Trẻ sơ sinh yếu liệt tay, đừng chờ cứng cáp mới đi khám

22/09/2016 - 20:00

PNO - Tình trạng trẻ sơ sinh yếu liệt cánh tay do đứt dây thần kinh đám rối ngày càng nhiều. Riêng ngày 15/9, BV Nhi Đồng 1 TP.HCM đã khám cho hơn chục bé và lên lịch mổ cho ba ca.

Tình trạng trẻ sơ sinh yếu liệt cánh tay do đứt dây thần kinh đám rối ngày càng nhiều. Riêng ngày 15/9, BV Nhi Đồng 1 TP.HCM đã khám cho hơn chục bé và lên lịch mổ cho ba ca.

Phóng viên báo Phụ Nữ TP.HCM đã có buổi trao đổi với BS Đặng Khải Minh - Khoa Chấn thương chỉnh hình, người phụ trách nhóm bệnh này tại BV Nhi Đồng 1, nhằm giúp phụ huynh hiểu rõ hơn nguyên nhân, cách nhận biết sớm để đưa trẻ đi chữa trị kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.

* Thưa bác sĩ, làm thế nào phát hiện con mình bị đứt dây thần kinh đám rối cánh tay và vì sao trẻ mắc bệnh này?

- Cứ 1.000 bé sinh ra lại có một bé bị yếu, liệt cánh tay do đứt dây thần kinh đám rối. Tỷ lệ này đang có xu hướng tăng lên. Nguyên nhân do thai nhi quá to, khi chào đời bé chui qua khung xương chậu của mẹ nhưng vai bị mắc kẹt, chèn ép, dẫn tới tổn thương hoặc đứt dây thần kinh đám rối cánh tay.

Triệu chứng bệnh rất dễ phát hiện. Sau khi sinh một-hai ngày, nếu bà mẹ để ý sẽ nhận ra một cánh tay của con cử động ít hơn tay còn lại, hoặc tay bé để yên, không nhúc nhích được.

Tre so sinh yeu liet tay, dung cho cung cap moi di kham
BS Đặng Khải Minh đang khám cho bé sơ sinh bị yếu liệt tay do dứt dây thần kinh đám rối

* “Thời gian vàng” để điều trị cho trẻ bị yếu, liệt cánh tay do đứt dây thần kinh đám rối là khi nào, thưa bác sĩ?

- Nếu phát hiện và đưa bé đi khám trong vòng ba tháng đầu sau khi sinh thì bệnh nhi sẽ được tập vật lý trị liệu rồi hẹn tái khám vào ba tháng kế tiếp để đánh giá tình hình. Nếu chức năng cánh tay vẫn không phục hồi, chúng tôi sẽ cho mổ. Thông thường, 30% bệnh nhi có khả năng tự phục hồi sau khi tập vật lý trị liệu.

Nhiều phụ huynh có quan niệm vô cùng sai lầm, thấy con cử động tay yếu nhưng không cho đi khám ngay vì muốn chờ bé thêm cứng cáp. Tôi từng tiếp nhận các bé mãi tới năm-sáu tuổi mới đi khám. Lúc nhập viện, tay bệnh nhi chỉ ngo ngoe các ngón một cách yếu ớt, không thể cầm nắm, do dây thần kinh mất tín hiệu dẫn truyền quá lâu.

Bàn tay bé còn cầm nắm được thì chúng tôi sẽ cố phẫu thuật mổ chuyển gân cơ với hy vọng bệnh nhi nhấc được khuỷu tay lên, nhưng bàn tay cũng… liệt luôn thì bác sĩ gần như không can thiệp được gì. Những trường hợp tới bệnh viện chậm trễ, dù có cố chữa, khả năng phục hồi cũng rất kém.

* Vậy những bé được phẫu thuật sớm, tay có thể phục hồi như bình thường được không? Ca mổ có phức tạp và để lại biến chứng gì nguy hiểm không, thưa bác sĩ?

- Với những bé được phẫu thuật kịp thời, khả năng hồi phục chức năng của cánh tay là 80%. Chúng tôi đang có một bệnh nhi tên là N.K.M. (bốn tuổi, ngụ Bình Dương) đến tái khám. Bé này sau khi sinh ra ba ngày đã được mẹ phát hiện tay trái gần như liệt, chỉ nhúc nhích đầu các ngón. Mẹ đưa bé đi khám ngay. Bệnh nhi được tập vật lý trị liệu và mổ lúc sáu tháng tuổi. Chúng tôi đã chuyển ghép thần kinh cho cháu. Ca mổ đó diễn ra gần năm tiếng đồng hồ.

Sau mổ một tháng, bé M. được cho tập vật lý trị liệu để giữ sức cơ của cánh tay. Từ đó, mỗi ba-sáu tháng bé tái khám một lần. Tới nay tay trái bé phục hồi khá tốt, có thể vòng hai tay đưa lên qua đầu, bắt chước các động tác của bác sĩ.

Ca mổ nào cũng có nguy cơ bị biến chứng. Nhóm bệnh lý này đòi hỏi bác sĩ gây mê chuyên khoa nhi và bác sĩ mổ có kinh nghiệm vì vùng đám rối thần kinh rất phức tạp. Sợ nhất là biến chứng chảy máu và tổn thương dây thần kinh hoành, làm liệt cơ hoành, khiến bệnh nhi có thể suy hô hấp sau ca mổ.

Có những bệnh lý cũng gây yếu liệt tay như bệnh liên quan tới nội thần kinh, viêm màng não, nhiễm siêu vi. Vì thế, khi thấy trẻ có biểu hiện bất thường phải đưa bé đi khám ngay để được chẩn đoán đúng bệnh và điều trị kịp thời.

Thanh Huyền (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI