Úc không quy định ngày khai trường cố định. Năm học mới ở Úc thường bắt đầu vào tuần đầu tiên của tháng Hai. Một năm có bốn học kỳ, mỗi học kỳ kéo dài hai tháng rưỡi. Sau mỗi học kỳ, học sinh được nghỉ hai tuần, trừ học kỳ cuối, kéo dài hơn một tháng từ giữa tháng Mười Hai tới hết tháng Một.
|
Trẻ học cào rơm thật đều cho ngựa ăn |
Yên tâm đến trường
Mỗi ngày, trẻ dành thời gian khoảng sáu tiếng ở trường, dao động từ 8g30 tới 15g30, tùy thời gian biểu các trường, lộ trình xe buýt và mật độ giao thông địa phương. Trẻ năm tuổi bắt đầu học lớp tiền tiểu học (lớp Prep). Cấp tiểu học kết thúc vào năm lớp Sáu, tổng cộng trẻ Úc có bảy năm học tiểu học.
Giờ đi học của các em lớp Prep có thể trễ hơn và tan học sớm hơn khoảng một giờ. Tùy theo mỗi trường, trẻ lớp Prep có thể đi học từ 3-5 ngày/tuần. Trẻ từ 5-7 tuổi bắt buộc phải có phụ huynh đưa đón (hoặc anh/chị em trên 8 tuổi). Từ tám tuổi trẻ có thể tự đi đến trường và về một mình.
Giờ đi làm hành chính của người dân Úc trung bình là tám tiếng. Những gia đình có con nhỏ, cả bố mẹ đi làm sớm hoặc về muộn thì phải làm thế nào? Đặc biệt là những tuần nghỉ sau mỗi học kỳ, các bậc phụ huynh Úc phải xoay xở ra sao? Giải quyết vấn đề này một cách hợp lý để giáo viên có những kỳ nghỉ thực sự, đồng thời tạo sự yên tâm cho phụ huynh khi con cái họ được vui chơi an toàn, hạnh phúc, là sự quan tâm và tổ chức của rất nhiều người trong xã hội.
Úc có hẳn các công ty tầm cỡ quốc gia để đảm nhận việc giữ trẻ trước và sau giờ học. Những nhân viên ở các công ty này được tuyển chọn kỹ lưỡng và đào tạo bài bản về chăm sóc, sơ cứu cho trẻ. Đặc biệt những người này phải có chứng chỉ làm việc an toàn với trẻ, tuyệt đối không có tiền sử gây nguy hiểm cho trẻ như bạo hành hay quấy rối trẻ em. Các công ty giữ trẻ phối hợp chặt chẽ với nhà trường.
Nơi họ giữ trẻ là nhà thi đấu, phòng phụ huynh, phòng âm nhạc… của chính ngôi trường trẻ theo học. Thầy cô giáo của mỗi lớp sẽ có danh sách của những trẻ gửi trước và sau giờ học. Trẻ từ lớp Prep tới lớp Hai sẽ được nhân viên trông trẻ dẫn đến tận cửa lớp đối với trẻ gửi trước giờ học và được thầy cô dẫn ra khu trông trẻ đối với trẻ gửi sau giờ học.
Vui chơi thỏa thích
Trẻ làm gì ở đấy? Câu trả lời là chơi và vui. Chương trình sinh hoạt cho trẻ được tổ chức rất đa dạng, từ những hoạt động tĩnh trong phòng chơi như lắp ráp, vẽ, xếp hình, làm thủ công, làm bánh… đến các hoạt động ngoài trời như chơi bóng rổ, đạp xe… Nội dung hoạt động được lên kế hoạch sẵn hoặc mở rộng từ những ý tưởng, sáng kiến của trẻ. Nghĩa là trẻ thích làm gì thì các nhân viên sẽ xem xét và tổ chức.
|
Một gia đình đi chơi vào cuối tuần |
Trẻ còn được hỗ trợ làm bài tập về nhà tại đây, nếu các em muốn. Những trẻ cần yên tĩnh và nghỉ ngơi sẽ có không gian riêng, được phát gối và chăn sạch. Các nhân viên đều vui vẻ, thân thiện, quý trẻ và có kiến thức rất tốt về sơ - cấp cứu. Họ cũng cung cấp các bữa ăn nhẹ lành mạnh cho trẻ như sữa, ngũ cốc, trái cây, nước ép… Phụ huynh không phải lo lắng nhiều về việc chuẩn bị đồ ăn cho trẻ khi gửi ngoài giờ học.
Các hoạt động trên dành cho những ngày trẻ đi học. Còn trong những ngày nghỉ, nếu gia đình không có ai phụ trách trông trẻ thì các trung tâm này vẫn mở từ 8g đến 19g. Trẻ sẽ có thời gian biểu hoạt động đa dạng suốt cả tuần như đi xem phim, dã ngoại, đi bơi… Một vấn đề đáng quan tâm nữa là phí gửi trẻ ở các trung tâm này. Nói chung, là công dân Úc thì sẽ được chính phủ hỗ trợ, tùy theo tình trạng kinh tế gia đình. Nên phí trông trẻ, sau khi trừ trợ cấp chính phủ, các gia đình đều có thể chi trả được.
Các trung tâm giữ trẻ không làm việc vào những ngày cuối tuần nên thứ Bảy, Chủ Nhật, trẻ được chơi với gia đình. Tùy theo mùa mà các hoạt động vui chơi và thể thao rất đa dạng. Vào mùa xuân và mùa hè, có các hoạt động ngoài trời như đạp xe đạp trong công viên, trượt ván, dã ngoại, chèo thuyền hay đi tắm biển.
Mùa đông thì có leo núi trong nhà, đi bơi, xem phim rạp hay vui chơi trong các trung tâm mua sắm. Có một sự hỗ trợ rất lớn của chính phủ và các dịch vụ xã hội liên quan đến việc tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ. Chẳng hạn, vào dịp cuối tuần hay các kỳ nghỉ, các trang trại cây trồng, vật nuôi mở cửa miễn phí cho trẻ. Trẻ có thể đến đó thử vắt sữa bò, xén lông cừu, cho vẹt ăn hay nhặt trứng gà. Trẻ được hái trái cherry, táo, đào, dâu, cưỡi ngựa hay cắt cỏ.
Trong các kỳ nghỉ, thư viện của mỗi thị trấn hay thành phố vẫn mở cửa, có các hoạt động học và chơi thu hút các em như thi vẽ tranh, thi hát, kể chuyện. Cũng trong những dịp này, các sở thú, khu bảo tồn, bảo tàng, thủy cung… được mở cửa hết công suất. Họ tổ chức các buổi nói chuyện giới thiệu về đời sống các con vật hay những màn trình diễn của chúng khiến trẻ rất thích thú.
Không có thuật ngữ “học thêm”
Trẻ có làm bài tập về nhà không? Đối với trẻ tiểu học, hầu như không. Mỗi ngày trẻ chỉ mang về nhà một cuốn sách và cùng đọc với cha mẹ. Đa số trẻ lớn hơn, sau giờ học hay tham gia các câu lạc bộ trong trường, như câu lạc bộ võ thuật, nhạc, họa…Thầy cô rất ít khi cho bài tập về nhà. Nếu có, trẻ chỉ tập trung giải quyết trong vòng một giờ là xong. Đặc biệt trong kỳ nghỉ, trẻ tuyệt đối không phải làm bài tập về nhà, trừ việc viết nhật ký kỳ nghỉ hay thuyết trình về chính kỳ nghỉ của mình.
|
Đọc sách trong thư viện |
Một phụ huynh kể lại, trước kỳ nghỉ thầy giáo giới thiệu một dự án của học kỳ sau. Con trai chị tưởng đấy là bài tập sẽ làm trong kỳ nghỉ, nên em làm xong và gửi cho thầy qua email. Thầy trả lời có vẻ “trách mắng”: “Hãy tận hưởng kỳ nghỉ của em đi chứ. Không cần phải làm bài tập trong kỳ nghỉ!”.
Tuy nhiên, một số ít trẻ vẫn phải đi học thêm. Việc học thêm do các trung tâm dạy kèm được cấp phép phụ trách, không liên quan đến trường mà trẻ theo học. Đối tượng thường là những trẻ có học lực dưới xa mức trung bình chung của lứa tuổi, hay con em của các gia đình châu Á muốn có kết quả học lực thật tốt.
Các gia đình không gửi con đến các trung tâm giữ trẻ vẫn có thể dễ dàng lên những kế hoạch hoạt động thú vị với trẻ lứa tuổi tiểu học. Các trẻ lứa tuổi trung học có thể một mình tham gia các hoạt động nêu trên ở địa phương, vì phương tiện công cộng rất tiện lợi và an toàn.
Các điểm vui chơi dù rất xa vẫn có trạm xe lửa và xe buýt đi đến tận nơi với giá cả phải chăng hoặc miễn phí. Còn không, công viên, bãi biển gần nhà cũng có các khu vui chơi rộng rãi và miễn phí cho trẻ. Chỉ cần mang theo một ít đồ ăn tươi sống, nhóm bạn đã có thể bật bếp ga trong công viên với nước uống sạch tại chỗ là có một bữa tiệc ngoài trời thật vui.
Nguyễn Thị Như Quỳnh
(Nghiên cứu sinh khoa Giáo dục, Đại học Monash - Úc)