Trẻ thiếu vitamin B12 có nguy cơ phát triển vận động kém và thiếu máu

04/05/2022 - 17:00

PNO - Trẻ sơ sinh bị thiếu vitamin B12 sẽ có nguy cơ phát triển vận động kém và thiếu máu, theo một nghiên cứu do Đại học Copenhagen và tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) thực hiện tại Burkina Faso - một quốc gia ở Tây Phi.

Theo các nhà nghiên cứu, thiếu hụt vitamin B12 là một vấn đề khá nghiêm trọng đối với trẻ em, nhưng vẫn chưa được nhiều nước trên thế giới quan tâm đúng mức.

Đối với trẻ nhỏ, B12 rất cần thiết cho sự phát triển của não bộ
Đối với trẻ nhỏ, B12 rất cần thiết cho sự phát triển của não bộ

Ở Đan Mạch, nhiều trẻ nhỏ phát triển tâm thần vận động kém do được nuôi dưỡng theo chế độ “ăn chay”, mặc dù những trường hợp như vậy có thể ngăn ngừa được bằng cách bổ sung vitamin B12 hàng ngày.

Nhưng em ở các nước có thu nhập thấp lại có rất ít cơ hội bổ sung B12 như vậy. Theo một nghiên cứu do Đại học Copenhagen thực hiện với sự cộng tác của MSF, điều này được phản ánh rất rõ trong tình trạng thiếu B12 rất phổ biến ở trẻ nhỏ tại Burkina Faso.

Thiếu vitamin B12 không chỉ có khả năng dẫn đến thiếu máu mà còn có thể làm hỏng hệ thần kinh. Và đối với trẻ nhỏ, B12 rất cần thiết cho sự phát triển của não bộ.

“Trong số nhiều trẻ em tham gia nghiên cứu của chúng tôi, cho thấy có mối tương quan chặt chẽ giữa sự thiếu hụt vitamin B12 và sự phát triển vận động kém cũng như bệnh thiếu máu”, Henrik Friis - trưởng nhóm nghiên cứu và là giáo sư tại Khoa Dinh dưỡng và thể dục thể thao của Đại học Copenhagen - cho biết.

Theo tờ Daily Science, sự thiếu hụt B12 có thể được truyền từ mẹ sang con. Nếu mẹ thiếu B12, trẻ sinh ra cũng sẽ thiếu B12. Sau đó, nếu được dùng sữa mẹ, thì trẻ lại tiếp tục bị thiếu B12 từ nguồn dinh dưỡng này.

Sự thiếu hụt B12 của trẻ còn có thể ảnh hưởng đến sự hình thành và tái tạo các tế bào ruột của trẻ. Vì vậy, khả năng hấp thụ B12 và các dưỡng chất quan trọng khác của trẻ sẽ bị giảm sút, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, khiến trẻ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng.

“Trong nhiều năm qua, người ta chủ yếu đề cập đến sự thiếu hụt vitamin A, kẽm và sắt, như là các nguyên nhân chính dẫn đến suy dinh dưỡng trên toàn cầu, trong khi có rất ít nghiên cứu về sự thiếu hụt B12. Và thật không may, các chương trình cứu trợ thực phẩm mà thế giới đang triển khai đến các nước có thu nhập thấp lại không bao gồm việc bổ sung B12 cho trẻ ở những nước này”, Henrik Friis, người đã từng làm việc về dinh dưỡng và sức khỏe ở các nước có thu nhập thấp trong nhiều năm, nói thêm.

Hơn 1.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính từ 6-23 tháng tuổi đã được đưa vào nghiên cứu. Hàm lượng vitamin B12 của trẻ được đo trước và sau 3 tháng dùng khẩu phần thực phẩm cứu trợ mỗi ngày có chứa hàm lượng B12 được khuyến nghị. Khi nghiên cứu bắt đầu, 2/3 trẻ em có hàm lượng B12 thấp hoặc cận mức giới hạn thấp.

“Trong giai đoạn 3 tháng trẻ được cung cấp thực phẩm cứu trợ, hàm lượng B12 của các bé tăng lên, nhưng sau đó đã giảm đáng kể khi chúng tôi dừng chương trình”, Henrik Friis cho biết.

“Ruột của trẻ chỉ có thể hấp thụ 1 microgram B12 mỗi bữa ăn. Vì vậy, nếu trẻ bị thiếu 500 microgam, thì sẽ cần phải được cung cấp thực phẩm theo chương trình cứu trợ dài thêm vài tuần, thay vì 3 tháng, để có thể bổ sung đủ lượng B12 cần thiết.

Trong khi đó, các tổ chức nhân đạo đang cố gắng giảm khoảng thời gian này nhằm có thể điều trị cho một số lượng lớn trẻ em hơn với cùng một khoản ngân sách”, bác sĩ nhi khoa Vibeke Brix Christensen - cố vấn y tế của MSF, và là một thành viên của nghiên cứu - giải thích.

Bác sĩ Christensen cũng cho biết thêm, có thể chia lượng vitamin B12 cần thiết cho nhiều bữa ăn, cho phép trẻ vẫn hấp thụ cùng một lượng B12 trong mỗi bữa. “Nhưng với tình trạng trẻ em thiếu B12 xuất hiện trên diện rộng ở các nước thu nhập thấp như hiện nay, thì rất khó để làm điều này”, bà nói.

Theo Science Daily, cơ thể con người không thể tự sản xuất B12 mà cần phải bổ sung loại vitamin này bằng các sản phẩm có nguồn gốc động vật hoặc thực phẩm chức năng tổng hợp. Tuy nhiên, điều này vô cùng khó khăn đối với người dân ở nhiều quốc gia có thu nhập thấp.

“Giải pháp để làm giàu nguồn thực phẩm có B12 dành cho người nghèo là mở rộng sản xuất thực phẩm công nghiệp, vì nhiều người hiện chỉ ăn những gì họ có thể tự sản xuất. Các hộ gia đình cá nhân cũng nên được khuyến khích tự nuôi gia súc và gia cầm để đáp ứng nhu cầu của mình. Ngoài ra, có thể nghiên cứu phát triển các sản phẩm lên men chứa vi khuẩn có khả năng sản xuất B12”, giáo sư Henrik Friis kết luận.

Nhất Nguyên (theo Science Daily)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI