Trẻ trở lại trường, phụ huynh rối ruột

16/12/2021 - 14:41

PNO - Cho trẻ trở lại trường hay giữ con ở yên trong nhà đang là bài toán đau đầu của từng phụ huynh. Cùng đó là những nỗi lo chi phí.

Chị Diễm (Q.8, TP.HCM) có con đang học lớp 9 cho rằng việc trở lại trường là việc cần thiết. Con chị đã nghỉ quá lâu và việc ở nhà không giúp ích gì cho trẻ do người lớn cũng ra ngoài đi làm, nên khả năng nhiễm COVID-19 không phải là không có, cho dù trẻ có ở nhà đi nữa.

Hơn nữa, với độ tuổi con chị thì có thể an tâm được phần nào là trẻ đã có ý thức tự bảo vệ như đeo khẩu trang đúng cách, giãn cách khi trò chuyện, không tiếp xúc…. Việc các con đã chích 2 mũi vaccin cũng giúp chị cảm thấy an tâm và bớt lo lắng phần nào. Việc học cũng đã được thu xếp theo hướng “giãn cách”: chỉ cần một buổi mỗi ngày và chỉ 3 ngày trong tuần cho nên lịch học thong thả, cũng không quá đáng lo.

Ngược lại với chị Diễm, chị Hoài (Q.4, TP.HCM) rất lo lắng, hoàn toàn không muốn con trở lại trường. Chị nói, số liệu từ các báo đều đáng ngại khi số người nhiễm tăng và số người tử vong cũng tăng. Trẻ em có thể bị bệnh nhẹ nếu nhiễm, nhưng cũng có thể bị nặng, ngoài trẻ em ra trong nhà còn có người già. Ông bà cha mẹ đều lo lắng khi cháu đi học lại.

Lưỡng lự mãi chị Hoài bèn xin tạm cho con nghỉ học 1 tuần, để chờ xem tuần tới thế nào rồi quyết định tiếp. Nếu việc nghỉ học có thể bù bằng cách tự học tại nhà, chị sẽ cho con học tại nhà và học online thay vì đi học trực tiếp.

Học sinh trở lại trường trong nỗi lo âu của gia đình (Ảnh minh họa)
Học sinh trở lại trường trong nỗi lo âu của gia đình (Ảnh minh họa)

Ngoài những nỗi lo có thể nhiễm bệnh, chị Nga (Bến Tre) còn một nỗi lo khác chính là tài chính. Vì không trụ lại được ở TPHCM trong những ngày tháng giãn cách nên chị Nga quyết định dẫn hai con về quê một thời gian, dự định sẽ quay lại cho 2 con tiếp tục học khi có thể buôn bán trở lại.

Việc học online vẫn được tiếp tục mà không phải tốn thêm chi phí nào, tuy nhiên, gần đây, hội trưởng hội phụ huynh của lớp thông báo đóng tiền quỹ lớp, ngoài ra còn vận động đóng thêm tiền khuyến học và tiền sơn sửa lại lớp sau những ngày trường được sử dụng làm nơi thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 dã chiến.

Dù rằng tất cả số tiền trên được vận động trên tình thần tự nguyện và không bắt buộc, nhưng cũng khiến chị Nga suy nghĩ rất nhiều. Vì thực tế, tiền quỹ lớp chưa có lý do để sử dụng. Đó là chưa kể khoản bắt buộc đóng đầu năm là tiền bảo hiểm y tế và bảo hiểm tai nạn. Lúc bình thường kiếm được tiền rất dễ, nhưng khi khó khăn phải về nhà cậy nhờ bà ngoại thì việc xoay xở mỗi khoản đóng góp với chị Ngà rất khó khăn.

Cũng cùng nỗi lòng trên, chị Trà ở Hạ Long chia sẻ trên một hội nhóm rằng chị phải mua 10 que test nhanh cho con với giá tròm trèm 1 triệu đồng để dự phòng. Chị kể, một cậu bé chung lớp với con chị đã đi xe bus cùng một bạn F0.

Học sinh phải đi học, gần như là điều đương nhiên, vì đến trường là quyền lợi của trẻ. Tuy nhiên, với điều kiện dịch bệnh cũng như tình hình kinh tế hiện nay, việc trẻ em đến trường như thế nào để có thể giảm gánh nặng cho phụ huynh là điều cần thiết.

Dường như mọi thứ vẫn chưa thể bình thường, khi nỗi lo COVID-19 còn đấy và phụ huynh chưa thể đi làm kiếm tiền như trước. Trẻ đi học lại, nhiều phụ huynh đang rối ruột.

Kim Khuê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI