Trẻ suy dinh dưỡng vì… sâu răng

10/12/2023 - 06:46

PNO - Nhiều phụ huynh cho rằng trẻ nhỏ bị sâu răng không đáng lo bởi sẽ thay răng sữa. Điều này rất sai lầm, bởi sâu răng làm ảnh hưởng đến khả năng nhai, tính thẩm mỹ và sức khỏe của trẻ, đặc biệt là suy dinh dưỡng.

 

Bác sĩ Mai Quang Huỳnh Mai khám cho bệnh nhi tại Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Đồng 2
Bác sĩ Mai Quang Huỳnh Mai khám cho bệnh nhi tại Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Đồng 2

Đau răng nên sợ ăn
Đưa con gái T.N.A. (5 tuổi, ở tỉnh Đồng Nai) lên TPHCM khám bệnh, chị Phạm Thị Thanh bất ngờ khi bác sĩ cho biết bé bị suy dinh dưỡng do nguyên nhân chính là sâu răng. Theo chị Thanh, từ trước đến nay gia đình chị luôn nghĩ con gái nhẹ cân, ốm yếu là do thiếu chất, lười ăn uống, chứ chưa từng nghĩ đến sâu răng.

“Khi con được 3 tuổi, tôi gửi nhà trẻ, về nhà bé rất sợ ăn. Ban đầu, tôi nghĩ do ăn trong trường không đủ chất, hay bé quá sợ cô bảo mẫu. Tôi thường xem camera trong khu vực ăn uống, phần ăn của các bé vẫn có cơm, canh, món mặn và trái cây. Vấn đề là con tôi không chịu ăn, hoặc ăn được nửa chén cơm là ói, rồi ốm yếu đến bây giờ” - chị Thanh kể.

Nghĩ con hấp thu kém, bên cạnh ăn uống, chị Thanh còn mua thêm các viên bổ sung vitamin, tổ yến, sữa ong chúa… cho con, vậy mà bé vẫn còi cọc. Lần này, sẵn dịp đưa bé đi khám bệnh, chị cho bé khám dinh dưỡng mới biết do chị xay đồ ăn cho bé A. từ nhỏ, đến lúc đi học bé không có phản xạ nhai, kèm theo sâu răng hàm làm bé đau nhức mỗi khi ăn nên rất sợ khi phải ăn uống.

Tương tự, bé P.H.M. (3 tuổi, ở quận Bình Thạnh) tụt cân nhanh khi đi mẫu giáo. Nghe hàng xóm nói có thuốc tễ (một loại thuốc đông y) dành cho trẻ biếng ăn rất hiệu quả, chị Ngọc Thúy (mẹ bé M.) mua cho bé uống. Ban đầu, bé M. ăn nhiều và thèm ăn hơn thường ngày. Thế nhưng, sau 2 tháng uống thuốc, bé có hiện tượng tích nước, da phù, hay mệt mỏi, ngủ li bì, ra nhiều mồ hôi nên được đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 2. Tại đây, bác sĩ cho biết bé đang có nguy cơ bị hội chứng thận hư, Cushing, khả năng bé đã uống thuốc chứa thành phần corticoid quá nhiều.

Sau khi thăm khám, làm các xét nghiệm, bé được chẩn đoán suy dinh dưỡng độ 2, hấp thu kém, suy giảm hệ miễn dịch, siết, sâu răng nhiều hàm dưới, phải dừng uống thuốc tễ, sử dụng thuốc và tái khám theo chỉ định của bác sĩ. 

Thạc sĩ, bác sĩ Mai Quang Huỳnh Mai - Phó khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cho biết, trung bình mỗi tháng khoa khám cho hơn 4.600 trẻ. Trong đó, số lượng trẻ suy dinh dưỡng chiếm khoảng 20 - 30%. Bệnh nhi bị suy dinh dưỡng gặp ở nhiều độ tuổi. Tuy nhiên thường có 2 nhóm chính gồm trẻ ở nhóm tuổi đang ăn dặm (dưới 2 tuổi) và nhóm trẻ mầm non, tiểu học.

“Hầu hết trẻ bị suy dinh dưỡng nguyên nhân chính là do sâu răng, nhưng khi bác sĩ nói thì đa số cha mẹ ngạc nhiên bởi nghĩ rằng sâu răng không liên quan đến bệnh này. Điều này rất sai lầm, làm cho trẻ bị suy dinh dưỡng kéo dài” - bác sĩ Huỳnh Mai nói.

Không tự dùng thuốc cho trẻ

Theo bác sĩ Huỳnh Mai, một trong những nguyên nhân quan trọng và dễ bị bỏ sót gây suy dinh dưỡng kéo dài là trẻ bị sâu răng. Sâu răng có thể xuất hiện ở nhiều độ tuổi, nhưng đa phần trẻ bú đêm nhiều, trẻ hay ăn ngậm, trẻ ở độ tuổi mầm non, tiểu học có thói quen ăn vặt, uống nước ngọt... không vệ sinh răng miệng tốt.

Tuy nhiên, nhiều cha mẹ vẫn quan niệm sâu răng không quan trọng, bởi sẽ thay răng sữa. Cha mẹ quên rằng nếu trẻ bị hư răng cửa, mất khoảng 6 tháng để mọc răng mới, còn hư răng hàm thì phải 12, 13 tuổi mới mọc răng vĩnh viễn. Điều này không đơn thuần chỉ làm mất thẩm mỹ, trẻ sẽ cảm thấy đau nhức, ê buốt, nhai khó. Mà không biết thức ăn phải được nghiền nát thì mới được hấp thu. 

Chưa có răng mới, trẻ nhai sẽ bị đau, hoặc có cảm giác trống, khó chịu khi ăn, dẫn đến sợ ăn, rất hạn chế cho sự tiêu hóa, hấp thụ thức ăn. Dẫn đến trẻ rối loạn tiêu hóa, táo bón, thiếu hấp thụ vi chất, suy dinh dưỡng… Khi trẻ ngày càng sụt cân, cha mẹ mới phát hiện thì đã vào giai đoạn trễ (sau 2 tuổi). Lúc này, điều trị suy dinh dưỡng sẽ rất khó khăn bởi trẻ bước vào độ tuổi đi học, sẽ có nhiều yếu tố chi phối. 

“Nếu trẻ ở nhà, cha mẹ có thể đút ăn, cho ăn theo sở thích của trẻ, thậm chí xay nhuyễn để bé ăn nhanh hơn. Còn khi trẻ đi mẫu giáo, hầu hết các bữa ăn trong ngày sẽ phụ thuộc vào trường học. Trẻ phải tập làm quen với các món ăn theo thực đơn ở trường.

Đặc biệt, trẻ phải tự ăn uống. Lúc này, trẻ nhai khó, hoặc không có phản xạ nhai, chỉ nhai cho có rồi nuốt trọng, nôn ói. Điều này lặp đi lặp lại dễ làm trẻ sợ hãi, không dám ăn tiếp. Nhiều trẻ chỉ thích ăn tinh bột, không ăn thịt, cá hoặc ngược lại, sẽ lén bỏ hoặc nhờ bạn ăn giùm, cô giáo lại chăm nhiều trẻ, khó phát hiện” - bác sĩ Huỳnh Mai cho biết.

Ngoài ra, vẫn còn một số trường hợp cha mẹ tự mua thực phẩm chức năng, bài thuốc dân gian, truyền miệng hay sử dụng thuốc kích thích trẻ ăn nhiều... Điều này phải dừng lại ngay, nguy cơ làm cho trẻ bị dư chất, tích nước, thậm chí ảnh hưởng đến gan, thận nếu cho trẻ uống vô tội vạ, hoặc mua phải hàng kém chất lượng. Trường hợp cha mẹ muốn bổ sung cho con, khi đi khám nên mang theo các loại thực phẩm này (còn nguyên tem, nguyên hộp càng tốt) đến để bác sĩ tư vấn kỹ. 

 Phạm An

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI