Đã hơn một năm, tôi mới có dịp đi cà phê với chị. Từ dạo có con, chị bận suốt. Con gái chị, gần hai tuổi, vụng về xúc muỗng yogurt cho vào miệng. Nó rạng rỡ nhìn mẹ. Chị mỉm cười, cúi xuống hôn con. Nhìn vẻ đằm thắm, viên mãn của chị, tôi ngạc nhiên về sự thay đổi mà đứa trẻ đã mang lại cho chị.
|
Ảnh minh họa |
Đa phần đàn bà đều khao khát được làm mẹ, bởi chỉ khi làm mẹ, đàn bà mới cảm thấy mình thật sự là đàn bà. Ngôi nhà có tiếng trẻ thơ bi bô khóc cười mới thật sự được xem là nhà. Dẫu vợ chồng có cãi vã, yêu thương có nhạt, vì con, họ có thể nhen lại lửa tàn, vun xới yêu thương để đứa trẻ được bình yên lớn lên.
5 năm sau ngày cưới, anh chị vẫn chưa có tin vui. Má chồng chị đi hết chùa này tới miếu nọ để cầu khấn. Bà mang về đủ thứ thuốc Nam thuốc Bắc, thậm chí bùa chú, ép chị uống. Chị đã khám tổng quát, sức khỏe không có vấn đề. Anh thì thoái thác, rằng anh khỏe như trâu, lại không nhậu nhẹt, việc gì phải khám.
Chịu hết nổi những tiếng thở dài của má chồng và cách anh mặc đời - chúi mũi vào máy tính thâu đêm, chị đề nghị ly hôn. Anh luýnh quýnh cản chị, đề nghị dọn ra ở riêng. Ừ, thì dọn. Thay đổi hoàn cảnh, áp lực giải tỏa, biết đâu chị sẽ có tin vui. Lúc dọn đồ, chị bắt gặp phiếu khám sức khỏe của anh, kết quả “không có tinh trùng”. Anh đứng lặng sau lưng chị, không dám ngẩng lên.
Anh cố làm như không có chuyện gì xảy ra, nhưng chị thì không thể. Đêm đêm, chị mơ thấy mình được bế con, con cười với chị. Tỉnh giấc, chị vẫn còn nguyên ngọt ngào, sau đó là nước mắt đẫm gối. Chị bàn với chồng xin tinh trùng hiến tặng.
Má chồng nói xin của người dưng, sao không lấy của em trai anh, cùng máu mủ vẫn hơn. Chị điên cuồng phản đối. Làm vậy, khác gì loạn luân. Chị làm sao đối diện với em chồng mà không lấn cấn trong lòng. Anh nể má, không có ý kiến. Chị cay đắng khi lạc mất anh trên hành trình đầy giông bão.
Một bữa sáng, chị nghe tiếng trẻ khóc và tiếng hàng xóm thất thanh: “Ai bỏ đứa trẻ ở đây?”. Chị và chồng lao ra cửa. Nhìn đứa bé há cái miệng chim non oe oe khóc, anh thầm thì: “Nó dễ thương quá”. Chị như có luồng điện chạy qua. Đích thực đây là con của chị. Ông trời đã ban tặng nó cho chị.
|
Ảnh minh họa |
Tết năm đó, chị mặc cho con chiếc áo dài đỏ, đội thêm chiếc mấn nhỏ xinh. Con bé đến bên bà nội bập bẹ: “Ton chúc nọi phẻ”. Bà nhìn nó, thở dài: “Thôi, đi chỗ khác chơi, bà nhức đầu quá”. Nét mũm mĩm thiên thần của đứa trẻ không thể khiến trái tim bà ấm áp. Năm đó, bà bán miếng đất, mỗi đứa con được chia hai tỷ đồng.
Anh, vì không có con, nên chẳng có phần. Chị nói với tôi: “Chị có con gái là đủ”. Nhìn vẻ mặt chị, tôi biết đứa trẻ đã mang lại cho chị nhiều hơn cả những gì mong đợi. Đàn bà, chỉ cần vậy thôi, là đủ.
Em là con gái của chú thím tôi. Mỗi lần về thăm nhà, em đều sang nhà tôi để nựng bé Na. Cách em cưng con nít cũng thật lạ. Em đặt bé Na lên đầu gối, thỏa thuê ngắm cháu, sau đó bắt đầu hôn nhè nhẹ. Em hôn chậm rãi, đều khắp, hít thật sâu cái mùi trẻ thơ gây nghiện. Rồi đến màn ấp đầu con bé vào ngực, vỗ về. Tôi hay đùa em đang thực hiện nghi lễ “đạo con nít”. Tôi biết, em khao khát có con.
Thím tích cực nhờ họ hàng mai mối. Anh nào nghe kể em làm giám đốc cũng le lưỡi. Từ dạo đó, em lầm lũi đi về. Em hay nổi nóng, trách phạt nhân viên. Đám lính kháo nhau: “sếp mất cân bằng âm dương nên thế”. Ngày nghỉ, em đi mua sắm, du lịch loanh quanh mãi cũng nhàm. Em gọi cho bạn bè, đứa đưa con đi học thêm, đứa về nội ngoại. Về nhà, ba má em mỗi người một góc, thở vắn than dài.
Em có thể chọn cách bỏ đi xa, sinh con một mình. Nhưng con em đã thiếu cha, thiếu nhà nội, lại không được nhà ngoại nhìn nhận, sẽ rất đáng thương. Phụ nữ nuôi con một mình, gánh nặng gấp đôi, đường xa gập ghềnh, không có chỗ nghỉ chân, làm sao đi tiếp? Bữa thím sang nhà tôi, vẻ sầu thảm: “Thấy nó nằm ngủ, tướng bơ vơ thấy tội. Xót con, nhưng nếu chiều theo ý nó, thiên hạ cười thúi đầu”.
Có con hay không và bằng cách nào là lựa chọn của mỗi người, miễn họ hài lòng và không hối hận. Những lúc chông chênh, được nắm bàn tay trẻ thơ ấm mềm, đêm tối sẽ thành rạng đông. Bởi vì trẻ thơ đến với cuộc đời này là để tái sinh người lớn một lần nữa.
Mỗi khi bạn bè tụ họp hay nội ngoại có đám, luôn thấy thương những người đàn bà muộn con. Dù đôi khi họ bằng lòng với hiện tại, những câu hỏi quan tâm lẫn ác ý kiểu như: “sao không sớm có con đi?”, “chạy chữa gì chưa?”… rồi tư vấn thầy này, bác sĩ kia mát tay lắm… khiến vết thương của họ lại vỡ ra.
Em năm nay đã 38 tuổi, làm giám đốc chi nhánh của một doanh nghiệp lớn, đã có nhà riêng. Phụ nữ giỏi như em, đàn ông chỉ đứng xa ngưỡng mộ. Mấy năm trước, em nói muốn làm mẹ đơn thân. Chú thím tôi la trời. Thím quyết liệt: “Đợi tao chết rồi mày muốn làm gì thì làm”. Em không cãi chú thím, nhưng ánh mắt phủ màu hoàng hôn.
Thùy Gương