Trẻ sống thật ở đâu?

01/04/2021 - 18:27

PNO - Những đứa trẻ này đã phải sống hai mặt ngay trong nhà mình, chỉ khi đi chơi mới thoải mái một chút hoặc họa may là được sống thật với đám bạn ở trường.

Đi đón con, tôi hay nán lại trò chuyện với đám bạn học của bé. Đứng chờ cha mẹ trong tâm trạng vừa thoát khỏi các tiết học nặng nề nên tụi nhỏ rất vui vẻ, dễ chia sẻ, còn tôi thì dễ… khai thác.

Hôm ấy, thấy bé gái xinh xắn tên L. (lớp Chín) đang ôm một cuốn sách, tôi nói: “Hâm mộ con ghê, đứng vỉa hè mà cũng đọc sách”. Tôi mượn sách lật sơ vài trang thì tá hỏa. Đó là cuốn tiểu thuyết dịch nói về tình yêu đồng tính nữ.

Các chi tiết mô tả cảnh ôm hôn, cảm xúc tình dục đồng giới khá cụ thể khiến tôi đỏ mặt. Bất ngờ nhất là dòng viết đầu sách. Bé ghi đây là sách bé tự mua thưởng cho mình, ghi nhớ cảm xúc của mình với H.Y. (tên một bạn gái).

Ảnh minh họa
Trẻ yêu bạn đồng giới là hiện tượng dễ thấy trong các trường phổ thông - Ảnh minh họa

Tôi ngạc nhiên hỏi: “Sao con đọc truyện người lớn vậy?”, bé L. trả lời rất tự nhiên: “Ủa, bình thường mà cô, con là lesbian (đồng tính nữ) mà, con ghét bọn con trai này lắm” (bé chỉ vào con trai tôi).

Về nhà, tôi hỏi lại con trai, có thật bạn L. là lesbian không. Con tôi nói: “Con không biết nữa mẹ, bây giờ chúng nó “giả trân” nhiều lắm. Nhưng mà L. thì nó thích bắt cặp với bạn nữ, diễn sâu như tình nhân ấy”.

Tôi chợt nhớ đã nhiều lần hỏi bé L. sao lại mặc áo khoác dày, dù trời nắng chang chang và bé đổ mồ hôi ròng ròng. Bé chỉ nói gọn: “Con thích mặc vậy đó cô”.

Liên hệ lại, tôi có cảm giác bé có ý che giấu bộ ngực. Thời chúng tôi, thiếu nữ thường che giấu ngực vì mắc cỡ nhưng bây giờ, rất khó tìm ra thiếu nữ nào sau khi đã dậy thì vài năm mà còn che giấu các đặc điểm giới tính.

Hôm trước tết, tôi dò hỏi thêm hai học sinh phục vụ buổi họp phụ huynh. Đây là những đứa trẻ tôi quen thân nên chúng thật tình chia sẻ rằng trong lớp có vài bạn thuộc giới tính thứ ba.

Phía trẻ trai cũng có hai kiểu: nhóm “lộ” thì công khai chơi với “hội bà tám”, thích giày gót nhọn, nơ kẹp, tô son bóng, tối nào cũng dưỡng da; loại “kín” nhìn vẫn rất “men lỳ” nhưng cứ thấy các anh đẹp trai lớp trên đi qua thì cảm thán về tóc tai, cơ bắp. “Thằng T. nó mê trai thấy rõ lắm cô”, chúng nói. Còn về đồng tính nữ thì chúng bảo trong lớp chỉ có bé L. và L. đang thích một bạn gái lớp khác.

Hôm vừa rồi, tình cờ gặp mẹ của L. ở siêu thị, tôi hỏi chị có thấy con bé yêu ai không, vì nay bé điệu quá. Mẹ L. cười lớn: “Yêu cái gì cô ơi, nó còn trẻ con, nó ghét tụi con trai lắm. Con này còn khùng khùng, bữa nọ đòi cắt tóc tém mà mình phản đối”.

Cha mẹ trẻ thường không tin con mình có vấn đề giới tính, khiến trẻ khó khăn khi muốn sống thật - Ảnh minh họa
Cha mẹ trẻ thường không tin con mình có vấn đề giới tính, khiến trẻ khó khăn khi muốn sống thật - Ảnh minh họa

Suy nghĩ chủ quan của mẹ L. khiến tôi nhớ những cảnh thường gặp ở khu vực quận 1, TP.HCM. Các cặp đồng tính nữ trẻ hay chở nhau đi chơi đêm. Chúng mặc quần áo cặp, đi dép cặp, tay trong tay. Đứa ngồi sau ôm đứa ngồi trước, đứa phía trước thì quờ tay ôm đứa phía sau…

Trong khu vệ sinh nữ của các trung tâm thương mại, tôi cũng thường gặp rất nhiều bé có người yêu đồng tính vào thay đồ. Những đôi giày nam tính hầm hố, những chiếc áo tomboy… chúng không dám mặc từ nhà vì sợ bị cha mẹ phát hiện.

Những đứa trẻ này đã phải sống hai mặt ngay trong nhà mình, chỉ khi đi chơi mới thoải mái một chút hoặc họa may là được sống thật với đám bạn ở trường. 

Phương Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI