Trẻ song sinh được nuôi dạy ở hai nơi sẽ bị lệch nhau về trí thông minh?

08/05/2022 - 15:58

PNO - Một nghiên cứu mới về các cặp song sinh giống hệt nhau được nuôi dạy riêng biệt ở 2 quốc gia Hàn Quốc và Mỹ đã đem lại một cái nhìn thú vị về ảnh hưởng của các yếu tố di truyền, văn hóa và môi trường đến sự phát triển và trí thông minh của con người.

Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí khoa học Personality and Individual Differences.

“Tôi đã nghiên cứu những cặp song sinh giống hệt nhau được nuôi dạy theo những cách nhau trong nhiều năm, và nhận thấy rằng di truyền và môi trường có những ảnh hưởng khác nhau lên các đặc điểm của con người. Điều này được thể hiện rõ nét ở các cặp song sinh được nuôi dạy tại các quốc gia khác nhau”, Giáo sư Nancy L. Segal - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu song sinh tại Đại học Bang California ở Fullerton (Mỹ) - cho biết.

Trong nghiên cứu của mình, giáo sư Segal đã theo dõi sự phát triển của một cặp song sinh được sinh vào năm 1974 tại Seoul, Hàn Quốc. Một trong hai bé gái sinh đôi đã bị thất lạc vào năm 2 tuổi sau khi đi chợ với bà ngoại. 

Sau đó, bé được đưa đến một bệnh viện cách nơi ở của gia đình khoảng 160 km và được chẩn đoán mắc bệnh sởi. Mặc dù gia đình đã có nhiều nỗ lực để tìm kiếm, nhưng bé đã được đưa vào hệ thống nuôi dưỡng trẻ không nơi nương tựa, và cuối cùng được một cặp vợ chồng sống ở Mỹ nhận nuôi.

Năm 2018, người phụ nữ này phát hiện ra mình đã có một người chị em sinh đôi sau khi gửi mẫu ADN đến chương trình đoàn tụ các thành viên trong gia đình của Hàn Quốc.

Trong nghiên cứu mới, cặp song sinh đã hoàn thành các đánh giá về môi trường gia đình, trí thông minh chung, khả năng lý luận phi ngôn ngữ, đặc điểm tính cách, chủ nghĩa cá nhân-chủ nghĩa tập thể, lòng tự trọng, sức khỏe tâm thần, sự hài lòng trong công việc, và lịch sử về sức khỏe. Cả hai cũng đã trải qua các cuộc phỏng vấn có cấu trúc về lịch sử cuộc đời chung của họ.

Cặp song sinh này không chỉ trải qua những nền văn hóa khác nhau khi lớn lên, mà còn được nuôi dạy trong những môi trường gia đình rất khác nhau. Bé gái ở lại Hàn Quốc được nuôi dưỡng trong bầu không khí gia đình gắn kết và tương trợ lẫn nhau hơn. Ngược lại, bé gái được cặp vợ chồng Mỹ nhận nuôi lại cho biết đã lớn lên trong một môi trường nghiêm khắc hơn, thiên về tôn giáo có mức độ xung đột gia đình cao hơn.

Điều đáng chú ý là các nhà nghiên cứu đã tìm thấy những khác biệt “nổi bật” về khả năng nhận thức của hai chị em sinh đôi này. Người lớn lên ở Hàn Quốc đạt điểm cao hơn đáng kể trong các bài kiểm tra trí thông minh liên quan đến khả năng suy luận và xử lý tri giác, với sự chênh lệch về IQ tổng thể là 16 điểm.

Tương thích với môi trường văn hóa Mỹ, người phụ nữ lớn lên ở nước này có nhiều giá trị cá nhân hơn, trong khi người được nuôi dưỡng ở Hàn Quốc có nhiều giá trị tập thể hơn.

Tuy nhiên, cặp song sinh có tính cách khá giống nhau. Cả hai đều đạt điểm cao đối với các chỉ số về sự tận tâm, và thấp đối với các chỉ số về chứng loạn thần kinh. Họ cũng có mức độ hài lòng tương tự đối với công việc của mình, mặc dù nghề nghiệp của họ khá khác nhau - một người là nhân viên hành chính trong cơ quan của chính phủ, người còn lại là đầu bếp. Cặp song sinh cũng có hồ sơ sức khỏe tâm thần giống nhau và có điểm số về lòng tự trọng giống hệt nhau.

“Di truyền có tác động khá lớn đến sự phát triển. Tuy nhiên, các yếu tố môi trường cũng đóng vai trò rất quan trọng. Cặp song sinh này cho thấy sự khác biệt văn hóa ở một số khía cạnh. Chúng tôi cần xác định thêm những trường hợp như vậy để khẳng định sự ảnh hưởng của môi trường đối với khả năng nhận thức của con người”, giáo sư Segal nói với tờ PsyPost.

Nhất Nguyên (theo PsyPost)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI