Trẻ tự kỷ cần môi trường hòa nhập

02/04/2018 - 16:43

PNO - Tự kỷ không phải là bệnh và vì thế sẽ không có khái niệm chữa bệnh tự kỷ mà chỉ có khái niệm can thiệp giúp trẻ tự kỷ có thể hòa nhập cộng đồng dễ dàng hơn.

Đây là chứng rối loạn phát triển tác động suốt đời, không thể thay đổi, ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp, tương tác của người có chứng tự kỷ. 

Tre tu ky can moi truong hoa nhap
Ảnh minh họa

Mạng lưới Giám sát khuyết tật phát triển và tự kỷ thuộc Trung tâm Kiểm soát và phòng, chống bệnh tật Mỹ (CDC) thống kê trong số 68 trẻ ở Mỹ thì có một trẻ tự kỷ. Báo cáo công bố đầu tháng 3/2018 của Cơ quan Sức khỏe công cộng Canada cho biết, cứ 66 trẻ thì có một trẻ mắc chứng tự kỷ. 

Ở Singapore, số trẻ mắc chứng tự kỷ mỗi năm là 600 trẻ. Trung bình, độ tuổi trẻ được kết luận mắc tự kỷ là hai tuổi rưỡi, ngoài ra có một số trường hợp được kết luận khi trẻ chưa đủ một tuổi. 

Những số liệu này chưa được ghi nhận một cách chính xác ở các quốc gia đang phát triển và kém phát triển vì những nơi này vẫn còn thiếu đội ngũ chuyên gia cần thiết. 
Người ngoài nhìn vào trẻ tự kỷ có thể nghĩ rằng, trẻ tự kỷ quá khác biệt và họ không biết làm sao tiếp cận.

Ngược lại, trẻ tự kỷ cũng có những khó khăn tương tự. Ví dụ, âm thanh cánh quạt quay, tiếng xe máy… đều có thể là nguyên nhân khiến trẻ tự kỷ lo lắng, hoảng sợ. Không biết giao tiếp với mọi người chung quanh, không biết bày tỏ cảm xúc như thế nào nên trẻ tự kỷ càng trở nên “kỳ lạ”. Vì vậy, việc tạo một môi trường an toàn, thân thiện là điều kiện cốt lõi khi can thiệp hỗ trợ trẻ tự kỷ. 

Tre tu ky can moi truong hoa nhap
Ảnh minh họa

Đến thời điểm hiện tại, các nhà trị liệu, các chuyên gia tâm lý gọi Applied Behavior Analysis (ABA - Ứng dụng phân tích hành vi) là “liệu pháp vàng” trong nỗ lực can thiệp hỗ trợ người tự kỷ. Hiệu quả của liệu pháp đã được nghiên cứu hàng loạt và có hàng trăm bài báo cáo đăng trên các tạp chí chuyên ngành chứng tỏ đây là liệu pháp hiệu quả nhất hiện nay.

Giáo sư, nhà tâm lý học lâm sàng Ivan Lovass - Đại học California - lần đầu áp dụng tiếp cận ABA cho người mắc chứng tự kỷ vào năm 1987. Thông qua phương pháp này, các kỹ năng xã hội và hành vi có thể được dạy và luyện tập.

 Anh Thông  
(theo Psychology Today, autismbreakthrough)

Hoạt động trị liệu trong sinh hoạt cho trẻ tự kỷ

Là chủ đề hội thảo dành cho phụ huynh trẻ tự kỷ do câu lạc bộ Sống cùng tự kỷ tổ chức vào sáng 14/4 tại trung tâm Truyền thông và giáo dục sức khỏe TP.HCM (59B Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM).

Tham gia hội thảo, qua nội dung chia sẻ, tư vấn của các bác sĩ, chuyên gia tâm lý, phụ huynh sẽ được hiểu về lợi ích mà hoạt động trị liệu mang lại; được học cách áp dụng hoạt động trị liệu vào các sinh hoạt ăn ngủ và vui chơi hằng ngày của trẻ tại nhà, giúp trẻ kết bạn, tuân theo nội quy của trường lớp tránh bị bắt nạt; giúp cải thiện cách trẻ ăn uống, chơi đùa, kiểm soát hành vi… 

Phụ huynh đăng ký tham dự qua trang web: 
www.songcungtuky.org hoặc nhắn tin 0913 702 235 (chị Ngân), hạn chót ngày 12/4.

Hoài Nhân 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI