mà còn chịu tác động từ thay đổi tâm sinh lý. Ở lứa tuổi này, nhiều em bắt đầu dậy thì, có những biểu hiện khác lạ hơn, chăm chút bản thân nhiều hơn, quan tâm đến nhiều mối quan hệ ngoài học tập…
Tất cả các yếu tố cộng lại làm cho trẻ khó thích nghi ngay, dẫn đến ảnh hưởng đến kết quả học tập. “GV chủ nhiệm phải quan tâm, tạo sự gần gũi, tin tưởng nơi các em để các em chịu nói về những khó khăn của mình. Chúng ta phải nói những tình huống có thể xảy ra khi vào học lớp 6 để các em thích ứng như: mỗi môn học với thầy cô khác nhau, với cách hướng dẫn khác nhau, giọng vùng miền khác nhau để các em hiểu, chuẩn bị thích nghi, nhưng cũng tránh nói quá làm các em lo lắng. Lứa tuổi này rất mong manh, vì vậy, GV nên biết động viên cho từng sự tiến bộ của các em”, cô Vũ Thị Tân nói.
Với những trường hợp “sốc nặng”, GV phải theo dõi sát để ghi nhận tình hình ngay những tuần học đầu tiên để báo ngay với gia đình, cùng phối hợp giúp đỡ trẻ. Phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1, lớp 6 có thể cho cháu tham gia các lớp hè để làm quen với cách học, nếp sinh hoạt ở môi trường mới để tránh bỡ ngỡ.
Ngày 21/11, Tòa Gia đình và người chưa thành niên đã tuyên phạt Mehtar Tani Khadir (quốc tịch Algeria) 1 năm tù về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.
Nhiều loại cây trái chỉ được sử dụng tươi hoặc chế biến thủ công, nhưng khi “qua tay” của các chị, chúng trở thành hàng hóa xuất khẩu đi khắp thế giới.