* Con tôi vừa vào lớp 1. Không như nhiều đứa trẻ khác, nhanh chóng kết bạn và vui chơi, cô giáo cho biết con trai tôi thường ngồi thu lu trong lớp, không ra sân chơi cùng các bạn. Khi cô gọi lên đứng dậy tập đọc, cháu co rúm người, toát mồ hôi và ấp úng mãi không đọc nổi.
Tuần rồi, có một bé trong lớp tổ chức sinh nhật và mời cả lớp tham gia. Đến nhà bạn, đùn đẩy mãi cháu mới tự tay đưa quà nhưng không nói lời chúc mừng, mặt cúi gằm, tai đỏ lựng. Tôi động viên con cùng chơi đùa với các bạn, nhưng cháu lại đòi về, bảo không biết chơi với ai.
Ngay từ khi còn bé, con trai tôi đã nhút nhát, cái gì cũng sợ, nhất là khi ở giữa đám đông, cháu cứng người lại, mồ hôi lạnh toát ra, môi tái nhợt. Tôi đã tìm mọi cách như đưa con đi chơi công viên, cho cháu tập thể dục… để con thêm mạnh mẽ, tự tin, nhưng hầu như không cải thiện được tình hình.
Vợ chồng tôi đều là người quảng giao, làm việc trong môi trường phải giao tiếp nhiều, nhưng cháu lại không ảnh hưởng từ gia đình. Tôi rất lo lắng, sợ mai này lớn lên cháu không hòa nhập được với môi trường xã hội và cộng đồng.
|
Anh minh họa |
Trần Minh Ngọc (Lê Quang Định, Q.Bình Thạnh)
Truyền năng lượng tích cực cho con
Khi con gái lên bảy tuổi, ngày nọ tôi phát hiện cháu chỉ thích chơi một mình với búp bê và lẩm bẩm nói chuyện. Hễ có ai lại gần là cháu giật mình và rất dễ òa khóc nếu bị bạn giành đồ chơi, sách vở.
Hỏi thăm cô giáo, tôi mới hay cháu còn thường tè dầm khi ngủ trưa khiến cô phụ trách bán trú phải làm vệ sinh giúp. Lo lắng, tôi đưa con đến chuyên gia tâm lý và được khuyên cha mẹ cần gần gũi với con hơn.
Cháu nhút nhát và khó giao tiếp với mọi người là do vợ chồng tôi phải đi buôn bán xa, nên thường bỏ con một mình. Chúng tôi quyết định buông bớt công việc, tôi sang lại một ki ốt nhỏ để bán hàng, dành thời gian chăm sóc con.
Không chỉ đưa đón cháu đi học, tôi còn tranh thủ hỏi con chuyện trường lớp, cùng con lên kế hoạch cho các hoạt động của cháu ở trường, trong khu phố, đi làm từ thiện. Tôi vui vẻ kể cho con nghe về công việc của mình để lan truyền cho con niềm hứng khởi. Nhiều khi phải đội mưa nắng đi giao hàng cho khách, tôi vẫn vui vẻ, ân cần.
Thấy vậy, một lần con gái tôi nói: “Con thích mẹ cười, nhìn mẹ hạnh phúc lắm”. Tôi hiểu rằng năng lượng tích cực từ mình đã lan sang con. Từ ấy tôi luôn chia sẻ với con suy nghĩ của mình về mọi người xung quanh, về những điều nho nhỏ diễn ra trong cuộc sống và dù khó khăn thế nào ta cũng phải có suy nghĩ tích cực để tìm ra cách giải quyết.
Dần dà, cháu cũng chia sẻ những điều mình nghĩ và tự tin thể hiện quan điểm của mình với mọi người. Giờ con gái tôi đã bước vào lớp 12, cháu là lớp trưởng năng động, có khiếu hài hước và biết quan tâm giúp đỡ người khác.
Huỳnh Thiên Kim (Lê Đại Hành, Q.11)
Nhận biết khả năng, khuyến khích và thúc ẩy trẻ
Con trai tôi là một đứa trẻ lười học. Đó là điều vợ chồng tôi “cay đắng” thốt lên khi ai đó hỏi thăm chuyện học tập của nó - một đứa trẻ 11 tuổi. Cháu thường tìm đủ mọi cách để không phải học bài, làm bài tập và khẳng định mình “dốt, có học mãi cũng không khá lên được, ba mẹ đừng ép con”.
Nhưng ngược lại thằng bé rất thích mày mò các loại máy móc. Hồi còn nhỏ xíu cháu đã thường phá tung chiếc xe đồ chơi, khẩu súng để xem “cái gì trong ấy làm nó chạy”. Điều ấn tượng là sau đó cháu đã ráp chúng lại hoàn chỉnh như cũ, không bỏ sót một bộ phận nào. Thấy vậy, tôi khuyến khích con tìm hiểu về các thiết kế máy móc đơn giản.
Hai cha con tôi cùng nhau mua phụ tùng và lắp ráp hoàn chỉnh chiếc xe đạp đua. Cháu làm thợ chính, tôi chỉ phụ chút ít. Ngạc nhiên về sự khéo léo của con, tôi tìm mua những sách kỹ thuật về cho cháu đọc. Thằng bé rất sáng dạ, nhanh chóng hiểu được những từ chuyên môn sau vài lần lên mạng tra cứu.
Cháu còn xin tôi đưa đi mua nhiều thiết bị, phụ tùng để tự tay lắp ráp nhiều đồ điện trong nhà. Dần dà tôi và mẹ cháu không còn phải nhắc nhở hay cằn nhằn chuyện học của con, thằng bé tự giác học và tiến bộ rõ rệt.
Tôi nhận ra rằng, giúp con nhận ra khả năng của mình, khuyến khích và thúc đẩy chúng là một phương cách hữu hiệu để trẻ tự tin hơn vào bản thân, giúp chúng khám phá sức mạnh ẩn tàng bên trong.
Nguyễn Minh Đức (Lê Thị Riêng, Q.12)
Đừng bọc trẻ trong bong bóng, dậy trẻ biết chịu trách nhiệm
Bạn sợ con mình bị ảnh hưởng bởi những điều xấu, nguy hiểm từ ngoài xã hội nên ra sức bảo bọc trẻ? Bạn đã tạo nên một cái bong bóng và nhốt con trong ấy - trẻ èo uột, yếu đuối, nhút nhát là điều dễ hiểu.
Điều nên làm là giúp con nhận biết các giá trị, nền tảng đạo đức để hình thành nên những quy tắc, tiêu chuẩn riêng của trẻ. Khi đã có định hướng, trẻ vững vàng bước đi trên đôi chân của mình.
Đừng làm thay con, quyết định giúp trẻ trong mọi việc. Hãy giao cho con một công việc phù hợp lứa tuổi, nhận thức của bé, hướng dẫn nhưng để con tự làm, tự đưa ra quyết định. Dẫu bé làm hỏng việc, không như bạn mong muốn, đừng la mắng, tỏ ý chê bai hay coi thường con.
Cho trẻ biết ai cũng có thể sai lầm và vụng về, chỉ cần kiên nhẫn và cố gắng, mọi việc sẽ dễ dàng hơn. Cha mẹ nên khuyến khích trẻ nói lên suy nghĩ của mình, kể cả những điều tiêu cực, cảm xúc nóng giận, lo lắng, buồn bực…
Từ đó trẻ sẽ học được cách bộc lộ và kiểm soát cảm xúc. Khi tự mình chịu trách nhiệm về một việc cụ thể, về thái độ, hành vi của mình, trẻ sẽ tự tin vào bản thân khi thấy mình có ích và được tôn trọng.
ThS tâm lý Lê Minh Uyên
Hải Lê (thực hiện)